Thế giới

Lợi ích Kim Jong-un có thể đạt được khi gặp Putin

Kim Jong-un có thể cho Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc thấy rằng họ còn một người bạn khác để dựa vào khi đối mặt áp lực trừng phạt.

Tổng thống Nga Putin (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Kremlin/KCNA.

Tổng thống Nga Putin (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Kremlin/KCNA.

Điện Kremlin ngày 18/4 thông báo lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm Nga vào cuối tháng 4 nhưng chưa tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể. Trước đó, truyền thông Nga và Hàn Quốc đưa tin rằng hai người có thể gặp nhau vào tuần tới tại Vladivostok, vùng Viễn Đông của Nga.

Đối với ông Kim, hội nghị thượng đỉnh với Putin sẽ là bước để tiếp tục hòa nhập quốc tế sau nhiều năm khép kín. Đây cũng là cơ hội để ông Kim gửi tín hiệu cho cả Washington và Bắc Kinh rằng ông còn có các lựa chọn khác.

Đối với Putin, hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều sẽ cho thế giới thấy rằng ông đã đưa Nga trở lại là cường quốc ngoại giao toàn cầu.

Andrei Lankov, chuyên gia Nga về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, cho biết Nga luôn muốn trở thành người chơi quan trọng trong khu vực nhưng họ thiếu ảnh hưởng ở cả Washington lẫn Bình Nhưỡng để thực sự đưa mình vào tiến trình ngoại giao giải quyết khủng hoảng Triều Tiên.

"Moskva có thể có tiếng nói với Bình Nhưỡng, nhưng chỉ khi họ chịu chi", Lankov nói.

Tuy nhiên, ông Putin khó có thể cung cấp cho ông Kim gói viện trợ lớn, vì Nga có nhiều ưu tiên cấp bách hơn ở Trung Á và Đông Âu. Đó có thể là lý do dù đã có nhiều đồn đoán từ năm ngoái, hội nghị thượng đỉnh vẫn chưa xảy ra. Ông Kim đã trì hoãn việc gặp ông Putin vì cho rằng Nga không thể cho họ lợi ích lớn.

Giờ đây, tính toán của Bình Nhưỡng đã thay đổi sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thứ hai kết thúc mà không có kết quả. Tuần trước, ông Kim cho Mỹ thời hạn đến cuối năm để thay đổi lập trường. Trong thời gian đó, ông tìm đến Trung Quốc và Nga để được hỗ trợ ngoại giao và giảm nhẹ tác động của lệnh trừng phạt.

Lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể thất vọng vì Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã không thuyết phục được Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên khi ông gặp Trump tại Washington vào tuần trước.

"Kim Jong-un có thể muốn cho ông Trump và ông Moon thấy Nga - Triều đang củng cố quan hệ", Lee Jai-chun, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Nga, nói.

Ông Kim cũng có thể đang gửi tín hiệu cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông còn có những người bạn khác. Quan hệ với Trung - Triều cải thiện đáng kể trong năm qua, nhưng giới chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều ngờ vực giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.

"Kim Jong-un không muốn đặt tất cả trứng vào giỏ của Trung Quốc vì Triều Tiên phải phụ thuộc lớn về mặt kinh tế vào Trung Quốc", David Kim, nhà phân tích tại Trung tâm Stimson ở Washington, nói. "Càng ở dưới cái bóng của Trung Quốc thì họ càng muốn thoát khỏi nó".

Hội nghị thượng đỉnh với Nga sẽ giúp Triều Tiên có được sự ủng hộ từ một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Moskva có thể phủ quyết bất cứ đề xuất nào của Washington về việc áp đặt lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.

Giống như Bắc Kinh, Moskva không muốn thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng nhưng họ cũng không muốn Bình Nhưỡng là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đó là lý do Moskva cùng Bắc Kinh đã bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào đỉnh điểm căng thẳng năm 2017.

Một số công ty Nga sau đó bị cáo buộc lách các lệnh trừng phạt, chuyển dầu qua tàu cho Triều Tiên. Moskva nhiều lần kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng khi căng thẳng hạ nhiệt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không có khả năng Nga sẽ công khai phớt lờ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Đã có những thảo luận về việc Nga đầu tư vào các dự án đường sắt và đường ống khí đốt nối cả hai miền bán đảo Triều Tiên với Nga. Nhưng ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, doanh nghiệp Nga cũng khó có thể sẵn sàng đánh cược hàng tỷ USD vào các dự án mang rủi ro địa chính trị.

Các quan chức Mỹ cho biết Nga năm ngoái cố gắng đưa mình vào các cuộc đàm phán hạt nhân bằng cách đưa ra lời đề nghị bí mật với Triều Tiên là sẽ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cho họ nếu họ tháo dỡ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tháng trước, Bộ trưởng phát triển vùng Viễn Đông Nga Alexander Kozlov nói rằng Moskva đang tìm kiếm những cách thức mới để thúc đẩy thương mại với Bình Nhưỡng mà không vi phạm lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá tiềm năng thương mại giữa hai nước hạn chế vì Nga không quan tâm đến tài nguyên khoáng sản hay hải sản của Triều Tiên. Hàng chục nghìn lao động Triều Tiên đang làm việc ở Nga, cung cấp nguồn ngoại hối quan trọng cho Bình Nhưỡng. Theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, họ sẽ phải về nước vào cuối năm nay.

Tóm lại, cuộc gặp giữa Putin với Kim có thể nặng về tính biểu tượng và những ngôn từ có cánh, nhưng nhẹ về kết quả thực chất.

"Đó sẽ là một sự kiện thú vị nhưng không đưa ra được các chính sách lớn", Lankov nói. "Chính sách lớn chỉ được quyết ở Bình Nhưỡng và Washington. Ngay cả Bắc Kinh về cơ bản cũng nằm ngoài lề".

Tác giả: Phương Vũ

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok