"Chúng tôi phải đáp trả thách thức này"
Trong một động thái bất ngờ,Tổng thống Nga Putin cho hay, Nga xem sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc là thách thức và sẽ không thể làm ngơ trước tình trạng này. “Đây là vấn đề quan ngại lớn với chúng tôi và chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng trong nhiều thập niên qua. Nó làm ảnh hưởng đến cán cân chiến lược thế giới. Nhưng cả thế giới vẫn im lặng, không ai lắng nghe chúng tôi”, Tổng thống Putin phát biểu với báo giới bên lề diễn đàn kinh tế ở St Petersburg mới đây.
“Họ có hệ thống lá chắn tên lửa ở Alaska và giờ là ở Hàn Quốc. Vậy chúng tôi phải khoanh tay đứng nhìn? Tất nhiên là không. Chúng tôi phải đáp trả thách thức này”, Tổng thống Putin cho biết thêm.
Những bình luận trên đưa ra không lâu sau khi Mỹ triển khai lá chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Mỹ khẳng định, hệ thống này nhằm sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Tổng thống Nga Putin cho hay, Nga xem sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc là thách thức. |
Không chỉ vậy, Nga cũng đổ lỗi cho Mỹ rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) trên bán đảo Triều Tiên kích động cuộc chạy đua vũ trang mới. "Bên cạnh đó, tình hình trong khu vực đang trầm trọng hơn, điển hình là việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) đang thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang, tạo ra những vòng xoáy mới. Những điều đó quá rõ ràng. Chúng tôi luôn phải suy nghĩ làm thế nào để phản ứng", ông Putin nói tại một cuộc trao đổi với đại diện các cơ quan thông tấn nước ngoài ở St. Petersburg.
Ông Putin nhấn mạnh rằng, Nga không dự định thụ động đứng nhìn hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ngày một mở rộng, hệ thống NMD đã xuất hiện ở Hàn Quốc. Nếu quần đảo Kuril vào tay Nhật Bản, quân đội Mỹ sẽ có cơ hội triển khai tại đó.
Lâu nay, Nga vẫn luôn tỏ ra bênh vực và có những giúp đỡ đích thực tới Triều Tiên. Theo chuyên gia cao cấp về phòng thủ tên lửa tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Michael Elleman, động cơ tên lửa tầm trung Hwasong 12 mà Triều Tiên mới thử nghiệm thành công có thể là động cơ của Nga.
Nga sẽ không để khủng khoảng xảy ra ở Triều Tiên
Ông Elleman cho rằng, động cơ của tên lửa này rất khác với động cơ tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan mà Triều Tiên được cho là đang phát triển làm bước đệm để chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). "Đối với tôi, đây là một vấn đề lớn. Rất ít khả năng loại động cơ này được thiết kế, phát triển và sản xuất trong nước. Căn cứ vào hiệu suất và vẻ bề ngoài, tôi cho rằng nó có thể bắt nguồn từ động cơ cũ RD-250 của Nga", ông Elleman phân tích.
Sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014, Mỹ và châu Âu sử dụng đòn cấm vận kinh tế trừng phạt Nga. Quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên tệ hại nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Và trong bối cảnh bị cô lập đó, Nga đã nỗ lực tăng cường quan hệ với Triều Tiên.
Nga và Triều Tiên là hai nước láng giềng có chung đường biên giới. Nếu xảy ra xung đột hạt nhân, đám mây phóng xạ từ Triều Tiên có thể theo gió bay sang Nga. Vì vậy Nga sẵn sàng làm tất cả để ngăn chặn khủng hoảng bùng phát gần biên giới Nga.
Thêm nữa, Nga muốn thúc đẩy dự án đường ống dẫn khí đốt chạy qua Triều Tiên nhằm xuất khẩu khí đốt sang Hàn Quốc. Đặc biệt, Nga rất muốn gia tăng ảnh hưởng ở châu Á và phát triển vai trò “nhà thương lượng” giữa phương Tây và Triều Tiên là một lý do khác khiến nước này luôn bảo vệ người láng giềng này.
Tác giả: Đào Vũ
Nguồn tin: Báo Người đưa tin