Xã hội

Luật sư nói gì về việc xử lý hình sự người mẹ trầm cảm nghi sát hại con 33 ngày tuổi

Theo luật sư việc xác định nghi phạm Trinh có đủ khả năng nhận thức hành vi khi phạm tội hay không chính là mấu chốt để xử lý vụ án này.

Liên quan đến vụ án Phan Thị Trinh (SN 1997, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) bi bắt giữ để điều tra về hành vi sát hại con trai là cháu Vũ Việt A. (mới 33 ngày tuổi), bước đầu, cơ quan công an xác định nguyên nhân khiến Trinh gây ra vụ việc đau lòng này là bị trầm cảm sau sinh.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Trinh khai nhận, đêm 12/6, vợ chồng chị Trinh nằm ngủ trên giường cùng con trai. Khoảng 2h sáng, chị ta tỉnh giấc khi nghe tiếng con khóc. Sau ít phút dỗ dành, Trinh đặt con xuống giường rồi cả hai cùng ngủ.

Rạng sáng, Trinh tỉnh dậy, thấy đau đầu và có cảm giác Trinh mất kiểm soát. Bế con trai ra cầu thang dẫn lên tầng 2, người mẹ 9X thả cháu bé vào chậu nước. Sau đó, Trinh lên phòng ngủ ở tầng 2 lấy cục than viết dòng chữ “Tao sẽ giết cháu mày Lăng” trên bậc cầu thang.

Nghi can khai sau đó cô ta quay vào phòng ngủ cho đến khi bố chồng gọi dậy.

Người dân tập chung theo dõi vụ việc (ảnh PV)
Người dân tập chung theo dõi vụ việc (ảnh PV)

Luật sư Vũ Tuấn (Công ty Luật Intercode) cho rằng, năng lực trách nhiệm hình sự là điều kiện cần thiết để có thể xác định con người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chỉ khi người có năng lực trách nhiệm hình sự mới có thể là chủ thể của tội phạm. Năng lực này có thể sẽ không có hoặc bị loại trừ do mắc các bệnh nhất định liên quan đến hoạt động tâm thần.

Trong trường hợp Trinh bị bệnh trầm cảm dẫn đến mất khả năng nhận thức và khả năng thực hiện hành vi, tức là không có năng lực trách nhiệm hình sự, có kết luận của hội đồng giám định tâm thần xác định thì tại Điều 13 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:

“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh".

Nếu Trinh thực hiện hành vi phạm tội của mình trong khi đang mắc bệnh trầm cảm mà mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Trinh sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.


Trinh tại cơ qua điểu tra (ảnh tư liệu)

Trinh tại cơ qua điểu tra (ảnh tư liệu)

Tuy vậy, ở một trường hợp khác, luật sư Vũ Tuấn cho rằng, Trinh bị bệnh trầm cảm nhưng không làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì Trinh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự 1999 với tình tiết định khung "giết con đẻ".

Luật sư Vũ Tuấn cho hay, để có thể kết luận chính xác, các cơ quan tố tụng cần phải đưa nghi phạm Trinh đi giám định theo quy định của pháp luật.

Qua những thông tin về vụ án được báo chí đăng tải, luật sư Vũ Tuấn đưa ra quan điểm cá nhân rằng trong trường hợp này nhiều khả năng Trinh vẫn còn đủ khả năng nhận thức.

Trả lời câu hỏi về việc trong trường hợp nếu xác định trước, sau khi gây án Trinh hoàn toàn bình thường thì liệu nghi phạm có bị tiếp tục xử lý hình sự hay không, luật sư Tuấn cho hay, căn cứ điều 13 BLHS 1999 thì chia làm hai trường hợp:

Trường hợp 1: Nếu trước, sau khi gây án, Trinh hoàn toàn bình thường nhưng trong khi gây án Trinh bị mất khả năng nhận thức thì Trinh không bị xử lý hình sự.

Trường hợp 2: Nếu trước, sau khi gây án Trinh hoàn toàn bình thường nhưng trong khi gây án Trinh bị hạn chế khả năng nhận thức thì Trinh bị xử lý hình sự. Nhưng đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.

Giả định các thông tin báo chí phản ánh là đúng thì theo luật sư Vũ Tuấn, nghi phạm Trinh có thể bị truy tố về tội Giết người.

Tác giả: Thanh Sơn

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok