Sau khi U23 Việt Nam chính thức lọt vào vòng bán kết gặp U23 Hàn Quốc, nhiều cổ động viên đã tập trung xuống đường để ăn mừng U23 Việt Nam giành chiến thắng. Tuy nhiên, có không ít đối tượng đã lợi dụng cơ hội này để tổ chức đua xe trái phép và cổ vũ đua xe.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý liên quan đến hành vi lợi dụng cổ động bóng đá để để đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, luật gia Ánh Dương (Hà Nội) phân tích: “Trước hết, phải khẳng định việc lợi dụng cổ động bóng đá để để đua xe, cổ vũ đua xe trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định, người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ thì bị xử phạt hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong khoảng thời gian nhất định và tịch thu phương tiện. Ngoài ra, người tham gia đua xe, tổ chức đua xe hay reo hò cổ vũ đua xe trái phép có thể bị xử lý hình sự”.
Theo vị luật gia này, việc tổ chức đua xe và đua xe trái phép nằm trong nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng. Khách thể của loại tội phạm này là xâm phạm đến sự ổn định, gây nguy hiểm đối với mọi người xung quanh hoặc an toàn xã hội đối với mọi người. Ngoài ra, tội này còn gián tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác ở những nơi công cộng thông qua việc xâm phạm đến an toàn công cộng.
Đua xe, cổ vũ đua xe trái phép có thể bị phạt tù (Ảnh minh họa, nguồn internet). |
Luật gia Ánh Dương cho biết: “Hành vi đua xe trái phép, tổ chức đua xe trái phép nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản, tính mạng của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, cũng như đã bị kết án về tội này và chưa được xóa án tích mà vẫn vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.
Điều 266, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội Đua xe trái phép nêu rõ: Nếu làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Như vậy, mức hình phạt cao nhất của tội Đua xe trái phép là 20 năm tù”.
Ngoài ra, theo luật gia Ánh Dương, người tổ chức, cầm đầu, chỉ huy cuộc đua xe trái phép, có thể tham gia hoặc không trực tiếp tham gia cuộc đua xe trái phép cũng vẫn bị xử lý. Mức hình phạt cao nhất của tội Tổ chức đua xe trái phép là tù chung thân.
Như vậy, việc xử lý người tham gia đua xe, tổ chức đua xe, cổ vũ đua xe trái phép được pháp luật quy định rất chặt chẽ, nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn hành vi này ảnh hưởng nguy hiểm đến xã hội.
Những người cổ vũ bóng đá nói riêng hoặc các môn thể thao nói chung nên cổ vũ có văn hóa, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Không nên lợi dụng cổ động thể thao để đua xe, cổ vũ đua xe trái phép.
Tác giả: Nguyễn Hường
Nguồn tin: Báo Người đưa tin