Pháp luật

Luật sư của Công ty Phương Trang phản bác nợ hơn 9.000 tỷ đồng

Họ khẳng định chỉ nợ hơn 3.900 tỷ đồng, từng phải kêu cứu nhiều nơi khi phát hiện Ngân hàng Đại Tín đẩy nợ cho Phương Trang.

Ngày 27/5, phiên xét xử bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín) và đồng phạm tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư bảo vệ người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Đồng tình với bản luận tội của VKS trước đó cả về hình sự lẫn trách nhiệm dân sự đối với bị cáo Phấn, các luật sư của Công ty Phương Trang cho rằng, đủ căn cứ xác định bà này đã lợi dụng ảnh hưởng của mình tại Đại Tín, chỉ đạo nhân viên dưới quyền hạch toán thu chi khống vay mượn hơn 5.200 tỷ đồng của nhà băng, sau đó đẩy khoản nợ này cho Công ty Phương Trang.

Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, hồ sơ tại Ngân hàng Đại Tín cho thấy Công ty Phương Trang đang bị coi là phải chịu trách nhiệm với tổng dư nợ gốc trên 9.400 tỷ đồng (theo 82 khoản vay, một khoản nhận nợ bắt buộc và một khoản thanh toán mua trái phiếu). Tuy nhiên quá trình điều tra, truy tố, thẩm vấn tại tòa có căn cứ xác định số tiền thực nhận của Phương Trang chỉ hơn 3.900 tỷ đồng. Phần chênh lệch còn lại do bà Phấn chỉ đạo các nhân viên ngân hàng tại chi nhánh Lam Giang và chi nhánh Sài Gòn thực hiện hạch toán thu chi cấn trừ dựa trên các phiếu thu, phiếu chi, bảng kê thanh toán, ủy nhiệm chi khống, đẩy nợ cho Phương Trang.

"Lời khai của các nhân viên Ngân hàng Đại Tín liên quan việc giải ngân cho Công ty Phương Trang đều khẳng định, việc giải ngân là không có thật, thực chất chỉ là thu chi cấn trừ", ông Thiệp nói và chỉ ra nhiều tài liệu, chứng cứ, trong đó có các email yêu cầu và hướng dẫn từ phía ngân hàng. Theo đó, để vay được tiền, một số người của Phương Trang phải ký và giao trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và cả chứng từ nhận tiền cho ngân hàng.

Các luật sư bào chữa cho bà Phấn và bảo vệ cho nhóm Phương Trang tại tòa. Ảnh: Kỳ Hoa.

Phương Trang từng kêu cứu khắp nơi

Theo luật sư Phan Trung Hoài (một trong 4 luật sư của Phương Trang), từ cuối tháng 2/2012 đến khi vụ án được khởi tố, do phát hiện số tiền được giải ngân từ các hợp đồng tín dụng ít hơn rất nhiều so với hồ sơ giải ngân, Phương Trang đã khiếu nại, yêu cầu bà Phấn cùng Đại Tín đối chiếu làm rõ công nợ thực tế.

Khi nhận ra dấu hiệu bà Phấn chỉ đạo các nhân viên ngân hàng và con cháu thực hiện các thủ pháp thu chi cấn trừ nhằm đẩy dư nợ khống cho mình, Phương Trang liên tục làm đơn tố cáo hành vi của bà Phấn.

Công ty cũng có đơn xin cứu giúp khẩn cấp gửi Thủ tướng, trong đó đề cập đến việc ngân hàng này tự tính cho công ty khoản nợ hơn 9.000 tỷ đồng. Thời điểm đó Phương Trang đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận nhưng phía ngân hàng không thực hiện, do đang bị Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp giám sát hoạt động.

Trong khi Đại Tín đang giữ tài sản thế chấp của Phương Trang trị giá khoảng 15.000 tỷ đồng; lãi suất của Đại Tín quá cao (vượt quá 20% và tiếp cận con số 32%/năm) khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Do đó, Phương Trang buộc phải đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngành chức năng xem xét và có biện pháp cứu giúp.

Cùng quan điểm với các đồng nghiệp, song luật sư Vũ Phi Long còn cho rằng, cách xét hỏi của nhiều người tại tòa làm cho người dự khán có cảm giác Phương Trang nhận hết tiền vay nhưng vẫn cãi là không nhận được.

"Chúng tôi khẳng định lại lần nữa, chưa bao giờ Phương Trang nói là không nhận tiền từ Đại Tín cả. Phương Trang có nhận, nhưng là khoản 3.936 tỷ đồng mà cáo trạng đã kết luận. Hợp đồng tín dụng đó vẫn còn được tôn trọng nên chúng tôi chấp nhận có vay thì khắc có trả lãi", ông Long nhấn mạnh.

Luật sư Long cũng đồng tình với quan điểm của VKS là Phương Trang phải trả số nợ cùng lãi suất phát sinh. Nhưng thời gian tính lãi đến thời điểm khởi tố vụ án là không phù hợp, bởi trước đó Phương Trang đã tố cáo những gian dối của Ngân hàng Đại Tín.

"Sau khi tố giác, các sai phạm đó chấm dứt và chuyển sang giai đoạn các cơ quan pháp luật vào cuộc giải quyết. Như vậy, việc tính lãi cho khoản nợ trên trong cả thời gian sau tố cáo là không phù hợp", ông Long nêu quan điểm.

Đề nghị không xem file ghi âm là bằng chứng

Liên quan đến đoạn ghi âm do luật sư của bà Phấn cung cấp tại tòa, được cho là có nội dung thể hiện ông Nguyễn Văn Luận (Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Trang) đề cập đến khoản nợ Đại Tín hơn 9.000 tỷ đồng, các luật sư bảo vệ cho Phương Trang cũng đồng tình với quan điểm của cơ quan công tố "không thừa nhận đây là chứng cứ". Bởi chứng cứ có giá trị pháp lý phải được cơ quan tố tụng tiến hành thu thập theo đúng trình tự thủ tục, phù hợp với quy định của pháp luật. Trong khi đoạn băng ghi âm này không rõ nguồn gốc.

Trước đó, trong phần bào chữa, các luật sư của bà Phấn nêu ra nhiều điểm cho thấy quá trình điều tra, xét xử vụ án có nhiều vi phạm tố tụng, yêu cầu giám định đoạn băng ghi âm để xác định sự thật khách quan.

Các luật sư này cũng cho rằng, bản chất của vụ án là có quan hệ vay mượn giữa Nhóm Phương Trang với Nhóm Phú Mỹ và Ngân hàng Đại Tín. Số tiền dư nợ gốc nhóm Phương Trang còn nợ là hơn 9.000 tỷ đồng đúng như hồ sơ chứng từ ngân hàng đã giải ngân.

Phiên tòa dự kiến kết thúc vào ngày 31/5.

Tác giả: Hải Duyên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok