Giáo dục

Mang bằng cấp giả đi... chứng thực

Tại phòng tiếp dân UBND Q.Tân Phú (TP.HCM), một cô gái 26 tuổi mang chứng chỉ tin học trình độ B ghi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cấp đến sao y chứng thực.


bang gia 1 1470627659
Bằng ĐH, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ giả mang đến công chứng được Phòng tư pháp Q.Tân Phú giữ lại - Ảnh: HÀ BÌNH

Chứng chỉ này “xếp loại khá” có mộc đỏ của trường, chữ ký của phó hiệu trưởng, đầy đủ số hiệu và cả “số vào sổ cấp chứng chỉ”.

Phòng tiếp dân lúc này rất đông người mang giấy tờ đến công chứng. Lấy số thứ tự xong, cô gái ngồi chờ đến lượt.

“Em được cấp chứng chỉ này lâu chưa?” - chị Xương Thị Kim Dung, chuyên viên phòng tư pháp UBND Q.Tân Phú, mời cô gái trẻ đến hỏi.

Vị khách không mời

Quan sát nét mặt cô gái, chị Dung thấy thoáng nét bối rối.

“Nhìn dấu mộc của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trên chứng chỉ này, theo kinh nghiệm tôi nghi ngờ làm giả” - chị Kim Dung kể.

Sau một lúc “đấu tranh”, cô gái trẻ thừa nhận nhờ người làm giả chứng chỉ để đi xin việc.

Đã gặp nhiều vụ mang giấy tờ, bằng cấp giả đến sao y chứng thực nhưng có một trường hợp nhớ lại làm chị Kim Dung... thót tim.

Cách đây ít lâu, một thanh niên mang bằng tốt nghiệp trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT đến công chứng. Thấy chất liệu phôi bằng bất thường, chị Dung mời chủ nhân đến, nói phải giữ lại để xác minh chứ chưa công chứng ngay được.

“Nghe nói giữ bằng lại, anh này tỏ vẻ lo sợ nhưng cũng đồng ý rồi bỏ đi” - chị Dung kể.

Chiều hôm ấy, kết thúc một ngày làm việc như thường lệ, chị Dung về nhà. Vừa dừng xe, chị hốt hoảng thấy “người đi chứng bằng” lúc chiều xuất hiện trước cửa nhà mình.

“Không hiểu bằng cách nào tôi vừa dừng xe thì anh ta cũng vừa đến” - chị Dung kể thêm.

Theo chị Dung, anh này thanh minh làm giả bằng để đủ hồ sơ... mở trường mầm non. “Nếu không công chứng thì trả lại bằng đây” - anh này nói.

Chỉ đến khi chị Dung cương quyết có việc gì thì đến cơ quan, nếu không sẽ mời công an đến, anh này mới bỏ đi và từ đó không quay trở lại nữa.

Còn tại Phòng tư pháp Q.Bình Thạnh, một chuyên viên kể có trường hợp bị phát hiện sử dụng bằng giả đến công chứng, tuy nhiên người này cứ khăng khăng nói của mình là “hàng thật”. Đến khi các chuyên viên mời công an đến làm việc và mãi đến 20g cùng ngày, người này mới chịu thừa nhận mang “hàng giả” đi chứng thực.

Cũng có trường hợp tại Q.Tân Phú, khi bị chuyên viên “lật tẩy” dùng bằng giả, có cô gái đã... khóc nức nở xin lại “bằng” của mình...

Chuyện một sinh viên thiếu điểm tốt nghiệp ĐH

Phòng tư pháp Q.Gò Vấp hiện lưu giữ một tập những bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ giả mang đến chứng thực bị phát hiện. Mỗi bằng giả mang một câu chuyện của chủ nhân đến công chứng như câu chuyện dưới đây.

Giữa tháng 5-2015, một nam thanh niên (sau đó mới biết là sinh viên) mang tấm bằng ĐH đến UBND Q.Gò Vấp để chứng thực. Bốc số xong, cậu sinh viên ngồi chờ.

Hôm ấy, rất đông người nộp giấy tờ công chứng nhưng một chuyên viên cảm nhận sự khác thường về tấm “bằng ĐH chính quy”.

“Cầm tấm bằng lên, tôi thấy chất liệu phôi ép decal rất thủ công, nhiều chỗ bong tróc. Hình bông lúa trên quốc huy nhỏ hơn các loại bằng tương ứng. Hoa văn, tem của Bộ GD-ĐT cũng không giống những bằng cấp khác của bộ này” - vị chuyên viên phân tích.

Mời cậu sinh viên đến, vị chuyên viên khẽ hỏi: “Em có đi cùng ai không?”. “Có” - cậu sinh viên đáp ngắn gọn. “Em đi cùng ai?” - “Bạn em đang chờ ở ngoài”.

Nói rồi, vị chuyên viên giải thích phải giữ bằng lại để xác minh. Lúc đầu, cậu sinh viên gãi đầu gãi tai chối quanh co, nhưng cuối cùng thừa nhận tấm bằng ấy là giả.

Cậu giải thích do thiếu điểm một môn, không thể tốt nghiệp được nên nhờ “người trong trường” (theo quảng cáo) làm bằng để đi xin việc.

Khi cậu sinh viên bị giữ lại, thấy bị động, “người bạn đi cùng” bên ngoài liên tục gọi điện vào trong hỏi tình hình. Cuối cùng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an cũng bắt được người bán bằng giả cho cậu sinh viên. Đó là một đường dây chuyên làm các bằng, chứng chỉ giả.

Đại diện Phòng tư pháp Q.Gò Vấp cho biết trong năm 2014 có hơn 60 trường hợp, năm 2015 và sáu tháng đầu năm 2016 có hơn 20 trường hợp mang bằng ĐH, trung cấp, tốt nghiệp THPT, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, giấy tờ giả đến công chứng bị giữ lại.

Hầu hết đều bị phát hiện

Tại UBND Q.Tân Phú, năm 2015 phát hiện 35 trường hợp và sáu tháng đầu năm 2016 có 10 trường hợp mang bằng cấp, giấy tờ giả đến công chứng.

Tương tự, ông Phạm Văn Tồn - phó trưởng Phòng tư pháp Q.Bình Thạnh - cũng cho biết trong năm 2015 các chuyên viên sao y chứng thực của phòng đã phát hiện và giữ lại 23 bằng tốt nghiệp ĐH, THPT, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ giả mang đến công chứng.

Theo ông Tồn, trong số này phần lớn là bằng cử nhân các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, điện...

“Bằng giả khác biệt rất lớn với bằng thật về giấy, mực in và quốc huy có những dấu hiệu mắt thường có thể phân biệt được. Do đó, hầu hết những trường hợp mang bằng giả đến chứng thực đều bị phát hiện” - ông Tồn nói.

Các chuyên viên làm công tác công chứng lâu năm đã tổng hợp các lý do người làm bằng giả đi chứng thực là để đi xin việc, thiếu điểm, thiếu điều kiện ngoại ngữ, tin học để tốt nghiệp.

Cũng có trường hợp gia đình có con đi học, tốt nghiệp đã lâu nhưng “chờ hoài không thấy bằng đâu”. Sau đó, con mua bằng giả về đối phó cha mẹ.

Gần đây, có trường hợp làm giả bằng dược để bán thuốc, giả giấy khai sinh cho thân thuộc với người bảo lãnh để đi du học nước ngoài.

Cá biệt, có trường hợp làm giả bằng trung cấp dược để thi và đậu viên chức. Đến khi cơ quan gửi hồ sơ, giấy tờ của nhân viên nhờ chứng thực để lưu hồ sơ bản sao, trả lại bản chính cho người lao động thì nơi công chứng phát hiện... bằng giả.

Chế tài chưa đủ răn đe

Một lãnh đạo cấp phòng của ngành tư pháp nhấn mạnh sở dĩ bằng cấp giả mang đi công chứng tràn lan như hiện nay là do chế tài chưa đủ răn đe.

“Nhiều trường hợp dùng bằng giả đi công chứng bị phát hiện và người sử dụng bằng giả không bị xử lý nặng nên nhiều người không sợ”.

Vị này cũng cho rằng cần tuyên truyền thêm cho người có ý định sử dụng bằng giả là trước sau gì cũng bị phát hiện. Bởi khi nghi ngờ, nơi sử dụng bằng đó chỉ cần gửi đến nơi cấp để xác minh là lòi ra ngay. Khi ấy người mua bằng sẽ tiền mất tật mang.

“Các cơ sở cấp bằng, chứng chỉ cũng nên có một kênh công khai cơ sở dữ liệu của những người được cấp bằng trên mạng. Nếu ai cũng có thể tra cứu để kiểm tra bất cứ lúc nào sẽ hạn chế được việc dùng bằng giả như hiện nay” - vị này kiến nghị.

Tác giả bài viết: HÀ BÌNH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok