Giải trí

MC nổi tiếng thành tai tiếng và chuyện quan 'đá bóng'

Nhân gian tổng kết đố có sai: Sinh nghề tử nghiệp. Nơi này con người chết vì tiền, nơi kia con người vạ vì… tiếng

Có một chương trình mờ nhạt trong quá khứ, bỗng bị lôi ra trong tuần này, và ngay lập tức trở thành vụ việc ấn tượng trong tuần. Bởi nó đang là một tâm điểm để cư dân mạng bàn loạn, ồn ào, thậm chí “ném đá” không thương tiếc.

Nổi tiếng – vạ miệng?

Đó là Chương trình 60 phút mở có nhan đề “Người ta làm từ thiện vì ai?”, do MC Tạ Bích Loan, với sự tham gia của Ts Đặng Hoàng Giang (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng- CECODES), ca sĩ Thái Thùy Linh (Phó GĐ Trung tâm tình nguyện Quốc gia) cùng một số bạn trẻ đại diện cho các nhóm từ thiện- Tình nguyện Xây trường vùng cao, Từ thiện thật…

Vì sao, đang từ quên lãng mà trở thành ấn tượng? Đang từ quá khứ mà trở thành hiện tại?

Nói cho công bằng, vụ việc này là hệ lụy của Chương trình 60 phút mở ngày 27/5 với chủ đề “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”. Không biết chương trình đã tập trung…. chia sẻ với MC Phan Anh ra sao mà bị mạng XH lên án dữ dội cho rằng đó là sự “đấu tố”- cái từ vốn rất nhạy cảm, gợi lên nỗi đau ở con người một thời quá khứ ấu trĩ và ngộ nhận xa xưa.

Và chương trình “Người ta làm từ thiện vì ai” sản xuất từ tháng 10/2015, cũng do Tạ Bích Loan làm MC, bỗng quay trở lại, nổi lên như chủ đề trọng tâm của tháng….. 6/2016. Đủ biết trong thế giới phẳng, giờ đây, những người của công chúng, bỗng như phải làm dâu trăm họ. Một thế giới rất ảo mà rất thật. Hôm qua cười mai đã lại khóc rồi…

Được biết, ‘60 phút mở’ được sản xuất theo format chương trình ‘60 Minutes’ nổi tiếng của đài CBS- Mỹ. Chương trình này đã giành 12 đề cử giải Emmy năm 2007 và được coi là một trong những chương trình truyền hình điều tra hay nhất của Mỹ. Năm 2002, TV Guide đã xếp ‘60 Phút’ ở vị trí thứ 06 trong danh sách ‘Những chương trình truyền hình đáng xem nhất mọi thời đại’ (VietNamNet, ngày 08/6).

Thế nhưng tại sao “60 phút mở”- chương trình truyền hình đáng xem nhất mọi thời đại- khi du nhập vào Việt Nam, lại đang trở thành chương trình bị nhiều con tim la ó? Và MC Tạ Bích Loan, một MC thông minh, già dặn, đầy chuyên nghiệp và nổi tiếng bỗng trở thành một MC “tai tiếng” với một bộ phận không nhỏ cư dân mạng?

Nhà báo Tạ Bích Loan (bên phải)

Hàng mấy chục năm trước đây, khi Tạ Bích Loan xuất hiện trong chương trình Người đương thời, người viết bài đã từng nghĩ, cô ấy là một nhà báo thật hạnh phúc, khi toàn tiếp xúc, trò chuyện với những người tốt, tử tế, có được những xúc cảm ấm áp trong nghề.

Nhưng những ngày này, hẳn MC Tạ Bích Loan không … hạnh phúc lắm.

Về nghiệp vụ, theo format ’60 phút mở’, MC là người châm ngòi cho những cuộc tranh luận, mang tính tranh cãi, phản biện. Đây là một thể loại chương trình truyền hình rất đáng ủng hộ, vì nó tránh cho tâm lý khán thỉnh giả mệt mỏi với những kiểu hỏi đáp đều đều, buồn buồn xưa rồi Diễm.

Mặt khác, chủ đề về từ thiện rất đáng quan tâm. Trong những bất an, bất ổn của đời sống XH lâu nay, khi mà những thang giá trị có phần nào rối loạn, đen- trắng lộn sòng, thì từ thiện- một hành động, hành vi từ xa xưa rất được nhân gian ngợi khen, nay bỗng không thiếu những hoài nghi, thì một chương trình mang tính phản biện chủ đề này cũng là cần thiết.

Ai mới là thất bại?

Thế nhưng, bất ngờ nhất và cũng dở nhất, trước sự thất bại của nhóm từ thiện Tình nguyện Xây trường vùng cao, thì MC Tạ Bích Loan lại đặt câu hỏi: Các bạn làm chương chính đó, đi lên đó và mang theo lượng thức ăn như thế vì các bạn hay vì các em nhỏ? Và cứ thế, cố tình láy đi láy lại tới 03 lần câu “để làm gì ạ?”, nhằm “moi” ra động cơ thực chất của việc làm từ thiện này, theo chủ đề “Người ta làm từ thiện vì ai?”. Rất sượng!

Bởi hơn 50 tình nguyện viên của nhóm này chuyên chở tới 3.600 chiếc bánh chưng, 3.600 cây giò, 25 tấn quần áo để tặng cho các trẻ em nghèo tại Mường Lạn (Sốp Cộp- Sơn La), nhưng đã không được cơ sở tiếp nhận. Một thành viên tâm sự họ hoảng sợ và buồn đến phát khóc, khi phải chở những món quà đầy hoan hỉ đó cho các em nhỏ nơi khác và cả mang về xuôi đổ đi.

Hãy khoan phân tích về sự thất bại khi làm từ thiện của nhóm này, khi họ không nắm vững những đặc điểm thực tiễn mang tính đặc thù của những vùng núi cao, biên giới, nơi họ đến làm từ thiện. Chỉ xin nói về động cơ

Động cơ con người là thứ khó đo đếm nhất xưa nay.

Người viết thừa nhận hiện tượng như ca sĩ Thái Thùy Linh nêu trong chương trình, đó là sự đánh bóng tên tuổi, để chụp ảnh và tung lên FB, hy vọng trở nên nổi tiếng là không thiếu. Nhưng chủ nhà (MC) cứ lật đi lật lại câu hỏi để làm gìạ, trước sự thất bại của cả một tập thể làm từ thiện với một cách chủ ý, đầy nghi ngờ theo chủ đề kịch bản, vô tình thành xúc phạm họ, gây khó chịu, ức chế cho người xem. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh phải đặt câu hỏi: Tại sao người làm chương trình cứ phải nhìn “ngược sáng” cả những việc làm đang rất tốt đẹp của người làm từ thiện?

Vậy khi nhận được câu trả lời của nhóm này: "Để thể hiện được lòng yêu thương đối với mọi người". Rồi “để trong cuộc sống mình cảm thấy thanh thản", thì liệu chủ đề từ đầu "Làm từ thiện vì ai", có bị coi là thất bại không?

Xét cho cùng, dù nhóm từ thiện đó, có “vì cái tôi” trong đó như họ nói- cũng vẫn đáng quý chứ? Có rất nhiều người làm từ thiện thầm lặng, cũng chỉ để lòng mình được sống thanh thản. Vì còn quá nhiều nỗi đau của đồng loại trong khi mình sung sướng hơn họ? Liệu cái “vì mình”, “cái tôi” đó có đáng trách không? Nhất là khi chương trình công bố hẳn con số điều tra 85% vì người được từ thiện, và 15% vì… mình. Để chứng tỏ điều gì, ngoài sự nghi ngờ rằng lòng tốt đó không vô tư chăng? Ô hay, nếu họ “trục lợi” cho tâm hồn họ thanh thản thì càng tốt chứ sao? Đâu phải cái “vì mình” nào cũng xấu?

Nhưng bất ngờ không kém và kỳ cục, lại chính là sự so sánh khập khiễng, sự cảnh báo khá… thiếu duyên của vị khách mời Ts Đặng Hoàng Giang, mà ca sĩ Thái Thùy Linh phải thốt lên rằng, đó là “bất nhẫn”, cho dù ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu.

Sao không coi là khập khiễng được bởi ông TS so sánh việc đem từ thiện số lượng bánh chưng hàng nghìn chiếc với chiếc bánh chưng khủng giỗ Tổ, quy kết tư duy của nhóm từ thiện là muốn hoành tráng, khiến đại diện của nhóm, dù gắng kìm chế đã phải bật lại ngay: Anh không thể nhầm lẫn giữa hai việc đó!

Khi ông lại cảnh báo rằng việc từ thiện mang quần áo miền xuôi lên cho trẻ em miền núi, lâu dài có thể làm mất …bản sắc dân tộc của họ. Không ít dư luận trên mạng XH cho rằng, đó là những cảnh báo của người quen nghiên cứu trong phòng máy lạnh.

Còn người viết thì cho rằng, cả hai sự so sánh và cảnh báo đó đều “lạnh” quá. Từng lăn lộn suốt cả đời làm báo khi viết về giáo dục, người viết quá hiểu và chứng kiến trẻ em các vùng miền núi cao, xa xôi hẻo lánh rét đến “xoăn chim” ra sao. Đi học chỉ có đôi chân trần, môi tím, da tái vì rét ra sao trong những lớp học thông thống chỉ có vài liếp phên sơ sài khốn khổ ra sao. Cho dù nay đã đổi mới, nhưng hẳn những bé em đói ăn đói mặc vẫn còn nhiều. Nếu không thì sao chương trình “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn lại an ủi tấm lòng XH đến vậy?

Còn nếu ông lo lắng, sẽ mất bản sắc dân tộc, thì người Kinh chúng ta mới chính là đã để mất bản sắc dân tộc đầu tiên và từ rất lâu. Nếu muốn giữ bản sắc dân tộc, sao người Kinh không tiếp tục mặc áo mớ ba mớ bẩy, nón thúng quai thao, áo dài khăn xếp đi làm? Mà lại một thời mừng rỡ đón nhận quần áo “hàng thùng” tài trợ từ các nước XHCN đổ về, nào váy, nào sooc, nào quần lửng. Và đến giờ không ít người lại vẫn hoan hỉ mua comple, cavat, áo váy, ví đầm hàng “xách tay”?

Chưa kể ông chê trách, những nơi nhận từ thiện trẻ em sẽ không đi học, người lớn không đi làm, chỉ ở nhà để chờ từ thiện, ỉ lại, kiểu chờ xâu cá mà không phải cần câu. Thì đó phải là nỗi lo của nhà nước, chứ không thể là của những nhóm, những cá nhân hảo tâm, sức từ thiện dẫu sao cũng có hạn mà nhu cầu của người nghèo thì…. vô hạn.

Nếu ở góc độ một chương trình mở để gây tranh cãi bất tận ngay từ trong đài từ, cho đến ngoài XH, thì chương trình đã thành công.

Nhưng nếu ở góc độ một chương trình phản biện, mổ xẻ khiên cưỡng cái tâm người từ thiện, thì nó thất bại hoàn toàn về mặt nhân tâm.

Vì những câu hỏi xơ cứng về mặt tâm lý, chưa đủ tầm với một chủ đề cần sự điều tra công phu.

Có lẽ đó chính là lý do căn cốt khiến dư luận XH bất bình.

Trách nhiệm là… đồng tiền?

Ngược lại, có một vụ việc thương tâm, mới xảy ra, nhưng những mất mát đau đớn, những ấn tượng hãi hùng của nó hẳn sẽ ám ảnh những người trong cuộc rất lâu, thậm chí là mãi mãi mỗi khi vô tình “chạm” đến.

Đó là vụ việc con tàu Thảo Vân 02 khi đưa 56 khách dạo chơi trên sông Hàn (Đà Nẵng) tối ngày 04/6, đã bị chìm. Mặc dù người dân và các lực lượng chức năng ngay lập tức đã ứng cứu, nhưng cuối cùng, vẫn có 03 con người, hai em bé và một người đàn ông tử vong vì đuối nước.

Nước mắt của hai gia đình du khách hẳn đã cạn vì nỗi đau bất ngờ ập xuống.

Dư luận XH, báo chí, các cơ quan truyền thông liên tiếp đưa tin.

Tiếc thay, vụ việc tàu Thảo Vân 02 không phải vụ việc đầu tiên. Người ta đã kịp liệt kê, mấy năm gần đây những vụ chìm tàu, thuyền cướp đi sinh mạng gần 50 du khách. Vụ chìm tàu trên Vịnh Hạ Long (tháng 2/2011) khiến 12 người tử vong. Vụ chìm tàu 02 tầng nhà hàng nổi Dìn Ký (Bình Dương) tháng 5/2011 làm 16 người tử vong. Vụ chìm tàu Cần Giờ, tháng 8/2013, làm 09 người tử vong. Và nay, vụ tàu Thảo Vân 02…

Tai nạn sông nước, nhưng đáng buồn thay, những nguyên nhân cay đắng đều bắt đầu từ con người, cứ… bắc cầu từ năm này sang năm khác, cho dù sau mỗi vụ việc đau buồn, người ta đều tổng kết, rút kinh nghiệm, cảnh báo. Khiến XH ví von, mất bò mới lo làm chuồng.

Và cũng vậy, mặc dù ngay ngày 06/6, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng họp chỉ đạo cách chức Giám đốc, Phó GĐ Cảng vụ Đường thủy nội địa, kiểm điểm hàng loạt cán bộ để xảy ra vụ tàu chìm tối 04/6, và kíp trực đêm đó của Cảng vụ đường thủy nội địa cũng bị thôi việc. Thuyền trưởng Lê Công Chí bị cơ quan chức năng bắt tạm giam để điều tra vụ việc. Nhưng những lỗ hổng chết người xung quanh hai chữ quản lý- nhân vụ việc thương tâm lại tiếp tục… nổi lên, tóe loe những điều khó tưởng tượng. Vì sao mà cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực này lại coi mạng người nhẹ như lông hồng vậy?

Tàu Thảo Vân 2 từng bị chìm.

Đó là theo báo Tuổi trẻ, ngày 07/6, con tàu Thảo Vân 02 đã từng bị chìm khi chở 10 hành khách vào tháng 7-2014 trên sông Hàn. Rất may số hành khách này đã được ứng cứu kịp thời. Hai năm qua, đến tận thời điểm này, tàu Thảo Vân 02 dù chưa được cấp phép hành nghề du lịch, nhưng ngày ngày người ngồi đầu là chú lái tàu/ Còn phía sau khách nối đuôi nhau, xình xịch xình xịch qua lại trước mắt các cơ quan chức năng mà không ai phát hiện ra. Thế mới tài!

Nhưng cái “dớp” chìm tàu thì ngựa quen đường cũ. Và ở lần thứ 02 này, 03 mạng người vô tội đã phải trả.

Điều kinh sợ nữa, tàu Thảo Vân 02 chỉ là tàu cá được “cải hoán” thành tàu du lịch. Chiếc tàu du lịch như con “lật đật”- từ của Đại tá Nguyễn Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, cứ nâng thêm tầng rồi đưa bàn ghế, trang trí cho khách ngồi lên, dưới thì nhẹ, trên thì nặng. Và quả là con “lật đạt” Thảo Vân 02, chả cần tàu thuyền nào xô phải, tự dưng cũng… úp mặt vào sông quê.

Điều kinh sợ không kém, thực chất tàu Thảo Vân 02 chỉ được phép chở 28 người, nhưng lái tàu đã chở gấp đôi- 58 người? Động cơ nào đã khiến họ nhắm mắt nếu không phải là “động cơ tiền”? Thứ động cơ đem lại cả hạnh phúc và ngược lại, bất hạnh cho con người, nếu không tỉnh táo. Chả thế, mà tiền luôn song hành với bạc- tiền bạc!

Cũng không phải riêng tàu cá Thảo Vân ‘cải hoán’ thành tàu chở khách du lịch. Chủ đề “cải hoán” đầy nguy cơ này đã từng được đưa ra trong cuộc họp HĐND t/p Đà Nẵng cách đây gần một năm với phát ngôn ấn tượng của Đại tá Nguyễn Quốc Bình khi ông nói toạc móng heo, du lịch Đà Nẵng làm ăn như cái lờ (một loại ngư cụ), chỉ chờ hứng cá vào để xẻ thịt. Bởi trên sông Hàn có 25 tàu chở khách nhưng chủ yếu là tàu cá cải hoán. Dù cấp phép kinh doanh chở khách nhưng Sở GTVT không dám cấp phép hoạt động. ‘Nếu 25 chiếc tàu đó bị chìm thì ai chịu trách nhiệm”? (VietNamNet, ngày 06/6)

Tiền… chịu trách nhiệm chứ ai vào đây?

Và quả thật, tiền chịu trách nhiệm với muôn hình vạn trạng.

Hãy nghe Trung tá Trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy Đà Nẵng: Không đủ điều kiện vẫn bán vé, cho lên mà không kiểm soát được, nên nó (tàu Thảo Vân 2) mới đưa chui người xuống, nhổ neo.

Còn theo Tiền phong, ngày 06/6, ông Phan Văn Chung, một người dân sống ở phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) gần khu vực xảy ra tai nạn cho biết, lâu nay ông vẫn thấy tàu Thảo Vân 02 hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm, không ai nghĩ tàu này chưa được phép vận chuyển khách. Điều khó hiểu, vị trí xảy ra tai nạn và vị trí du khách lên tàu rất gần cảng vụ Đà Nẵng và đồn biên phòng. Nếu nói đơn vị quản lý không biết thì rất khó hiểu. Trong khi đó, các hành khách trên tàu thoát nạn kể rằng: Du khách chỉ cần bỏ 100.000 đồng sẽ được lên tàu. Khi tàu quá đông, người có mặt trên tàu phản ứng, chủ tàu vẫn cho khách lên mà không bị người của cơ quan chức năng nhắc nhở…

Còn khi xảy ra sự cố, theo Trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy Đà Nẵng thì lại, không biết ai để huy động. Huy động cái gì cũng không biết. Cuối cùng Chủ tịch TP xuống, lệnh cho Ủy ban các phường ở địa bàn đó huy động lực lượng dân chài lưới, dân lặn chíp chíp. Huy động mấy ông lặn nghêu, lặn chíp chíp dưới sông, rồi sau đó mới đến đặc công nước của Quân khu 05. Đáng lẽ nhà nước phải đi trước, nhưng cuối cùng cơ quannhà nước lại… đi sau (VietNamNet, ngày 08/6).

Vậy nhưng đến khi quy trách nhiệm thì các ngành chức năng bắt đầu “đá bóng” vào lưới nhau. Tỷ như sở GTVT Đà Nẵng không nhận trách nhiệm, mà cho rằng, sự cố chìm tàu là do phối hợp của các cơ quan đợn vị về quản lý khách du lịch trên các phương tiện thủy chưa đồng bộ. Các đơn vị ở đây là Thanh tra Sở Du Lịch, lực lượng hướng dẫn viên du lịch, Đội quản lý cảng, Cảnh sát đường sông, Thanh tra Sở GTVT, Trạm biên phòng cửa khẩu sông Hàn… (VietNamNet, ngayf09/6)

Chưa biết, những cơ quan chức năng nào sẽ đóng vai trò trung tâm vụ việc này. Có điều, t/p Đà Nẵng- được gọi là t/p đáng sống nhất hiện nay ở Việt Nam- xin đừng để dân gian mai mỉa sợi dây kinh nghiệm quá dài rút mãi không hết.

Xưa nay, dân gian tổng kết cấm có sai: Sinh nghề tử nghiệp

Nơi này con người chết vì tiền, nơi kia con người vạ vì… tiếng.

Tác giả bài viết: Kỳ Duyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok