Cụ Trần Thị Hiên (SN 1922) đang sống với con trai là Phạm Nghĩa (SN 1966) trong căn nhà lụp xụp cạnh bờ ruộng ở thôn La Hà Đông, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình).
Cụ Hiên có tất cả 5 người con, 3 con gái và 2 con trai, ông Nghĩa là con út, từ nhỏ đã đau ốm bệnh tật nên suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà.
Vừa mở cửa cho chúng tôi, bà Phạm Thị Nguyệt (SN 1956), con gái bà Hiên sống gần đó kể: “Lúc mới sinh ra Nghĩa đã rất yếu và bệnh tật liên miên, lên ba tuổi vẫn chưa nói được, cũng không biết bò hay tập đi như những đứa trẻ khác, chỉ biết ngồi lết từ nơi này đến nơi khác.
Cụ Hiên bên người con trai bệnh tật của mình |
Đến năm 13 tuổi Nghĩa mới bắt đầu vịn vào tường nhà rồi chập chững những bước đầu tiên nhưng đi không vững. Vừa tập đi, Nghĩa vừa bập bẹ nói những câu đơn giản đầu tiên nhưng chỉ người nhà mới nghe được vì phát âm không rõ”.
Cả ngày, Nghĩa chỉ quanh quẩn trong nhà, không đi đâu và cũng không giao tiếp với ai. Từ năm 20 tuổi đến bây giờ, ngoài việc đi loạng choạng và nói bập bẹ, ngày bình thường ông chỉ ngồi yên trong nhà, mằn mò, lục đục soạn sửa thứ này đến thứ khác. Những hôm nắng to, trong người khó chịu, ông Nghĩa lại nổi khùng la hét, đập phá đồ đạc.
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng vì thương đứa con út không bình thường, suốt nhiều năm, cụ Hiên lặng lẽ dọn dẹp rồi nấu nướng cho con ăn, kiên nhẫn an ủi để con bớt phá phách. Những lúc như thế cụ lại lặng lẽ lau nước mắt thở dài.
Căn nhà lụp xụp nơi 2 mẹ con sinh sống |
Do ông Nghĩa không ý thức được việc vệ sinh nên căn nhà lúc nào cũng bốc mùi khai nồng nặc, hôi thối |
Cách đây 4 năm, mắt cụ tự nhiên yếu dần rồi mù hẳn, mọi sinh hoạt của hai mẹ con đểu phải nhờ vào bà Nguyệt và bà Tạ Thị Thìn (SN1951) là người con dâu sống gần đó.
“Mẹ thì mù nên mọi sinh hoạt cá nhân đều quanh đi quẩn lại trên chiếc giường nhỏ đã đành, đây chú Nghĩa cũng không được tỉnh táo nên ngoài việc nấu cho chú ăn còn phải dọn vệ sinh. Chú không nhận thức được việc đi vệ sinh hằng ngày, lúc muốn đi vệ sinh, bất kể là ngồi ở đâu chú cũng đi luôn trong quần nên rất hôi hám”. Bà Thìn nói và cho biết, ngày nắng nóng, cứ 2, 3 ngày, mấy chị em phải tập trung lại dỗ dành mới tắm được cho ông Nghĩa.
Đợt bão vừa qua, căn nhà nhỏ không chịu nổi sức gió, bao nhiêu tôn lợp nhà đều bị gió quật bay ra đồng, vợ chồng bà Thìn phải đưa mẹ già sang nhà mình ở tạm, còn ông Nghĩa không chịu sang nên có hôm đi lang thang ngoài đồng bị hụt chân ngã xuống mương nước, nằm im chứ không biết mà kêu cứu, mãi sau người nhà đi tìm mới phát hiện ra và dắt về.
“Hiện chúng tôi vẫn để mẹ nằm ở đây nhưng cứ hở ra là bà lại đòi về nhà ở với chú Nghĩa làm chúng tôi phải dỗ dành mãi”, bà Thìn nói thêm.
Mẹ đã già cả, đi lại còn khó khăn nhưng vẫn đau đáu lo cho người con mắc bệnh tâm thần |
Rồi mai này cụ Hiên trăm tuổi, còn ai lo lắng cho mảnh đời bất hạnh này đây? |
Căn nhà có 2 chiếc giường nhưng chỉ một cái có chiếu, cái còn lại được đặt ngay gian giữa, nơi ông Nghĩa thường ngồi ngơ ngác nhìn ra cửa. Cứ vài ngày, con gái bà Hiên lại sang dọn dẹp, giặt giũ nhưng cứ do ngồi đâu cũng tiểu được nên mùi khai trong nhà không thể nào dọn nổi.
Dù đã 95 tuổi nhưng chưa lúc nào cụ Hiên thôi đau đáu về người con trai tâm thần đau ốm của mình. “Không biết rồi nay mai tôi trăm tuổi, thằng Nghĩa sẽ sống thế nào”, người mẹ già móm mém cố gắng tỉnh táo, lấy tay chùi giọt nước mắt rơi xuống gò má nhăn nheo.
Theo ông Trần Văn Trọng, chủ tich UBND xã Quảng Văn: “Mặc dù hai mẹ con bà Hiên đều được hưởng chính sách xã hội nhưng cuộc sống rất khó khăn và không có khả năng tự chăm sóc mình. Những ngày lễ tết, chính quyền xã, địa phương vẫn ưu tiên đến thăm hỏi động viên nhưng không giúp được gì nhiều, chúng tôi rất mong hoàn cảnh gia đình cụ được quan tâm nhiều hơn nữa”.
Mọi đóng góp có thể gửi về: 1. Gửi trực tiếp: cụ Trần Thị Hiên, thôn La Hà Đông, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Liên hệ ông Phạm Mẹo (con trai cụ): 01644990829 |
Tác giả: Hải Sâm
Nguồn tin: Báo VietNamNet