Do bất đồng quan điểm về vụ vụ sát hại người được cho là anh trai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cả hai đã bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu căng thẳng với những hành động "ăn miếng trả miếng".
Ban đầu, mỗi nước đều tuyên bố đại sứ của nước kia là nhân vật không được hoan nghênh. Căng thẳng ngày càng tăng cao sau khi Bình Nhưỡng cấm 11 người Malaysia rời khỏi Triều Tiên. Một nửa trong số họ là nhân viên lãnh sự.
Bất phân thắng bại
Thủ tướng Malaysia Najib Razak đáp lại động thái mà ông gọi là "hành động bắt cóc ghê tởm" này bằng cách tổ chức một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 7/3.
Ông kêu gọi thả ngay lập tức các con tin và tuyên bố "Không có người Triều Tiên nào được phép rời khỏi Malaysia nữa" (mặc dù tất cả công dân Triều Tiên, bao gồm nhân viên lãnh sự, có thể thoải mái đi lại mà không bị cản trở).
Lệnh cấm xuất ngoại này dường như không làm cho Bình Nhưỡng nao núng. Thay vào đó, nó tạo ra cái mà Giáo sư Ayame Suzuki thuộc Đại học Doshisha ở Kyoto gọi là "trò chơi gà". Trong trò chơi này, đất nước có ít thứ để mất hơn thường giành phần thắng.
Trong lúc nóng giận, ông Najib thậm chí còn nói tình hình có thể được giải quyết bằng cách viện dẫn Công ước Geneve.
Tuy nhiên, công ước và các nghị định bổ sung của nó chỉ áp dụng cho 2 nước đang ở trong tình trạng chiến tranh. Công ước này thường được viện tới để giảm bớt các điều kiện khốc liệt do chiến tranh gây ra.
Bình luận trên South China Morning Post, học giả Phar Kim Beng từ Đại học Waseda, Tokyo cho rằng vì 2 nước không ở trong tình trạng chiến tranh, Công ước Geneve không thể được áp dụng. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác của luật pháp quốc tế, Malaysia là bên có lợi thế hơn.
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Dự thảo Công ước về Trách nhiệm của Quốc gia vì các Hành vi trái luật quốc tế do Ủy ban Luật Quốc tế của Liên Hợp Quốc soạn thảo đều cấm bất kì hành động "bắt giữ con tin" nào.
"Đó là một quy ước được Đại hội đồng Liên Hợp quốc chấp thuận. Thực ra Triều Tiên cũng tham gia vào ICCPR, trong đó Điều 12 (2) đảm bảo quyền tự do đi lại của bất kỳ người nào. Vì vậy Triều Tiên đã vi phạm nguyên tắc mà họ cần tôn trọng", một chuyên gia luật pháp quốc tế cho biết.
Ngược lại, việc trả đũa của Malaysia đã tuân thủ luật pháp quốc tế khi xem xét các điều khoản của Dự thảo Công ước về Trách nhiệm của Quốc gia vì các Hành vi trái luật quốc tế. Các điều khoản này quy định về quyền của một quốc gia nhằm trả đũa lại bất kỳ nước nào vi phạm luật pháp quốc tế.
Công ước của Liên Hợp Quốc về việc bắt giữ con tin được ban hành vào năm 1979 và được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1983.
Theo quy ước này, các điều 13-16 chống lại việc bắt giữ con tin của các quốc gia thành viên trong Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, ngay cả trong các điều khoản trên, hành động "bắt giữ con tin" không bao hàm vi phạm về toàn vẹn lãnh thổ. Do đó, Liên Hợp Quốc chỉ có thể hành động hạn chế trong vấn đề này.
Tất cả những điều trên đã khiến Malaysia và Triều Tiên rơi vào tình trạng bế tắc và chờ đợi động thái từ đối phương. Cả hai đều đang nghe ngóng xem ai sẽ là người "chịu nhún" trước.
Lợi thế của Triều Tiên
Về phần mình, Triều Tiên kịch liệt bác bỏ việc chất kịch độc VX được sử dụng để sát hại người đàn ông họ Kim tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Họ cáo buộc Malaysia âm mưu với Nhật Bản và Hàn Quốc làm ô uế thanh danh của Triều Tiên.
Sau khi tin tức về vụ sát hại được lan truyền, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên trong một năm. Điều này có thể đã góp phần vào cơn giận của Bình Nhưỡng và gây ra những hành động không thể lường trước của nước này.
Theo quy ước của Liên Hợp Quốc về việc bắt giữ con tin, việc giải quyết vấn đề có thể được thực hiện bởi bên thứ ba, bao gồm cả văn phòng của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Mặt khác, vấn đề này cũng có khả năng được giải quyết trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức có một số nước thành viên có công dân là nghi phạm trong nghi án Kim Jong Nam.
Tuy nhiên, bất cứ nỗ lực nào của Liên Hợp Quốc và ASEAN đều đi kèm rủi ro. Triều Tiên từng bỏ qua một số quy tắc ngoại giao thông thường nên rất khó nói trước rằng khi nào họ sẽ lại phá vỡ chúng.
ASEAN đã khuyến khích Triều Tiên tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) năm 1993. Tuy nhiên, với đà này, Bình Nhưỡng có nguy cơ bị loại khỏi ARF và càng thêm cô lập. Mặc dù sự cô lập có thể làm vị thế của Triều Tiên suy yếu, nó cũng có khả năng tạo ra sức mạnh vì họ sẽ có ít thứ để mất hơn trong trò chơi đòi hỏi sự gan lì này.
Tác giả bài viết: Tuyết Mai (Theo SCMP)
Nguồn tin: