Kinh tế

Masan lãi 1.000 tỷ đồng từ bán cổ phiếu Techcombank

Đây vẫn chưa phải là mức lợi nhuận tối đa khi Techcombank có kế hoạch IPO sắp tới. Tuy nhiên lãnh đạo Masan buộc phải bán cổ phiếu nhà băng này để đảm bảo mức sở hữu theo quy định.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2018 của Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) sáng 24/4, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cho biết nếu loại đi các yếu tố bất thường, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng ở mức 55-58%. Mục tiêu lợi nhuận năm 2018 của doanh nghiệp này là 3.400-4.000 tỷ đồng so với 2.170 tỷ đồng của năm 2017.

Buộc phải bán cổ phiếu Techcombank

Lãnh đạo Masan cho biết nếu loại trừ các khoản thu nhập bất thường và lợi nhuận 933 tỷ đồng từ mua bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank trong năm 2017, lợi nhuận của MSN dự tăng trưởng hơn 50%.

Ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng việc bán cổ phiếu Techcombank là để đảm bảo tỷ lệ sở hữu đúng quy định. Ảnh: V.D.

Liên quan đến khoản bán cổ phiếu Techcombank, nhiều cổ đông thắc mắc về tình hình đầu tư vào nhà băng này như thế nào? Cổ đông cũng đặt câu hỏi tại sao MSN lại bán Techcombank, trong khi giá dự kiến IPO sắp tới khá cao, khoảng 120.000 đồng/cổ phiếu.

Phản hồi về vấn đề này, lãnh đạo MSN cho biết theo quy định, Masan không được phép sở hữu quá 20% vốn Techcombank. Doanh nghiệp đã bán cổ phiếu nhằm giảm sở hữu tại nhà băng này từ 31% về 20%. Masan lãi được 1.000 tỷ đồng từ bán cổ phiếu ngân hàng và thời điểm đó, lãnh đạo công ty cũng biết cổ phiếu Techcombank sẽ tăng giá, nhưng để phù hợp với quy định sở hữu nên phải bán. Doanh nghiệp này cũng bán được cổ phiếu quỹ với giá cao hơn giá giao dịch trên thị trường vào thời điểm đó.

“Giao dịch chứng khoán này tạo lợi nhuận cho chúng tôi và điều kiện cho những giao dịch mới trong thời gian tới. Thông qua số tiền bán cổ phiếu Techcombank, chúng tôi mua lại cổ phiếu quỹ Masan”, Chủ tịch HĐQT MSN Nguyễn Đăng Quang cho biết.

Sẽ lấn sân đầu tư dược phẩm, chăm sóc cá nhân

Tại đại hội lần này, MSN cũng hé lộ kế hoạch phát triển những lĩnh vực đầu tư mới.

Cụ thể, tập đoàn này đang nhắm đến sản phẩm gia dụng chăm sóc cá nhân, nghiên cứu ngành dược phẩm, phương án M&A sẽ nhắm vào đối tác có công nghệ để nhanh chóng dấn thân vào ngành hàng mới.

Masan cho biết không đầu tư vào nuôi trồng sản phẩm organic hữu cơ mà tập trung những gì đang làm, trước mắt là tung ra thị trường sản phẩm thịt, với mục tiêu đạt 10 tỷ USD doanh thu nhắm đến 2020 và thu nhập trước thuế đạt 800 triệu USD.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang nói: "Ở bên ngoài nhìn vào, MSN gần như trở nên rất phức tạp với quá nhiều lĩnh vực kinh doanh, và có lẽ chưa rõ ràng chiến lược dài hạn trong tương lai. Tuy nhiên, MSN vẫn đang đi đúng chiến lược, và sẽ không để áp lực ngắn hạn ảnh hưởng dài hạn".

Masan cho biết sẽ lấn sân sang lĩnh vực đầu tư mới là dược phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Năm 2018, MSN xác định tăng trưởng có thể bị thách thức hơn năm 2017 bởi một số yếu tố, trong đó việc giá heo hơi đang tiếp tục thấp sẽ làm giảm nhu cầu với sản phẩm thức ăn gia súc. Trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng lên sẽ tạo áp lực lên biên lợi nhuận.

Mục tiêu trước mắt của MSN với ngành gia vị, thực phẩm tiện lợi nhắm đến mức tăng trưởng trung hạn 15-20%/năm; nước uống khoảng 12% thị phần trong 3 năm tới. Doanh nghiệp cũng cũng tham vọng phát triển chuỗi cửa hàng thịt và chế biến sản phẩm từ thịt.

Hết quý I, MSN đã lần lượt thực hiện được 17-19% chỉ tiêu doanh thu và 20-24% chỉ tiêu lãi sau thuế.

Masan cũng đang có thay đổi về nhân sự. Phó chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh đã nộp đơn xin từ nhiệm, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật áp dụng đối với các tổ chức tín dụng. Ông Hồ Hùng Anh đang đương nhiệm Chủ tịch HĐQT Techcombank.

Tác giả: Bình Nguyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok