Vài ngày gần đây, Công an tỉnh Thanh Hóa liên tiếp bắt quả tang các cán bộ công chức có hành vi tổ chức đánh bạc theo hình thức đánh phỏm ăn tiền, số tiền thu được tại chỗ của 2 vụ việc là gần 150 triệu đồng.
Ảnh minh họa |
Hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc bị xử lý thế nào? Nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, người giữ chức vụ cao trong cơ quan nhà nước, trong tổ chức chính quyền.... thì họ có bị kỷ luật, cách chức không?
Trao đổi với PV về những nội dung này, luật sư Lê Thu Hằng (Công ty Luật TAT Lawfirm) cho biết: “Căn cứ các quy định pháp luật, trường hợp đánh bạc bị công an bắt, tịch thu tổng số tiền là 92 triệu đồng và nếu chưa có tiền án tiền sự gì thì sẽ bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng. Ngoài ra, sẽ phải cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Nếu trường hợp cơ quan điều tra có kết luận nhóm đánh bạc không phải lần đầu mà đã tổ chức nhiều lần đánh bạc (5 lần trở lên) thì có thể bị phạt tù từ 3 - 7 năm”.
Luật sư nói thêm, theo những thông tin mà báo chí đã đăng tải, người đánh bạc là Phó chủ tịch UBND huyện và Trưởng phòng Quản lý công chức, viên chức (Sở Nội vụ Thanh Hóa), Trưởng phòng tài chính huyện Hậu Lộc. Đây là những người có chức vụ lãnh đạo các bộ phận trong cơ quan quản lý Nhà nước, vì vậy, có thể áp dụng hình thức xử lý theo Điều 13 Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ về kỷ luật công chức.
Luật sư Lê Thu Hằng trao đổi với phóng viên về các vụ việc. |
Ngoài ra, cán bộ công chức có hành vi đánh bạc là Đảng viên sẽ bị xử lý theo điều lệ Đảng; còn nếu hành vi vi phạm này mà đủ điều kiện để khởi tố và bị xử lý phạt tù thì cũng sẽ bị cách chức.
Luật sư Lê Thu Hằng khẳng định: “Hành vi đánh bạc là tệ nạn xã hội, là một trong những điều đảng viên không được làm. Ngoài ra, Đảng viên giữ cương vị lãnh đạo còn phải thực hiện tinh thần nêu gương, gương mẫu trong đạo đức, lối sống.
Lãnh đạo cùng các cán bộ trong vụ việc này đã vi phạm quy định của tổ chức Đảng, bởi vậy Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Huyện ủy sẽ tiến hành các thủ tục để thực hiện kỷ luật đối với các cán bộ này theo quy định của Điều lệ đảng.
Hành vi đánh bạc trong dân sinh được xác định là một tệ nạn xã hội nhức nhối, đã bị lên án mạnh. Hành vi đánh bạc trong môi trường công sở, đặc biệt chủ thể lại là các lãnh đạo và cán bộ công chức nhà nước, lại càng cần được xử lý nghiêm theo tinh thần của Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ (ban hành ngày 05/09/2016 quy định về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động “Không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức”.
Tuy nhiên, vụ việc xảy ra tại UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cho thấy việc đánh bạc diễn ra ngay tại công sở là biểu hiện hành vi coi thường pháp luật của những người tham gia đánh bạc.
Đối với các vụ việc này, cơ quan điều tra cần xác minh và làm rõ hành vi của từng đối tượng; làm rõ số tiền đánh bạc và nhân thân của từng đối tượng; số lần vi phạm để có hình thức xử lý thích đáng. Nếu các hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội đánh bạc thì sẽ bị khởi tố tội đánh bạc theo qui định tại Điều 321 Bộ luật hình sự 2015 như trên đã phân tích.
Do đó, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo niềm tin của nhân dân vào lực lượng cán bộ công chức chính quyền các cấp, cần xử lý nghiêm minh các đối tượng trong vụ việc, đảm bảo sự trong sạch trong bộ máy chính quyền các cấp giai đoạn hiện nay”.
Tác giả: Tân Trường
Nguồn tin: infonet.vietnamnet.vn