Theo Sputnik, thông tin mà truyền thông Iran đưa ra xuất phát từ việc Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã không xuất hiện trước công chúng trong suốt gần một tháng qua.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters. |
Tờ Kayhan dẫn “thông tin tình báo gửi cho một quan chức cao cấp của một quốc gia Arab” cho biết, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã trúng 2 phát đạn trong vụ đảo chính diễn ra ngày 21/4 tại Hoàng cung ở thủ đô Riyadh và nhiều khả năng đã qua đời.
Trong khi đó, PressTV chỉ ra rằng, giới chức Saudi Arabia không hề công bố bất kỳ bức hình mới nào của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman kể từ ngày 21/4 và Thái tử “thậm chí còn không xuất hiện trước ống kính máy quay khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lần đầu đến thăm chính thức Riyadh hồi cuối tháng 4”.
Hãng thông tấn Fars News đưa tin: “Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman là người thường xuyên xuất hiện trước truyền thông nhưng sự vắng mặt tới 27 ngày của ông sau vụ nổ súng ở Riyadh đã làm dấy lên câu hỏi về tình hình sức khỏe của ông”.
Vụ việc ngày 21/4 mà báo chí Iran đề cập liên quan đến nhiều tiếng súng nổ ở Hoàng cung Saudi Arabia khiến truyền thông các nước đưa ra đồn đoán rằng, đã xảy ra đảo chính trong ngày hôm đó.
Trong khi đó, giới chức Saudi Arabia tuyên bố, những tiếng súng nổ này xuất phát từ việc vệ binh Hoàng gia tấn công một máy bay không người lái bay quá gần khu vực Hoàng cung.
Tuy nhiên, truyền thông địa phương lại cho rằng, trong vụ việc nói trên, Quốc vương Salman đã được sơ tán đến một căn cứ quân sự gần đó. Chuyên gia người Saudi Arabia Ali al-Ahmed còn chỉ đích danh căn cứ này mang tên Quốc vương Khaled.
Mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi một tuần sau đó, Thái tử Mohammed bin Salman cùng xuất hiện với Quốc vương Salman tại khu nghỉ dưỡng- giải trí cao cấp Qiddiya- một dự án đầy tham vọng trị giá hàng tỷ USD.
Đến ngày 18/5, Giám đốc Văn phòng riêng của Thái tử Mohammed bin Salman, ông Bader al-Asaker chia sẻ trên twitter bức ảnh chụp nhóm trong đó có Thái tử Mohammed bin Salman, Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, Quốc vương Bahrain bin Isa và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi.
Kèm theo bức ảnh nói trên là dòng chú thích: “Một cuộc gặp thân thiện giữa 2 người anh em do Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tổ chức vài ngày trước đó”. Tuy nhiên, ông Bader al-Asaker không nêu rõ thời điểm cụ thể của bức ảnh này.
Iran và Saudi Arabia là 2 quốc gia có tiếng nói quan trọng trong khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, 2 nước lại ở trong tình trạng đối đầu căng thẳng và đứng về 2 phía đối địch trong các cuộc xung đột tại Yemen và Syria.
Quan hệ giữa Riyadh và Tehran càng trở nên tồi tệ hơn sau việc phiến quân Houthi ở Yemen bị tố cáo phóng tên lửa tấn công Hoàng cung Saudi Arabia. Phía Saudi Arabia cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho phiến quân Houthi thực hiện vụ tấn công này, tuy nhiên giới chức Iran đã bác bỏ cáo buộc trên.
Hồi tháng 1/2016, Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau các vụ tấn công vào các dinh thự ngoại giao của Saudi Arabia ở Tehran và Mashhad. Để trả đũa, Saudi Arabia hành quyết giáo sĩ dòng Shiite Sheikh Nimr al-Nimr cùng 42 người khác bị kết tội khủng bố.
Đến tháng 12/2017, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nêu 2 điều kiện để khôi phục “quan hệ tốt đẹp” giữa 2 nước. Theo đó, Riyadh cần “chấm dứt quan hệ sai trái với Israel cũng như dừng việc dội bom vô nhân đạo xuống Yemen”.
Mới đây nhất, trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 3 với tờ Wall Street Journal, Thái tử Mohammed bin Salman cảnh báo về khả năng xảy ra chiến tranh với Iran trong vòng 10-15 năm tới và kêu gọi cộng đồng quốc tế mạnh tay hơn nữa trong việc trừng phạt Iran để tránh nguy cơ đối đầu quân sự./.
Tác giả: Trần Khánh
Nguồn tin: Báo VOV