Quá nhiều lồng cá khiến vịnh Nghi Sơn bị ô nhiễm nghiêm trọng. |
Gần 30 năm qua, nghề nuôi cá lồng trên vịnh Nghi Sơn giúp cho đời sống người dân xã đảo Nghi Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) khá no đủ, nhiều gia đình vươn lên mức giàu có. Tuy nhiên, do tính tự phát và thiếu khoa học trong nuôi thả, các lồng bè cá theo thời gian đã tăng vượt mức quy định cả trăm lần. Điều này khiến vịnh bị ô nhiễm, dẫn tới hệ lụy là sản lượng cá hàng năm của bà con bị sụt giảm nghiêm trọng.
Chông chênh như nuôi cá lồng
Buổi chiều, ông Lê Khắc Quang, thôn Bắc Sơn, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cùng anh con trai đầu chuẩn bị mọi dụng cụ, thuốc men để tắm ghẻ (các loại nấm bệnh ngoài da trên cá nuôi) cho 21 ô lồng cá mú của gia đình đang chuẩn bị vào kỳ thu hoạch. Cá bị bệnh ở thời điểm này cũng đồng nghĩa với việc đặt gia đình ông vào tình cảnh nơm nớp lo sợ. Nếu không cẩn thận, rất có thể 21 lồng cá của ông Quang sẽ bị mất trắng và các khoản nợ từ ngân hàng theo đó sẽ dày thêm lên.
“Lo lắm chú ạ! Nếu thuốc không hiệu quả, người nuôi cá như chúng tôi bị trắng tay là điều khó tránh khỏi!”- ông Quang không giấu được vẻ bồn chồn của mình. Nắng chiều hắt từ vịnh lên mặt cha con ông một màu vàng khét. Dưới lồng, hàng trăm con cá mú lờ đờ quẫy đạp làm tung lên trong làn nước nhờ nhờ những váng bẩn, rêu rác…
Tắm xong cho 2 lồng cá, ông Quang rời tay vợt, ngồi thừ người trên mép bè, mặc cho mớ tóc đã ngả màu hoa râm lòa xòa, bết vào khuôn mặt xạm đen, chằng chịt những nếp nhăn. Bằng chất giọng nằng nặng của người miền biển, ông kể cho tôi nghe về một thời cực thịnh của nghề nuôi cá lồng trên vịnh Nghi Sơn - cái thời đã vào quá vãng, với ông, giờ chỉ còn là hoài niệm.
Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, người dân quê ông đã bắt đầu manh nha nghề nuôi cá lồng trong vịnh. Lúc đầu, chỉ có độ non dăm hộ vừa làm nghề biển vừa nuôi thả. Ngày ấy, vịnh còn xanh ngắt một màu nước tinh khiết. Cá được nuôi trong vịnh con nào con nấy béo tròn, thịt trắng như thịt gà. Nấu con cá lên, mùi thơm bay khắp làng… Chính vì những ưu thế trên mà cá của người dân nuôi ra đến đâu đều được thương lái từ các nhà hàng trên phố về mua hết đến đấy.
Từ nghề nuôi cá lồng bè, nhiều hộ dân đã có thể bỏ hẳn nghề đi biển để chí thú vào việc chăm bẵm cho đàn cá nuôi. Trong làng, ngoài thôn, những căn nhà tầng, nhà mái bằng khang trang thay cho những mái rạ bạc phếch, đua nhau mọc lên. Thấy nghề nuôi cá hiệu quả, năm 2007, ông Quang bàn với vợ thuê người đóng 12 ô lồng để bắt tay vào “cuộc đổi đời”.
Nhờ có 12 lồng cá này, gia đình ông Quang đã không còn lo cảnh ăn đong mỗi mùa biển động. Cũng nhờ đàn cá, ông đã cất được một căn nhà mái bằng khá tươm tất. Các con lớn đều được dựng vợ, gả chồng bằng những đám cưới linh đình… “Đấy là câu chuyện của hơn 10 năm về trước thôi, còn bây giờ khác rồi! Nước thải sinh hoạt của hơn 9.000 con người, nước thải từ 6 nhà hàng, khách sạn và một số nhà máy xả thẳng xuống vịnh, cộng với số lồng bè tăng vọt lên hàng trăm lần khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều hộ đang rục rịch có thể phải bỏ bè cá. Nghề nuôi cá lồng ở đây đang đứng trước những thách thức cần được các ngành chức năng vào cuộc hỗ trợ ngư dân!”- ông Quang thở dài.
Là người khá am tường về nghề nuôi cá lồng cũng như thực trạng đàn cá nuôi trên vịnh Nghi Sơn, anh Nguyễn Văn Thành- cán bộ văn phòng xã đảo Nghi Sơn cũng góp vào chuyện, anh cho biết: Nếu như năm 2001, số lồng cá trên vịnh có chưa đầy 100 cái của 7 hộ nuôi thì 5 năm sau, con số này đã tăng lên đến 1.403 lồng của 96 hộ nuôi và đến năm 2016 tăng nhanh đến 1.615 lồng của 93 hộ nuôi. Trong giai đoạn từ năm 2013-2016, số hộ nuôi không tăng và số ô lồng trong các hộ đã có xu hướng giảm bởi người nuôi cá lồng bắt đầu cảm nhận được các mối rủi ro lớn, tiềm ẩn từ môi trường biển bị ô nhiễm.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, xã đảo Nghi Sơn chỉ nuôi tối đa 250 lồng theo kiểu truyền thống. Điều này chứng tỏ, tình trạng hộ nuôi cá lồng ở đây đang ở dạng tự phát, sản xuất theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, phát triển không theo quy hoạch. Chính những điều trên đã làm cho năng suất bình quân từ những năm 2006 đến nay liên tục giảm. Đặc biệt là trong các năm từ 2009-2011, năng suất giảm mạnh do dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
“Hiện tại toàn xã có đến 64 hộ sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng nhưng do gặp nhiểu rủi ro, đến nay không gia đình nào không có nợ đọng tại các ngân hàng. Hộ nợ nhiều thì lên đến ngót tỷ bạc, ít cũng vài trăm triệu đồng. Tính đến đầu quý 3 năm 2018, người nuôi cá trên vịnh Nghi Sơn đã nợ ngân hàng lên đến khoảng 70 tỷ đồng!”- anh Thành tâm tư.
Quy hoạch để phát triển bền vững
Cùng chung tâm trạng như nhiều hộ nuôi cá khác tại đây, ông Nghiêm Xuân Hải, trú tại thôn Nam Sơn cho biết: Để đầu tư cho 30 lồng nuôi cá, ngoài tiền giống, mỗi tháng người nuôi cá như ông phải đầu tư hơn 100 triệu đồng tiền thức ăn, tiền thuốc phòng trừ bệnh, tiền công... Tính đến thời điểm cá thu hoạch, ông phải chi phí hết 1,8 tỷ đồng. Nếu không xảy ra thiên tai, dịch bệnh, người nuôi cá còn được lãi từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Nếu xảy ra rủi ro xem như mất trắng là điều khó tránh khỏi. “Đến thời điểm này, tôi đã vay nợ ngân hàng lên đến trên 600 triệu đồng. Cầu trời từ nay đến cuối năm không có điều gì xảy ra với 30 lồng cá này!”.
Vậy, lối thoát nào cho những bè cá trên vịnh Nghi Sơn?
Đem câu hỏi này đến Phòng Nông nghiệp huyện Tĩnh Gia, tôi được một chuyên viên ở đây giải đáp khá chi tiết: Hiện nay số ô lồng trên vịnh Nghi Sơn đã ở vào tình trạng quá tải. Tất cả cần phải được sắp xếp lại. Trước mắt, bà con cần phải tuân thủ các kỹ thuật nuôi với chế độ thức ăn phù hợp ở liều lượng vừa tránh lãng phí, vừa tránh ô nhiễm nguồn nước nuôi, phòng bệnh định kỳ cho từng đối tượng nuôi..., bố trí các ô lồng và cụm bè nuôi hợp lý để tăng cường khả năng lưu thông nước.
Các cơ quan chức năng ngành cần có kế hoạch quản lý và xử lý chất thải sinh hoạt từ khu dân cư, từ các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá xung quanh vịnh. Tuyên truyền vận động nhân dân ý thức cũng như trách nhiệm cá nhân trong vấn đề môi trường, nâng cao trách nhiệm hộ nuôi cá lồng khi cá của hộ bị dịch như khi phát hiện cá chết do dịch bệnh, cần vớt cá chết ra khỏi lồng bè và xử lý cẩn thận; tránh vứt cá chết ra khu vực nuôi, ao, hồ để tránh lây lan dịch bệnh ra môi trường bên ngoài.
“Thực ra, điều mà tôi và nhiều hộ nuôi cá khác đều mong muốn hiện nay là làm sao có thể duy trì được nghề nuôi cá trên vịnh. Theo tôi, để nghề nuôi cá lồng tại đây phát triển theo hướng bền vững, nhà nước cần tiếp tục quy hoạch lại số lượng lồng bè; xây dựng và hoàn thiện chính sách phòng ngừa rủi ro (thiên tai, dịch bệnh) cho vùng sản xuất cá lồng, có như vậy mới giảm nhẹ được thất thu cho người nuôi cá, tạo niềm tin và động lực giúp chúng tôi “đứng dậy và đi tiếp” sau những vụ mất mùa!” - ông Lê Khắc Quang bày tỏ.
Tác giả: Nguyễn Chung
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết