1 tháng 4 trận lũ, 1 cơn bão
Chiều ngày 4/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại thị trấn Tuy Phước, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước); phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) và công tác ứng phó với mưa lũ tại 2 địa phương nói trên. Như vậy, từ đầu tháng 11 đến nay, người dân Bình Định hứng chịu 4 đợt lũ, 1 cơn bão.
Theo ghi nhận, nhiều đoạn đường trên các tuyến tỉnh lộ: ĐT640, ĐT636 từ thị trấn Tuy Phước đến các xã Phước Thắng, Phước Hòa bị ngập từ 0,4 - 1m. Để qua lại các đoạn đường này, người dân phải di chuyển bằng xe tải, máy cày và di chuyển bằng ghe.
Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Nước mưa cộng với nước từ đầu nguồn và nước thủy triều dâng cao làm cho các xã khu Đông của huyện bị ngập sâu; đê sông Gò Chàm thuộc địa bàn xã Phước Hưng vị vỡ đứt nhiều đoạn.
Theo ông Thuận, hiện trên 11.144 hộ dân ở các xã Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng bị ngập và cô lập. Nước lũ qua tràn đê sông Tri Thiện thuộc hạ lưu đập Thạnh Hòa thuộc địa bàn xã Phước Quang gây sạt lở mặt đê với chiều dài 30m. UBND huyện đã hỗ trợ kịp thời cho địa phương 1.000 bao cát tiến hành đắp, hàn khẩu tạm để hạn chế gây vỡ lở.
Nước lũ cũng đã tràn qua và làm vỡ lở 10 m đê sông Cây Me, xã Phước Hòa chiều dài 10m và 9m đê sông Trường Giang, xã Phước Sơn. Hiện mưa lũ còn lớn, nên công tác ứng phó với mưa lũ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, ngay tại TP Quy Nhơn, có trên 7.000 hộ dân ở các phường Bùi Thị Xuân, Nhơn Bình, Nhơn Phú bị ngập nước. Tuyến đường huyết mạnh Hùng Vương đoạn trên Cầu Đôi đi các huyện và về cảng Quy Nhơn bị ngập sâu. Người dân phải thuê xe ba gác hoặc xe tải nhẹ vận chuyển qua khu vực bị ngập nước, mọi hoạt động kinh doanh buôn bán đã bị ngưng trệ.
Con số thiệt hại sơ bộ, có 26.897 hộ bị ngập nước, 4 nhà bị sập, hư hỏng; 710 ha lúa Đông Xuân mới sạ, 140 ha hoa màu bị ngập; 724m đê sông, 1,3km kênh nội đồng bị sạt lở; 5 cầu bị sạt lở, hư hỏng, nhiều tuyến đường bị ngập nước chia cắt cục bộ.
Các hồ chứa “no nước”, dân vùng hạ lưu còn lo?
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định, do mưa lớn làm cho lượng nước các hồ chứa tăng nhanh. Hiện 165 hồ chứa trong tỉnh đã tích 495,78/578 triệu m3, đạt 86 % tổng dung tích thiết kế, bằng 150% so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo ông Hổ, mực nước lũ sông Côn dao động ở mức từ báo động 2 đến trên báo 3, mực nước lũ sông Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang thấp hơn nhưng vẫn còn ở mức cao, nên các xã khu Đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ…
“Để bảo vệ công trình, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi đã điều tiết nước tại các hồ chứa nước lớn, trong đó điều tiết hồ Định Bình với lưu lượng 771 m3 nước/giây, hồ núi Một 140 m3/giây”, ông Hổ cho hay.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN tổ chức di dời các hộ dân bị lũ uy hiếp đến nơi an toàn. Đồng thời, triển khai nhanh các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân vùng bị ngập lũ. Huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển lương thực, nước uống cho các hộ dân bị ngập sâu trong lũ. Tiến hành gia cố tạm các đoạn đê sông bị sạt lở, không để lở vỡ thêm. Bố trí lực lượng 24/24 giờ tại các điểm xung yếu, không để người dân qua lại trên các đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết.
Di chuyển người già ra khỏi các vùng ngập lụt (ảnh Văn Tiến)
Về việc vận hành các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, ông Dũng cũng yêu cầu: Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định và các địa phương vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Tác giả: Doãn Công
Nguồn tin: Báo Dân trí