Số hóa

Mẹo tránh mua hớ trong ngày Black Friday

Sử dụng vài thủ thuật công nghệ, người dùng có thể phân biệt được những nơi bán khuyến mãi thực sự và những nơi dùng chiêu trò, để lựa chọn được nơi bán khuyến mãi tốt nhất.

Bên cạnh những cửa hàng bán đồ hạ giá thực sự, nhiều nơi dùng các chiêu trò giảm giá lớn, nhưng thực tế món hàng vẫn đắt so với các nơi khác. Dưới đây là một số thủ thuật để người dùng chọn nơi bán khuyến mãi rẻ nhất trong ngày Black Friday.

Đừng quyết định ngay khi thấy chương trình hấp dẫn

Nhiều cửa hàng chi mạnh tiền quảng cáo để xuất hiện ở các vị trí "đẹp" ở các web bán hàng, hoặc xuất hiện dày đặc trên Facebook, Google. Do đó, nếu vội vã chọn các chương trình này, người dùng dễ mua hớ.

Nếu đã quyết định mua online, người dùng nên tìm kiếm tên sản phẩm trong công cụ so sánh giá, thông thường các trang web bán hàng đều đã tích hợp công cụ này.

Hãy cẩn trọng với những quảng cáo bắt mắt tại vị trí "đẹp" trên web bán hàng.

Với các sản phẩm nước ngoài, người dùng có thể sử dụng Google Shopping, thủ thuật này sẽ hữu ích với những người cần mua đồ xách tay.

Sử dụng ứng dụng

Nếu bạn có dịp đi săn đồ giảm giá ở nước ngoài trong dịp này, hãy dùng các ứng dụng như ScanLife hoặc ShopSavvy để so sánh giá sản phẩm.

Các ứng dụng sẽ quét mã vạch hoặc tên sản phẩm để xác định món đồ bạn muốn mua.

Các cửa hàng ở nước ngoài áp dụng chương trình khác nhau cho cùng loại sản phẩm, các ứng dụng này sẽ liệt kê danh sách các cửa hàng bán món hàng đó, cùng mức giá đi kèm.

Tuy vậy, ở Việt Nam, số ứng dụng tương tự khá hạn chế.

Tìm đúng model, mã số sản phẩm

Nếu có thể, hãy tìm sản phẩm theo mã số, chứ không phải tên chung chung. Khác với điện thoại, hàng điện tử gia dụng thường dùng chung tên cho những phiên bản khác nhau, do đó, một chiếc "LG 55 inch 4K 120Hz Smart Ultra HD TV" có thể trỏ ra kết quả của sản phẩm năm ngoái thay vì bản mới nhất.



Chắc chắn bạn đang mua đúng sản phẩm mình muốn, thay vì một thiết bị có tên tương tự.


Do vậy, một "món hời" có thể nhanh chóng trở thành "món hớ" khi sản phẩm chỉ là phiên bản thấp hơn so với tưởng tượng. Nhiều trang web bán hàng được tối ưu hóa để ưu tiên các sản phẩm đời cũ, nhằm thanh lý nhanh hơn.

Do đó, hãy tìm kiếm đúng sản phẩm trên Google, và tìm mã thiết bị chính xác. Hoặc, người dùng có thể tìm dãy số SKU để chắc chắn món hàng khuyến mãi là món mình muốn.

Kiểm tra giá gốc trên website chính

Nhiều cửa hàng treo con số khuyến mãi 30%, 50% rất bắt mắt. Nhưng thực tế, mức giá bán ra không rẻ hơn bao nhiêu. Nguyên nhân chính vì họ để giá gốc là mức giá của sản phẩm khi ra mắt, chứ không phải giá thực tế.

Ví dụ, người dùng có thể choáng ngợp với một máy ảnh giá 20 triệu, giảm giá 30% còn 14 triệu, nhưng thực tế, đó là model đã giảm giá nhiều lần, giá hiện tại chỉ còn 15 triệu.

Do đó, thay vì choáng ngợp với những con số khuyến mãi, hãy vào website chính thức của hãng để kiểm tra giá gốc.

Cẩn thận với các gói khuyến mãi

Nhiều chương trình khuyến mãi, đặc biệt là đồ công nghệ thường đi kèm theo "gói". Ví dụ, khi mua một camera, người dùng sẽ được gợi ý "gói" bao gồm thêm túi đựng, thẻ nhớ, chân máy... với giá cả gói rất "hời".


Máy chơi game, đồ chơi là món đồ thường có khuyến mãi "gói" nhất, người dùng nên cẩn thận trước khi mua.

Tuy nhiên, người dùng nên kiểm tra kỹ từng món, bởi chúng có thể đã bị đội giá hoặc tính giá gốc như nói ở trên. Đồng thời, người mua nên cân nhắc mức độ cần thiết của các phụ kiện đi kèm, để tránh mua phải món đồ không cần thiết.

Tác giả bài viết: Lê Phát

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok