Du lịch

Mê đắm những danh thác xứ Thanh

Không phải ngẫu nhiên mà ai đó ví miền Tây xứ Thanh đẹp như cô gái đương thì. Mơn mơn thanh xuân nhưng cũng tràn đầy hoang dại cá tính, bởi vậy mà trở nên vô cùng hấp dẫn kẻ lữ khách ham chơi chăng?

TIN LIÊN QUAN

Nếu đã về với núi rừng xứ Thanh, hẳn bạn vẫn chưa quên cảm xúc mê mải trước những kì quan danh thắng được sắp đặt bởi bàn tay tạo hóa đầy hữu ý. Trong số đó, có thể nào không nhắc đến những dòng thác đẹp mê đắm quên lối về. Là thác Voi, thác Hiêu, thác Mây... vừa hùng vĩ nhưng cũng rất đỗi mơ màng. Đan xen ở đó còn có những huyền thoại, câu chuyện kể xúc động được người dân bản truyền đời. Những ngày nắng hạ, được hòa mình dưới dòng thác bạc giữa đại ngàn hoang sơ, cảm giác ấy, dù chỉ nhắm mắt tưởng tượng cũng đã thấy rất tuyệt!

Từng là 1 trong 10 thác nước Việt Nam được báo nước ngoài giới thiệu. Thông tin này liệu đã đủ để bạn xách ba lô lên và tìm đến danh thắng thác Mây, xã Thạch Lâm (Thạch Thành). Dù không gần trung tâm huyện song cung đường dài có vẻ mệt mỏi chắc chắn không làm bạn thất vọng. Khi những nếp nhà sàn của đồng bào Mường thấp thoáng trong cảnh sắc yên bình của bản làng và bạn được người dẫn đường cho biết chỉ đi thêm một lát nữa là sang đến địa phận tỉnh Hòa Bình cũng có nghĩa là thác Mây đã ở rất gần rồi. Còn nếu dọc theo đường Hồ Chí Minh, qua Vườn Quốc gia Cúc Phương thì nơi đây cũng chỉ cách Thủ đô Hà Nội khoảng hơn 100 km. Với người yêu khám phá, đó hẳn nhiên không phải khoảng cách để phải suy nghĩ.

Tìm đến thác Mây, liệu bạn có như tôi, cũng trầm trồ khen cho ai đó khéo gọi tên: thác Mây! Là lớp lớp dòng nước bạc gối đầu lên nhau như dải tóc dài mềm mại của người phụ nữ Việt vẫn thường được nhắc đến trong câu chuyện kể của bà, của mẹ. Lại vẫn bồng bềnh như áng mây trôi trong ngày trời chiều tĩnh tại... Có vẻ như, mọi sự liên tưởng, so sánh đều khập khiễng với cảnh đẹp trước mắt. Những tán cây cổ thụ khổng lồ soi bóng dưới dòng thác như người canh cửa đặc biệt... Trong không gian cảnh sắc ấy, trĩu nặng muộn phiền, toan tính cuộc sống nơi phố thị bỗng chợt tan biến hết. Lòng ta nhẹ bẫng như tâm hồn trẻ thơ. Thấy cuộc đời thi vị đến thế.

Thác Mây là 1 trong 10 thác nước Việt Nam được báo nước ngoài giới thiệu. (Ảnh: N.H)

Chín bậc thác Mây gối đầu lên nhau như những thửa ruộng bậc thang của người dân địa phương. Điều đặc biệt, khoảng cách giữa những bậc thác không quá cao, đá suối lại không trơn trượt nên ta có thể dễ dàng di chuyển theo từng bậc nước. Tương truyền, chín bậc thác Mây được tạo nên bởi chín nàng tiên nhà trời. Vì say lòng trước cảnh đẹp nơi đây mà chín nàng tiên sau khi tắm đã để lại ở đây những dấu chân tiên, tạo thành chín bậc thác. Có người ví đó là “chín bậc tình yêu”, đại diện cho sự vững bền, vĩnh cửu. Có lẽ vì thế mà trai gái yêu nhau vẫn thường về đây gửi gắm ước nguyện được gắn kết trọn đời.

Cũng theo người dân bản, thác Mây khác biệt bởi luôn có nước quanh năm. Tuy nhiên, để nói đẹp nhất thì vào khoảng tháng 8. Sau những ngày bão giông, dòng thác bạc trở nên hiền hòa, đằm dịu. Bởi vậy, đây cũng là thời diểm lượng khách trở về với Thạch Lâm đông nhất trong năm.

Không mơ màng, dịu dàng như thác Mây, thác Voi nằm trên địa bàn xã Thành Vân, Thạch Thành lại hấp dẫn bởi sự hùng vĩ, dữ dội. Trong không gian diện tích khoảng gần 1.500m2 là đan xen thác nước, suối và rừng tái sinh...tạo nên bức tranh sơn thủy hài hòa. Vào mùa mưa, những dòng nước len lỏi theo đá núi, cây rừng tìm về thác Voi. Nước mát chảy tràn trên đá trầm tích rồi đổ ào tạo nên vẻ đẹp của dòng thác bạc. Tranh thủ những ngày thác Voi đẹp nhất, không chỉ người dân, du khách mà còn cả những cặp trai gái yêu nhau cũng trở về để lưu lại khoảnh khắc. Và lợi thế về khoảng cách cũng khiến cho khu du lịch sinh thái thác Voi thu hút lượng lớn du khách tìm đến.

Cái tên thác “Voi” cũng được người dân địa phương tin rằng có khởi nguồn gắn liền với cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh tan quân Thanh xâm lược. Trên đường đi, khi vượt qua dãy núi Tam Điệp, trong lúc đàn voi chiến mệt mỏi vì đường dài thì tình cờ phát hiện ra thác nước lớn giữa rừng. Sau khi được tắm táp vẫy vùng và uống nước ở dòng nước ấy, đàn voi chiến như được tiếp thêm sức mạnh rống vang khắp núi rừng. Cũng từ đấy, nơi này được gọi tên thác Voi.

Thác Mơ (thác Muốn) xã Điền Quang, Bá Thước với độ cao khoảng 500m so với mực nước biển lại đẹp tựa “đóa hoa Bông Trăng - loài hoa biểu tượng cho tình yêu của người Mường, lặng lẽ khoe sắc giữa đại ngàn xanh thẳm”. Mỗi tầng thác Mơ lại mang “tâm tư” khác nhau. Nơi rào rào thác đổ, chỗ khẽ khàng róc rách như câu chuyện kể miên man bắt đầu từ quá khứ...đượm lẫn trong không gian ấy là hương rừng thoang thoảng mà không có bất kì thứ nước hoa nhân tạo nào có thể sánh bằng. Hình ảnh, hương sắc ấy khiến cho ai đã một lần đến với thác Mơ cũng mải mê đến quên cả lối về.

Bởi độ cao địa hình và khoảng cách địa lí nên danh thắng thác Mơ không dành cho ai đó quen sự lười biếng và dễ dãi. Từ đỉnh núi Muốn, có một thung lũng rộng lớn, bao quanh là núi đá. Nước từ trong khe đá chảy về lòng thung rồi đổ xuống sườn núi tạo thành tầng tầng dòng thác liên hoàn như nối tiếp dải ruộng bậc thang bất tận. Cũng nhờ sự “hội tụ” của 43 dòng thác lớn nhỏ mà thác Mơ mang vẻ đẹp khác biệt. Xen lẫn là những hang Mộng, hang Bụt và hang Bến Bai với nhũ đá thiên tạo mang hình thù tuyệt đẹp tựa cột chống trời, đài sen, quả phật thủ, ngựa, cá sấu, chim công, đôi trai gái yêu nhau...

Từ thác Mơ, dòng suối tìm ra sông Đại Lạn, hòa mình vào dòng Mã giang hùng vĩ. Nhờ cấu kết của đá cát mòn nhẵn nên thác Mơ dù cao dốc nhưng không trơn trượt. Không ai biết thác Mơ có tự khi nào, cũng như câu chuyện tình yêu buồn của đôi trai gái xứ Mường xảy ra khi nào. Vậy nhưng, đời nối đời, người Mường nơi đây vẫn luôn nhắc nhớ: khi vùng đất này thuộc Mường khô (một Mường cổ của huyện miền núi Bá Thước). Có đôi trai gái yêu nhau tha thiết, thề non hẹn biển trọn đời bên nhau. Hàng ngày chàng trai vào rừng săn con thú, cô gái ở nhà bên khung cửi dệt nên tấm áo thổ cẩm cho người mình thương.

Vậy nhưng, tình yêu của họ lại vấp phải sự ngăn cản của hai bên gia đình. Một ngày nọ, chàng trai và cô gái cùng nắm tay nhau trèo lên đỉnh núi, khi mặt trời khuất bóng, họ nhìn về phía bản làng lần cuối rồi chia tay mỗi người mỗi ngả. Chẳng ai rõ họ đã đi đâu. Vậy nhưng từ đấy, người dân trong Mường đã đặt tên cho nơi ấy là “đồi Muốn” để tưởng nhớ tình yêu và khát vọng của đôi nam nữ. Về sau, khi du khách đến đây du ngoạn, trước cảnh sắc thiên nhiên diễm lệ đã đặt tên cho nơi đây tên gọi thác Mơ.

Được ví như “nàng tiên ngủ quên” giữa núi rừng xứ Thanh, thác Ma Hao nằm trên địa bàn bản Năng Cát, huyện miền núi Lang Chánh đẹp tựa cảnh tiên giữa ngàn. Việc con người chưa xâm lấn nhiều đến thiên nhiên có lẽ cũng là điểm cộng cho điểm đến này đối với những du khách ưa khám phá, chinh phục. So với các thác nước khác, thác Ma Hao mang vẻ đẹp kì vĩ nhưng cũng thật khó để chinh phục. Bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, các dòng suối nhỏ theo rừng già hợp thành và đổ xuống tạo thành thác Ma Hao tuôn chảy tưởng như bất tận. Giữa núi rừng tĩnh lặng, chỉ có tiếng thác đổ, ta bất chợt thấy mình chống chếnh, nhỏ bé giữa thiên nhiên bao la. Vậy nhưng, cảm giác ấy cũng qua nhanh thôi, nhường chỗ cho những câu chuyện kể.

Tương truyền, vào thế kỷ 15, khi Anh hùng dân tộc Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược, thời gian đầu khởi nghĩa, lực lượng mỏng lại bị kẻ thù truy lùng ráo riết nên gặp không ít hiểm nguy. Trong một lần mở đường máu, chủ tướng Lê Lợi cùng nghĩa binh mang theo chú chó chạy từ đỉnh núi Pù Rinh (núi Chí Linh) xuống, khi người và vật đều kiệt sức thì trước mắt hiện ra thác cao chảy xiết, phía sau kẻ thù truy sát đến cùng. Trước tình cảnh ấy, chú chó tuy đã kiệt sức song vẫn dồn toàn bộ lực quay lại cắn xé đàn chó của giặc, ngăn không cho kẻ thù truy đuổi để rồi sau đấy, nó nhảy xuống dòng nước xoáy tự vẫn.

Nhờ đó, Lê Lợi và nghĩa binh mới có thể thoát nạn. Sau khi giặc rút, cảm thương chú chó quý, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã cho người đi tìm xác chú chó quý và chôn cất tử tế. Từ đó, thác nước dưới chân núi Pù Rinh được đặt tên tiếng Thái là Ma Háo (Hao), tức “chó ngáp”. Câu chuyện gợi nhắc về quá khứ hào hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm của tiền nhân. Giữa thiên nhiên bao la, ta bỗng thấy mình may mắn. Không chỉ là sống trong những ngày tháng yên bình, đó còn là trách nhiệm giữ gìn từng ngọn núi, dòng sông, nhánh cây, ngọn cỏ mà bao thế hệ tiền nhân xưa đã phải gian khổ đánh đổi.

Kể sao hết những danh thác nơi miền Tây xứ Thanh mà chỉ đi một lần sẽ nhớ mãi. Ở đó, không chỉ có cảnh đẹp, còn cả những giấc mơ nơi bản làng đang dần được nhen nhóm, thắp lửa. Bởi, từ “món quà” mà tạo hóa đã ban tặng là tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Không ít trong số đó đã được công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Cùng với nét đẹp đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, những dòng thác đẹp mê mẩn lòng người đã và đang tạo nên những sản phẩm du lịch cộng đồng giá trị, góp phần đưa du lịch xứ Thanh ngày một phát triển.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn tin: vanhoadoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok