Vietcombank vừa công bố kết quả 6 tháng đầu năm 2016 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ, đạt 52% kế hoạch năm. Đại diện Vietcombank cho hay, tính đến 30/6, huy động vốn của ngân hàng đạt 535.203 tỷ đồng, tăng 6,72% so với 2015, đạt 102,23% kế hoạch 6 tháng và đạt 92,93% kế hoạch cả năm.
Trước đó, BIDV cũng chủ động công bố con số lợi nhuận sớm trong bối cảnh Bộ Tài chính đòi trả cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng này ước đạt 3.600 tỷ đồng (trước thuế), tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản lên tới khoảng 888 nghìn tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 836 nghìn tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng đạt gần 657 nghìn tỷ đồng…
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận là TPBank. Lãnh đạo TPBank cho hay, kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 của ngân hàng khá tốt, các chỉ tiêu chính đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt tín dụng tăng trưởng 18% kể từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn hệ thống.
“Hiệu quả hoạt động của ngân hàng khả quan, dù ngân hàng luôn duy trì chính sách giá cạnh tranh và có nhiều chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay, hưởng ứng chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lợi nhuận lũy kế 6 tháng của ngân hàng đạt 205 tỷ đồng sau khi đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro”, đại diện TPBank cho hay.
Dữ liệu từ một số ngân hàng vừa công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao là yếu tố đầu tiên tạo nên con số lợi nhuận khả quan.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao là yếu tố đầu tiên tạo nên con số lợi nhuận khả quan của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm. So với mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống nửa đầu năm nay (khoảng 7,2%), cả BIDV, Vietcombank và TPBank đều có tốc độ cao hơn hẳn. BIDV dự kiến có thể đạt 9%, Vietcombank đạt 10,76% (cao nhất trong 4 năm qua) và đặc biệt, TPBank tăng tới 18%.
Bình luận về kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Vietcombank, Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) cho rằng, cho vay đến cuối tháng 6 chủ yếu vào phân khúc cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này giúp cho tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) tăng 0,1%, từ 2,65% trong 6 tháng đầu năm 2015 lên 2,75% nhờ tỷ lệ LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) thuần tăng.
“Bên cạnh đó, tăng trưởng cho vay vượt tăng trưởng huy động cộng với sự chú trọng của Vietcombank vào các phân khúc cho vay lãi suất cao chẳng hạn như cho vay cá nhân. Đồng thời Vietcombank có thế mạnh mạng lưới nên có thể tập trung cho vay các mảng cho vay có lãi suất cao chẳng hạn như cho vay tiêu dùng. Điều này là nhờ hệ số LDR ở mức hợp lý trong khi tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn cũng ở mức thấp”, HSC phân tích.
Được biết, năm 2016, Vietcombank dự kiến đạt tổng tài sản 765.438 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2015. Dư nợ cho vay tăng 17%, tiền gửi của khách hàng tăng 15%. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 10% so với mức lợi nhuận đạt được năm 2015.
Theo dự báo của HSC, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank sẽ đạt khoảng 21%. “Với hệ số LDR thấp đồng thời CAR được cải thiện sau phát hành riêng lẻ, theo đó Vietcombank có thể đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng hơn nữa”, HSC dự báo.
Hay như với BIDV, một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng trưởng tốt so với cùng kỳ là tín dụng phục hồi khá mạnh: tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước và 6% so với đầu năm. Ước tính đến hết tháng 6/2016, tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 8-9% so với đầu năm 2016 và khả năng cả năm sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 18%.
Dẫu vậy, cũng theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, ít nhất đến hết năm 2018, mặt bằng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ khó có đột biến, bởi trong khoảng 3 năm tới, ngân hàng vẫn phải tập trung xử lý nợ xấu.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho hay, những tháng đầu năm 2016, chỉ tính riêng các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán thì tổng chi phí trích lập dự phòng rủi ro đã chiếm khoảng 40% lợi nhuận của ngân hàng.
Top 10 ngân hàng thương mại uy tín Việt Nam 2016
Theo Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2016, ngoài hiện diện của 3 ngân hàng có vốn nhà nước chiếm trên 50% như Vietinbank, BIDV, Vietcombank. So với năm 2015, bảng xếp hạng có thêm các gương mặt mới như: TPBank, MBBank, SHB và SCB.
Báo cáo của Vietnam Report cho biết những ngân hàng có mặt trong các danh sách này được xếp hạng trên các tiêu chí: năng lực tài chính, uy tín truyền thông và kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm và dịch vụ trong năm 2015 - 2016. Đặc biệt năm nay, survey điều tra ngân hàng về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2016… được xem như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của ngân hàng trong ngành.
Theo khảo sát người tiêu dùng do Vietnam Report thực hiện, 3 yếu tố quan trọng nhất khi khách hàng lựa chọn sản phẩm/ dịch vụ của ngân hàng gồm: thương hiệu mạnh và uy tín; mạng lưới giao dịch thuận tiện, quy mô lớn, thời gian phục vụ nhanh chóng, thủ tục đơn giản.
Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2016 của Vietnam Report, ghi nhận sự hiện diện của 3 ngân hàng có vốn nhà nước chiếm trên 50% bao gồm: Vietinbank, Vietcombank và BIDV, 7 ngân hàng còn lại đều là các ngân hàng cổ phần. Có thể thấy, ngoài nền tảng vốn lớn và kinh nghiệm lâu năm, sự đầu tư chiều sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện dịch vụ khách hàng và các tiện ích Internet banking… là những yếu tố cần thiết tạo nên tên tuổi của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng trẻ.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hiền