Xe

Malaysia: Ô tô nội địa cạnh tranh ngang ngửa xe thương hiệu ngoại

Dẫn đầu thị trường ô tô Malaysia hiện nay là hãng xe nội địa Perodua, bỏ xa các thương hiệu quốc tế như Toyota, Honda và Nissan...

Mẫu xe mini Axia của Perodua có giá bán chỉ từ 5.300 USD đến 9.000 USD
Perodua là nhà sản xuất ô tô nội địa lớn nhất Malaysia, kế đến là Proton. Còn khá non trẻ so với các thương hiệu ô tô quốc tế, Perodua được thành lập vào năm 1992 và ra mắt mẫu xe đầu tiên - Kancil vào tháng 8/1994. Hiện nay, nắm đa số cổ phần Perodua là UMW Corporation Sdn Bhd (38%), Daihatsu Motor Co. Ltd. (20%), MBM Resources Bhd (20%), PNB Equity Resources Corporation Sdn Bhd (10%), Mitsui (7%) và Daihatsu Malaysia (5%).

Perodua chủ yếu sản xuất xe nhỏ và siêu nhỏ (minicar và supermini), nên không cạnh tranh cùng phân khúc với đồng hương Proton. Perodua không tự thiết kế hay chế tạo các phụ tùng chính cho xe của mình, như động cơ và hộp số, mà chủ yếu dùng đồ của Daihatsu. Từ năm 2004, Perodua bắt đầu lắp ráp xe Toyota Avanza để bán tại Malaysia.

Theo số liệu của Hiệp hội ô tô Malaysia (MAA), dù doanh số sụt giảm trong tháng 11, nhưng cộng dồn 11 tháng đầu năm hãng xe nội địa Perodua vẫn dẫn đầu thị trường Malaysia, với doanh số 182.485 xe, kế đến lần lượt là Honda (80.369 xe), Proton (65.067 xe), Toyota (56.410 xe), Nissan (35.902 xe), Mazda (11.890 xe), Isuzu (11.338 xe)...

Như vậy, đứng đầu và đứng thứ 3 toàn thị trường ô tô Malaysia là hai thương hiệu trong nước.
Mẫu Proton Saga
Mặc dù doanh số 11 tháng đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng doanh thu của công ty vẫn tăng. Tính đến hết tháng 10/2016, các trung tâm dịch vụ của hãng đã tiếp nhận khoảng 1,7 triệu xe, tăng 3% với năm ngoái. Số xe đã hết hạn bảo hành vẫn trở lại với các trung tâm dịch vụ của Perodua cũng tăng lên.

Không chỉ bán xe, mục tiêu của công ty là cung cấp dịch vụ sau bán hàng ngày càng tốt hơn, để giữ chân cả những khách hàng có xe đã hết hạn bảo hành. Với những nơi chưa có trung tâm dịch vụ của hãng, Perodua cung cấp dịch vụ sửa chữa lưu động. Ngoài ra, công ty đang có kế hoạch đẩy mạnh mảng kinh doanh phụ tùng giá rẻ ProGanti.

Về hoạt động xuất khẩu, Perodua đang muốn mở rộng thị trường. Hiện công ty mới chỉ xuất khoảng 4.600 xe mỗi năm sang các thị trường như châu Phi, Indonesia, Singapore, Brunei, Fiji, Sri Lanka và Mauritius.

Ô tô nội địa Malaysia thắng xe ngoại không chỉ nhờ giá, mà còn bởi sự chú trọng về an toàn. Năm nay, cả Perodua và Proton đều có xe được chứng nhận an toàn cao nhất - 5 sao - theo đánh giá của Ủy ban đánh giá xe Đông Nam Á - ASEAN NCAP.

Cụ thể, mẫu Proton Iriz được bình chọn là “Xe có chứng nhận ASEAN NCAP 5 sao rẻ nhất ở Malaysia”, mẫu Proton Preve là “Xe có chứng nhận ASEAN NCAP 5 sao rẻ nhất ở Thái Lan”. Cả hai mẫu xe này đều được trang bị tiêu chuẩn hệ thống ổn định thân xe điện tử (ESC) trên tất cả các phiên bản. Trong khi đó, Perodua có mẫu Bezza giành được hai giải: “Xe bảo vệ trẻ nhỏ tốt nhất (COP)” và “Xe bảo vệ người lớn tốt nhất (AOP)” ở phân khúc xe gia đình cỡ nhỏ. Mẫu Bezza có 5 phiên bản, nhưng chỉ bản cao nhất - 1.3L Advance được trang bị hệ thống ổn định thân xe điện tử (VSC), hệ thống kiểm soát độ bám đường và hệ thống hỗ trợ phanh.

Dù thị phần ô tô nội địa (Perodua và Proton cộng lại) mới chỉ đạt khoảng 48-49%, chưa quá bán, nhưng là một bước tiến đáng ghi nhận, vì năm ngoái, tỷ lệ xe ngoại - xe nội là 53% và 47%. Perodua muốn nâng tỷ lệ này lên 60%, nhưng cần sự giúp sức của Proton theo quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, năm ngoái, lãnh đạo Proton lại tuyên bố muốn cạnh tranh với Perodua ở phân khúc xe nhỏ bằng cách bắt tay với thương hiệu Suzuki của Nhật.

Tác giả bài viết: Nhật Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok