Xe

Lý do cao tốc ở Việt Nam không có đèn

Đường cao tốc không lắp đèn chiếu sáng mà chỉ sử dụng thiết bị phản quang để dẫn đường cho tài xế nhằm tránh lóa mắt khi đèn đường tán xạ ánh sáng.

Khi lắp đèn cao áp để chiếu sáng trên cao tốc, các chuyên gia cho biết tác hại nhiều hơn là lợi ích. Cảm quan ban đầu cho thấy nhiều đèn để nhìn rõ mọi vật sẽ tốt hơn là không có đèn, nhưng điều đó chỉ đúng khi đứng yên hoặc chạy với tốc độ thấp như trong đô thị. Với tốc độ cao thì ngược lại.
Đường cao tốc không có đèn, chỉ có thiết bị phản quang.
Đèn cao áp thường có chỉ số hoàn màu thấp, vì thế ánh sáng mà tài xế tiếp nhận vào mắt thường là màu vàng cam dù nguồn phát sáng có thể là màu đỏ, trắng... Sự sai lệch này khiến tài xế khó quan sát và nhận biết nhanh biển chỉ dẫn, làn đường, chướng ngại vật trên đường. Bên cạnh đó, giữa không gian rộng lớn của đường cao tốc, đèn đường không phát huy hết khả năng chiếu sáng.

Một nguyên nhân nữa là đèn đường gây ra hiện tượng tán xạ ánh sáng, tài xế sẽ thấy dường như đoạn đường nào cũng giống nhau, khả năng nhận biết xe phía trước xa hay gần giảm xuống đáng kể. Bên cạnh đó, mắt tiếp nhận nhiều thứ ánh sáng khác nhau trong thời gian dài liên tục gây mỏi nhanh, ảnh hưởng đến thị lực.

Người lái xe cũng tập trung hơn khi đường tối so với đường có nhiều đèn. Bởi những nguyên nhân này, đường cao tốc ở mọi nơi trên thế giới đều không có đèn chiếu sáng. Thay vào đó, dẫn đường cho tài xế là hệ thống thiết bị phản quang.

Thiết bị phản quang gắn trên giải phân cách, lan can lề đường. Khi đèn ôtô chiếu vào, chúng sẽ phát sáng với cường độ gấp nhiều lần đèn cao áp. Nếu đường thẳng, tầm chiếu của đèn pha ôtô có thể giúp người lái nhìn thấy những thiết bị phản quang này ở khoảng cách cả nửa cây số.

Bên cạnh thiết bị gắn trên giải phân cách, đường cao tốc còn sử dụng cả biển báo sơn phản quang và có thể vạch kẻ đường sơn phản quang. Với kích thước đủ lớn, những biển báo này giúp tài xế nhận biết và đọc được từ xa khi đang lao nhanh.

Đường cao tốc không có đèn chiếu sáng là tiêu chuẩn chung trên toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam. Trên những con đường cao tốc ở Mỹ, Đức hay Nhật cũng không có đèn chiếu sáng mà chỉ có thiết bị phản quang dẫn đường.

Cao tốc Autobahn, hệ thống giao thông tốc độ cao bậc nhất thế giới cũng không lắp đèn.
Tất nhiên, vẫn có những đoạn có rất nhiều đèn khi đi trên cao tốc. Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 5729/2012 quy định đường cao tốc phải có đèn chiếu sáng ở hai nơi bắt buộc là trạm thu phí và trong hầm. Ngoài ra khuyến khích có đèn ở nơi giao nhau liên thông, trạm phục vụ kỹ thuật hay những biển báo chỉ dẫn quan trọng. Còn lại trên những đoạn đường thẳng không có công trình khác thì không lắp.

Một số tài xế thắc mắc, nhiều đoạn đường cao tốc vẫn có đèn đầy đủ, ví dụ như Đại lộ Thăng Long ở Hà Nội. Thực tế, đại lộ Thăng Long không phải đường cao tốc. Tuyến đường này không có đầy đủ yếu tố để trở thành đường cao tốc. Chất lượng mặt đường ở đây thấp hơn, đi qua nhiều nút giao liên thông, đường dân sinh sát hai bên vì thế cần có hệ thống đèn để chiếu sáng, đường này cũng khá ngắn, chỉ hơn 30 km.

Tác giả bài viết: Đức Huy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok