Giáo dục

Mẹ gom phế liệu, bố gánh sỏi thuê, con thi đại học 27 điểm

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi mẹ đi gom phế liệu, bố gánh sỏi thuê, nhưng Nguyễn Thị Huệ (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đang đứng trước cơ hội sẽ trở thành thủ khoa của Học viện Cảnh sát nhân dân năm nay.

Nguyễn Thị Huệ có tổng số điểm xét tuyển cao nhất cả nước tính tới thời điểm hiện tại với 31,75 điểm. Ảnh: NVCC.


Cô nữ sinh chuyên Văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia ngoạn mục với số điểm 3 môn khối C là 27,25 (Văn 9; Địa 9,5; Sử 8,75).

Cộng với 3 điểm khuyến khích khi từng đoạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý và 1,5 điểm ưu tiên khu vực miền núi, Huệ có tổng số điểm là 31,75 và trở thành thí sinh có điểm cao nhất cả nước tính tới thời điểm hiện tại.

Biết được điểm thi của mình, Huệ mừng rơi nước mắt, bởi em hiểu rằng đây sẽ là món quà lớn nhất để động viên bố mẹ vượt qua những vất vả, lo toan của cuộc sống. Với em cơ hội vào được Học viện Cảnh sát nhân dân đang mở rộng hơn bao giờ hết.

Ít ai biết rằng, Huệ sinh ra trong một gia đình khó khăn, không có truyền thống học hành khi mẹ học hết lớp 3, còn bố cũng chỉ học hết lớp 6. Nhà ít ruộng, để kiếm thêm thu nhập, hàng ngày bố em phải đi gánh sỏi thuê từ bến sông lên bãi. Mẹ em hằng ngày vẫn đạp xe rong ruổi hàng trăm cây số đến từng nhà để gom phế liệu, lượm lặt từ sáng đến tối mới được khoảng vài chục nghìn đồng.

“Ngày nắng thì còn được chứ những ngày mưa thì mẹ không đi được bởi có đi cũng chả ai bán vào ngày mưa. Công việc của bố cũng thất thường, họ thuê thì đi. Hôm nào tàu chưa về kịp không có sỏi, hoặc sỏi trên bến đang ế ẩm thì người ta cũng không gọi bố”, Huệ nghẹn lời.

Nhìn cảnh bố mẹ vất vả nên em tự nhủ bản thân phải cố gắng “học và học” để thoát nghèo. Cô nữ sinh cũng tập cho mình thói quen tự lập và mạnh mẽ hơn trong cảm xúc để ở trọ cách nhà 30 cây số, theo học trường chuyên của tỉnh. Tuy vậy, cũng không ít lần Huệ bật khóc chỉ vì nghĩ thương bố mẹ và nhớ nhà.

“Nhớ nhất là những lần em từ nhà lên trường học, gia đình khó khăn nhưng được bao nhiêu trong nhà mẹ chuẩn bị để cho em mang theo hết, dù đó cũng chỉ là rau và trứng. Mẹ luôn dắt xe cho em lên mãi đầu dốc, em đạp xe đi rồi ngoái lại vẫn thấy mẹ đứng đấy mà tự nhiên trào nước mắt”. Huệ rưng rưng.

Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Huệ luôn lạc quan và coi đó là động lực để mình càng phải phấn đấu. Ảnh: NVCC.


Mỗi tháng ngoài tiền thuê phòng trọ là 400 nghìn đồng, tuần nào nhiều việc bố mẹ cho Huệ thêm 200, ít thì 150 nghìn đồng để sinh hoạt. Có lẽ cũng vì cuộc sống vất vả từ nhỏ nên với số tiền bố mẹ cho, Huệ vẫn cân đối được mọi việc trong suốt 3 năm học THPT.

Quê vùng núi có nhiều đồi quế, nên mỗi dịp nghỉ hè, Huệ lại xin vào làm thêm cho những xưởng quế với tiền công 70 nghìn đồng/ngày để hỗ trợ kinh tế cho gia đình.

Chia sẻ về bí quyết học, ngoài yếu tố tiên quyết là chăm chỉ, Huệ cho rằng phương pháp của em là ghi lại những ý chính lên những mẩu giấy nhỏ.

“Em thường ghi lại tóm tắt ý chính của bài học vào những mẩu giấy và dán kín phòng trọ của mình, thậm chí cả cửa ra vào. Như vậy, bất cứ khi em làm việc gì, thậm chí là cả khi nấu ăn em cũng có thể học lại được kiến thức. Như vậy khiến mình khó có thể quên được”, Huệ cười.

Ngày thường, Huệ thường có thói quen ca hát và em cho rằng ngoài việc học nên có một sở thích gì đó để theo đuổi. “Điều này không chỉ giúp mình thoải mãi, đỡ căng thẳng mà còn cảm thấy yêu cuộc sống hơn”, Huệ nói.

Không phụ lòng bố mẹ, năm lớp 11, Huệ lọt vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý và giành được giải khuyến khích. Năm 12 em tiếp tục giành giải Nhì quốc gia môn học này và giờ đây đang đứng trước cơ hội là thủ khoa của Học viện Cảnh sát nhân dân.

“Vào Học viện cảnh sát nhân dân là mơ ước của em từ bé khi bị ấn tượng bởi những chiến sĩ nữ công an trong bộ quân phục màu xanh, giành lại sự bình yên cho đất nước”, Huệ chia sẻ.

Tác giả bài viết: Thanh Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok