Kinh tế

Lương tối thiểu tính theo giờ, tại sao không?

Áp dụng cứng nhắc lương tối thiểu theo tháng vô tình gây khó cho một số quan hệ lao động trong điều kiện kinh tế thị trường.

Lương tối thiểu tăng hay giảm ở mức nào cho hợp lý, cách tính ra sao… là bài toán khiến nhiều nhà quản lý, đại diện người lao động và chủ sử dụng lao động đau đầu. Lâu nay, chúng ta tính lương tối thiểu theo tháng, nhưng theo nhiều chuyên gia, cách tính này đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Trường hợp áp dụng cứng nhắc lương tối thiểu theo tháng, vô tình gây khó cho một số quan hệ lao động trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Ví dụ việc tuyển công nhân làm vệ sinh, công việc làm việc ngoài trời, những công việc có tính phụ trợ trong ngành xây dựng.
20160927083801 luong
Ủng hộ phương án tính lương tối thiểu theo giờ, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động, cho rằng nên quan tâm tới lương tối thiểu tính theo giờ vì yếu tố linh hoạt, thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

Bà Lan Hương cho hay, đã nghiên cứu kinh nghiệm kinh tế thị trường của nhiều nước, việc trả lương tối thiểu theo giờ đã được áp dụng từ lâu.

Việc trả lương tối thiểu theo giờ chỉ dành cho những lao động làm công việc trong điều kiện lao động giản đơn, công việc không đầy đủ, công việc trong thời gian ngắn và linh hoạt. Những công việc này có đặc thù ngắn hạn, người lao động làm việc bán thời gian.

Đứng về hợp đồng lao động, những người hưởng lương tối thiểu theo giờ thường là hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc có thời hạn. Về phía doanh nghiệp, nếu như dùng lương tối thiểu tháng, vô tình tạo bất lợi cho doanh nghiệp chỉ có nhu cầu tuyển lao động làm việc theo giờ.

Chưa kể tới việc, nếu áp dụng lương tối thiểu tháng, người sử dụng lao động sẽ phải tính tới các chính sách như BHXH cho đối tượng chỉ có nhu cầu làm việc ngắn hạn hoặc theo giờ. Tất nhiên, lương tối thiểu theo giờ có nhược điểm là phụ thuộc vào tổng số giờ làm việc. Nếu người lao động không được bố trí đủ thời gian làm việc hoặc bị lạm dụng để trả cho công việc toàn thời gian hoặc theo tháng, mức lương tháng của họ sẽ không đảm bảo được mức sống tối thiểu.

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc xác định tiền lương tối thiểu theo giờ để người lao động được quyền làm việc với nhiều hợp đồng lao động. Tiền lương tối thiểu theo giờ sẽ làm tăng năng suất lao động và phản ánh đúng bản chất của tiền lương trong nền kinh tế thị trường.

Theo TS Đặng Đức Đạm – Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh, vấn đề then chốt trong cuộc tranh luận về lương tối thiểu vùng hiện nay không phải là tăng bao nhiêu phần trăm mà là nhu cầu sống tối thiểu để làm “cột mốc” điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đã được xác định chuẩn xác hay chưa. Nếu xác định nhu cầu sống tối thiểu quá cao thì dù tiền lương tối thiểu có tăng thì vẫn “hụt hơi” so với nhu cầu sống tối thiểu, tạo dư luận xã hội không đúng và ảo tưởng là tiền lương có thể và còn phải tăng nhanh hơn nữa.

Quyết định đối với đời sống người lao động là tiền lương trung bình Tuy nhiên, theo ông Đặc Đức Đạm, nếu ép tiền lương tối thiểu tăng quá mức, doanh nghiệp buộc phải phản ứng bằng cách thu hẹp hệ số tiền lương thì tác dụng kích thích tăng năng suất lao động của tiền lương sẽ không còn. Số người không tìm được việc làm tăng lên. Đáng chú ý là ở nông thôn, lao động dư thừa nhiều, người lao động sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp (nhưng vẫn cao hơn nhiều tiền công lao động nông nghiệp) để có việc làm trong các doanh nghiệp chế biến nông sản mà không được.

Tăng lương tối thiểu vùng là để bảo vệ người lao động yếu thế, tuy nhiên lương tối thiểu sẽ chỉ đạt được hiệu quả nhất nếu hài hòa được cả ba yếu tố: đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của DN. Nếu lương tối thiểu vùng bị áp mức tăng quá cao, các khoản chi phí khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… doanh nghiệp phải đóng cũng tăng thêm. Những chi phí này sẽ tính tính vào chi phí sản xuất sản phẩm, dẫn đến giảm sức cạnh tranh đối với hàng nội địa và hàng ngoại nhập. Những áp lực này sẽ khiến chủ doanh nghiệp tính đến cắt giảm lao động để đảm bảo lợi nhuận tái đầu tư, hệ quả thất nghiệp gia tăng… Việc tăng lương tối thiểu không tương ứng với năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không giúp lương thực lĩnh của lao động động tăng lên mà trái lại dẫn tới nguy cơ suy yếu, đổ vỡ của doanh nghiệp, thất nghiệp gia tăng.

Năng suất lao động của Việt Nam hiện đang thuộc hàng thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thế nhưng tốc độ tăng lương tối thiểu lại không hề thấp. Trong điều kiện này, không nền kinh tế nào có thể duy trì sự bền vững chứ đừng nói tới nâng cao năng lực cạnh tranh.

Vậy nâng cao năng suất lao động bằng cách nào? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có liên quan tới giáo dục, đầu tư khoa học công nghệ…/.

Tác giả bài viết: Vũ Hạnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok