Nhân ái

Mẹ con thai phụ thoát chết dưới gầm xe tải nghẹn ngào mong bữa ăn no

Bị xe tải cuốn vào gầm nhưng mẹ con thai phụ may mắn thoát chết. Người mẹ giờ bị liệt tứ chi và chưa đầy tháng nữa cháu bé ra đời mà đến bữa ăn, chai đạm truyền cho mẹ có sức cũng không có. Ngồi bên cạnh, người chồng xiết bàn tay vợ, nước mắt anh trào ra khiến chúng tôi ai cũng nghẹn ngào...!

Tôi bước vào căn phòng của Khoa cấp cứu, Bệnh viện phục hồi chức năng Trung ương (đóng trên địa bàn TP Sầm Sơn, Thanh Hóa), mà không cầm được nước mắt khi nhìn thấy chị - người phụ nữ với thân hình gầy rộc nằm thoi thóp trên chiếc giường bệnh với cái thai lớn “vượt mặt”.

Chị không cử động được chân tay, chỉ duy có trí não là tỉnh táo. Bởi thế mà mỗi lần có ai đó hỏi về đứa con, chị sụt sùi khóc, nước mắt lăn nhòe nhoẹt trên khuôn mặt chằng chịt những ống thở hỗ trợ chị cầm cự sự sống.

Mẹ con thai phụ thoát chết dưới gầm xe tải nghẹn ngào mong bữa ăn no - 1

Chị Tiềm sau khi bị tai nạn đã bị liệt tứ chi, kỳ diệu thay, đứa con trong bụng thì mỗi ngày một lớn.

Người phụ nữ đáng thương ấy là Lương Thị Tiềm (SN 1986), hiện đang sinh sống ở một bản nghèo của người Thái nằm ở tận xã (Thanh Kỳ, huyện miền núi Như Thanh, Thanh Hóa).

Cuộc sống nơi đây chủ yếu dựa vào đồng ruộng, nương rẫy và trong một lần mưu sinh vào tháng 5 vừa qua, đang mang thai kì tháng thứ 3 khi đang trên đường đi gặt lúa, chị bị chiếc xe tải cuốn vào gầm. May mắn chị cùng đứa con trong bụng không bị tử thần mang đi nhưng tứ chi thì bị liệt hoàn toàn.

Nhà nghèo, tai họa bất ngờ ập xuống khiến gia đình phải chạy vạy vay mượn khắp nơi cùng với số tiền bồi thường gần 80 triệu của người gây tai nạn, chị đã được đưa ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mổ cột sống cổ. Ca mổ vẫn không cứu được tay chân bị liệt của người phụ nữ này.

Mẹ con thai phụ thoát chết dưới gầm xe tải nghẹn ngào mong bữa ăn no - 2

Người phụ nữ này chỉ còn da bọc xương, cơ thể ngày càng suy kiệt.

Thời điểm đó, các bác sỹ đã định đưa đứa con ra khỏi người mẹ để đảm bảo mạng sống cho chị nhưng do cái thai đã ở tuần thứ 11 nên sau khi hội chẩn, thấy phương án nào cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đứa trẻ trong bụng chị vì thế được giữ lại.

Sau khi mổ ở Bệnh viện Việt Đức được 6 tuần thì chị được đưa về Bệnh viện phục hồi chức năng Trung ương đóng ở TP Sầm Sơn, Thanh Hóa.

5 tháng trôi qua, chị cùng con vượt qua những ngày tháng đối diện với tử thần. Thật kỳ diệu là đứa trẻ trong bụng người mẹ này vẫn khỏe mạnh và phát triển từng ngày. Chỉ có người mẹ càng ngày càng suy kiệt.

Mẹ con thai phụ thoát chết dưới gầm xe tải nghẹn ngào mong bữa ăn no - 3

Chị khóc khi ai đó nhắc về đứa con...

Xót xa thay, dù được các bác sỹ tư vấn mỗi tuần nên chuyền 2 lần đạm để người mẹ có sức khỏe và đứa trẻ trong bụng được phát triển tốt hơn nhưng ngay cả những bữa ăn qua ngày của vợ chồng cũng phải nhờ lòng hảo tâm của các y bác sỹ, người nhà bệnh nhân khác thì làm sao có tiền để mua những bình đạm có giá hàng trăm nghìn.

Bởi thế, dù cơ thể chị Tiềm suy kiệt đến chỉ còn da bọc xương, chị vẫn phải chấp nhận 1 tháng chỉ được chuyền 2 lần đạm do bảo hiểm chi trả. Trong khi đó, số đạm cho 2 lần chuyền này, gia đình bệnh nhân vẫn phải chi trả đến 70%.

Mẹ con thai phụ thoát chết dưới gầm xe tải nghẹn ngào mong bữa ăn no - 4

Người chồng nắn, bóp chân cho vợ có cảm giác, thỉnh thoàng anh lặng im xiết bàn tay vợ rồi những giọt nước mắt trào ra làm chúng tôi nghẹn ngào.

Ngồi bên giường bệnh của vợ, anh Lô Văn Thanh với khuôn mặt phờ phạc, ánh mắt bất lực. Người đàn ông dân tộc này chẳng biết làm gì ngoài việc nắn bóp tay chân cho người vợ đáng thương của cuộc đời mình.

Có những lúc, anh nhắm nghiền đôi mắt, xiết chặt bàn tay vợ mà nước mắt cứ thế chảy ra. Tôi không hiểu thứ tiếng bản địa mà anh nói với vợ mình nhưng thấy vợ anh khóc. Nhìn cảnh tượng ấy tôi cũng không cầm được lòng mình.

Chị Tiềm không đau đớn xót xa sao được khi bản thân bất ngờ tàn phế, anh Thanh cũng vậy, không biết phải làm sao để có tiền cứu vợ con, cũng không biết phải làm sao với cái viễn cảnh trước mắt đầy tối tăm và bất lực của chính mình.

Mẹ con thai phụ thoát chết dưới gầm xe tải nghẹn ngào mong bữa ăn no - 5

Bác sỹ Tâm không khỏi lo lắng khi những tuần cuối cùng của thai kỳ, bệnh nhân Tiềm càng ngày càng suy kiệt. Kinh tế gia đình lại quá khó khăn để có thể chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ sắp ra đời.

Anh bảo, từ khi vợ bị tai nạn, hai vợ chồng cứ hết bệnh viện ở Hà Nội rồi về Thanh Hóa, anh cũng chưa về nhà được lần nào. Anh cứ bữa đói bữa no, ai cho gì thì ăn chứ cũng không màng đến bản thân mình. Ở nhà anh còn đứa con gái 2 tuổi phải gửi ông bà ngoại.

"Bình thường tôi ở nhà đi phụ hồ, rồi làm rẫy thuê cho người ta để kiếm tiền mưu sinh, là lao động chính trong gia đình nhưng từ ngày vợ gặp họa, tôi chẳng làm được gì. Bao nhiêu tiền vay nợ cũng đã cạn kiệt rồi. Ông bà hai bên nội ngoại thì già yếu. Cầu xin mọi người hãy cứu vợ con tôi với..." - anh Thanh nghẹn ngào, đưa đôi tay lên ôm mặt bất lực.

Bác sỹ Lang Thị Tâm, Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện phục hồi chức năng Trung ương chia sẻ: “Thai phụ lúc đưa về đây đã mang thai tháng thứ 4. Bệnh nhân trong tình trạng suy kiệt, liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp, phải mở thở qua canuyn khí quản, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống phải qua ống xông”.

Mẹ con thai phụ thoát chết dưới gầm xe tải nghẹn ngào mong bữa ăn no - 6

Nhìn cảnh người chồng chăm vợ mà cái nghèo, cái đói bủa vây ngay khi cháu bé sắp đến ngày chào đời, chúng tôi ai cũng xót xa.

Cũng theo bác sỹ Tâm thì hiện thai nhi đã được 32 tuần, dự kiến khoảng 2 tuần nữa thì Bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa để chủ động bắt con bất cứ khi nào.

Điều mà bác sỹ Tâm không khỏi xót xa là gia cảnh của bệnh nhân Tiềm quá khó khăn. Khó khăn đến mức gần như mọi chi phí điều trị đã được bảo hiểm chi trả, tuy nhiên nếu bệnh nhân có tiền thì cần chuyền 2 lần đạm cho 1 tuần để có sức khỏe cho cả mẹ và con thế nhưng hiện nay bệnh nhân vẫn chỉ có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm chi trả là chuyền 2 lần đạm cho 1 tháng. Trong khi ở thời điểm này cơ thể người mẹ đã vô cùng suy kiệt rồi.

“Bệnh viện đã rất tạo điều kiện hỗ trợ bệnh nhân song kinh phí bệnh viện có hạn. Vừa qua, chúng tôi cũng đã đưa hoàn cảnh lên mạng xã hội kêu gọi nhưng không được bao nhiêu. Điều chúng tôi lo lắng hơn cả là quá trình đứa trẻ sinh ra sẽ được nuôi dưỡng như thế nào khi mà gia cảnh quá khó khăn còn mẹ thì bệnh tật như thế này” – bác sỹ Tâm lo lắng.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Mã số 3498: Chị Lương Thị Tiềm.

Hiện đang điều trị tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương, đường Nguyễn Du, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Điện thoại: 0363.596.149 (anh Lô Văn Thanh, chồng chị Tiềm)

Tác giả: Nguyễn Thùy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok