Giáo dục

Lớp luyện thi miễn phí của người thầy đặc biệt

Trước đây từng là người dính sâu vào ma túy, cuộc đời và những mơ ước tưởng chừng như sẽ chấm hết bởi ma lực của ma túy... Thế nhưng, bằng nghị lực, lòng quyết tâm và ý chí mạnh mẽ, anh Nguyễn Văn Sỹ (SN 1988), ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã đoạn tuyệt với ma túy và làm những việc có ích cho gia đình và cộng đồng.


Tự xích mình để cắt cơn nghiện

Nguyễn Văn Sỹ bắt đầu dính đến ma túy từ cuối năm 2009 khi đang theo học ngành Xây dựng tại trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Lần đó, do chưa biết tác hại của ma túy nên anh cùng một số bạn đã thử dùng trong một lần uống rượu say và từ đó, cuộc sống của Nguyễn Văn Sỹ hoàn toàn lệ thuộc vào nó.

5 năm, mọi thứ tồi tệ đổ dồn về phía người thanh niên này, việc học hành dang dở, bạn bè xa lánh và gia đình gần như suy sụp từ kinh tế đến tinh thần. Thời điểm bố anh mất cũng chính là lúc anh lún sâu vào ma túy, gánh nặng đè lên đôi vai của mẹ và mấy anh chị em của Sỹ.

Biết vậy nhưng Sỹ không thể nào dứt được, bởi ma túy làm cái đầu, suy nghĩ của anh trở nên u mê và mọi mơ ước tuổi trẻ tan biến khi suốt ngày chỉ nghĩ cách để có ma túy. Để thỏa mãn cơn nghiện, Sỹ liều lĩnh và bất cần, từ trộm cắp những tài sản có giá trị trong gia đình đến ngoài xã hội, bán lẻ ma túy và thậm chí còn nhiều lần về nhà uy hiếp người thân trong gia đình để có được tiền chơi ma túy. Thời điểm ấy, Sỹ sống không còn đúng nghĩa làm người, sống vật vờ nay đây mai đó, sức khỏe ngày càng tiều tụy, ngại tiếp xúc với mọi người vì sợ bị dè bỉu.

Ma túy có thể cai được nếu có quyết tâm, khi cai được thì chắc chắn ta sẽ làm được điều gì đó có ích

Sau 9 lần đến các cơ sở cai nghiện tư nhân, Nguyễn Văn Sỹ mỗi lần trở về địa phương là tái nghiện. Tưởng rằng cuộc đời sẽ chẳng còn gì ý nghĩa, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra khi có một sự đồng cảm, quan tâm chia sẻ của những người mà chính Sỹ lâu nay vẫn trốn tránh, e ngại gặp mặt và thậm chí truy bắt những người như Sỹ.

Sự gần gũi, quan tâm và giúp đỡ hàng ngày của những cán bộ chiến sỹ Đồn Công an Lệ Ninh và lãnh đạo Công an huyện Lệ Thủy đã góp phần khơi dậy tính thiện và hồi sinh một nghị lực trong anh.

Khi quyết tâm tự cai nghiện tại nhà, Sỹ đã tự nhốt mình rồi xích chân lại hơn một tháng trời để cắt cơn. Để giúp Sỹ, Công an Đồn Lệ Ninh đã hàng ngày có mặt bên Sỹ, những lời tâm sự, sẻ chia chân thành như những người bạn, người thân đã kéo dần khoảng cách giữa Sỹ với mọi người. Đặc biệt, sự đồng cảm và giúp đỡ của Trung úy Lê Quang Vũ đã góp phần giúp Sỹ hoàn lương.

Điều hạnh phúc của anh Nguyễn Văn Sỹ là mong muốn mang được kiến thức của mình cho những em học sinh nghèo, hiếu học

Đến lớp luyện thi đại học miễn phí

Trên con đường hướng thiện và mong muốn làm điều có ích cho xã hội, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Nguyễn Văn Sỹ đã mở lớp dạy học tại nhà. Với kiến thức và niềm đam mê dạy học, đặc biệt hơn là niềm hạnh phúc khi được cầm viên phấn trắng dạy những cô cậu học trò thân thương, Sỹ như được tiếp thêm nghị lực, quyết tâm để góp phần chắp cánh cho những ước mơ của các em.

Nguyễn Văn Sỹ tâm sự: “Khi mở lớp dạy học, mong muốn của tôi là để mọi người nhìn nhận, cảm nhận được quyết tâm của người lầm lỡ, người từng nghiện ma túy. Tôi cũng muốn khẳng định với các bạn cùng cảnh ngộ rằng ma túy có thể cai được nếu có quyết tâm, khi cai được thì chắc chắn ta sẽ làm được điều gì đó có ích”.

Những lớp học giúp các em học sinh ôn thi đại học và bồi dưỡng kiến thức bậc THPT với các môn Toán, Vật lý, Hóa của Nguyễn Văn Sỹ thu hút rất đông các em học sinh ở địa bàn các xã Hoa Thủy, Sơn Thủy và thị trấn nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy. Đến nay, lớp học của Sỹ đã có hơn 170 em học sinh. Với các em học sinh thì thầy Sỹ không chỉ có một nghị lực đặc biệt mà thực sự đã mang đến những kiến thức, phương pháp học hiệu quả.

Em Võ Thị Hồng Nhung (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) chia sẻ: “Thầy Sỹ đã giúp chúng em mở mang thêm những kiến thức cần thiết trong học tập cũng như cách tiếp cận với cuộc sống, nhất là đối với những học sinh như chúng em rất dễ bị cám dỗ bởi đối tượng xấu ngoài xã hội. Đến với thầy và làm học sinh tại lớp học này, mọi người sẽ hiểu hơn về thầy Sỹ”.

Lệ Thủy vốn là địa phương nghèo, nhiều gia đình vì hoàn cảnh khó khăn nên các em học sinh tại đây ít có cơ hội được nâng cao kiến thức hay cơ hội thực hiện ước mơ của bản thân. Nhận thấy điều này, với sự giúp đỡ của Công an huyện Lệ Thủy và lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Lệ Thủy, anh Nguyễn Văn Sỹ đã mở lớp ôn thi đại học miễn phí, ngay trong buổi đầu khai giảng lớp học đã có 60 em học sinh tham gia.

Buổi lễ khai giảng đặc biệt này được tổ chức tại trường Tiểu học xã Hoa Thủy, địa điểm mà lãnh đạo địa phương tạo điều kiện cho Sỹ dạy học. Anh Nguyễn Văn Sỹ tâm sự: “Tôi mong muốn giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn mình vươn lên học tốt. Truyền cho các em kiến thức đồng nghĩa là tiếp thêm sức mạnh để các em vững bước tiến lên thực hiện những ước mơ của mình”.

Câu chuyện về thầy Sỹ có nghị lực và nghĩa cử đẹp đã được chính Thượng tá Trương Minh Vũ - Trưởng Công an huyện Lệ Thủy ghi nhận, sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ. Sự gần gũi của một người lãnh đạo, một sỹ quan công an với một người như Sỹ cũng đã phần nào nói lên được sự quan tâm của chính quyền đối với những người biết trở về với con đường hoàn lương.

Niềm vui, hạnh phúc của gia đình nhỏ của Nguyễn Văn Sỹ đang dần trở lại. Điều mà bà Nguyễn Thị Thủy tưởng rằng không thể lấy lại được đã đến như một giấc mơ. “Là một người mẹ, điều đó với tôi không có gì vui hơn nữa, cứ như sinh con ra được lần thứ hai”, bà Thủy nghẹn ngào kể.

Một trang mới đã mở ra trong cuộc đời Nguyễn Văn Sỹ, ước mơ của anh cũng đã dần trở thành hiện thực. Câu chuyện về con đường hoàn lương của Nguyễn Văn Sỹ minh chứng một điều, nếu có lòng quyết tâm và nghị lực bản thân thì không gì là không thể. Xã hội, cộng đồng luôn sẵn sàng đón nhận, giúp đỡ và tiếp bước cho những con người lầm lỡ vẫn muốn đóng góp xây dựng cuộc đời.

Tác giả bài viết: Trần Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok