Ngày 1/3, nghi phạm Đoàn Thị Hương và Siti Aisha (người Indonesia) đã trình diện lần đầu tại tòa án để nghe lời buộc tội. Luật sư Yohendra cho rằng quá trình xét xử sẽ cần khoảng 2 năm để đưa ra bản án.
"Sau đó, vụ việc có thể được chuyển lên Tòa Phúc thẩm, rồi cuối cùng đưa ra Tòa án Liên bang (cấp cao nhất). Quá trình này lại có thể mất nhiều năm nữa", Luật sư Yohendra giải thích.
Nói về khả năng 2 nữ nghi phạm có thể lĩnh án tử hình, vị luật sư khẳng định đây là điều chắc chắn (nếu bị buộc tội) và không có ngoại lệ. "Chúng tôi không đối đãi khác biệt với những nghi phạm chỉ vì họ là người ngoại quốc".
Theo ông Yohendra, các quốc gia có thể vận động chính phủ Malaysia để được dẫn độ nghi phạm, "nhưng tôi không nghĩ họ có thể đạt được điều này trong những vụ án có tính chất nghiêm trọng".
Vị luật sư cho biết các nghi phạm có quyền được chọn lựa luật sư bào chữa cho mình. "Phần lớn các quyết định này sẽ dựa trên sự hướng dẫn của đại sứ quán của quốc gia đó. Trong thời gian chịu xét xử và chờ đợi phán quyết của tòa án, các nghi phạm sẽ bị tạm giam".
Luật sư đại diện cho Đoàn Thị Hương là ông Selvam Shanmugam do chính phủ Malaysia chỉ định. Sau buổi ra tòa đầu tiên của các nghi phạm, ông Selvam cho biết Đoàn Thị Hương "tỏ ra bình tĩnh và khẳng định trước tòa rằng cô ấy vô tội".
Tòa án huyện Sepang đã ấn định ngày 13/4 sẽ chuyển vụ việc lên tòa cấp cao hơn và cả hai nghi phạm bao gồm Đoàn Thị Hương và nữ công dân Indonesia sẽ ra tòa cùng lúc.
Người đàn ông Triều Tiên, mang hộ chiếu có tên Kim Chol và bị nghi là ông Kim Jong Nam, chết tại sân bay ở Kuala Lumpur ngày 13/2. Cảnh sát Malaysia sau đó bắt giữ 3 nghi phạm, gồm một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam với tên Đoàn Thị Hương. Hiện phía Malaysia đang truy tìm 7 người Triều Tiên khác có liên quan tới vụ việc. Hôm 25/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã gặp nữ nghi phạm và xác nhận cô là Đoàn Thị Hương. |
Tác giả bài viết: Cảnh Toàn
Nguồn tin: