Kinh tế

Lo tốn kém, DN Việt lơ là với phát triển bền vững

Nhiều DN tại Việt Nam đến nay vẫn đang băn khoăn, trong khi hiệu quả sản xuất giúp giảm giá thành sản phẩm và dịch vụ thì những đòi hỏi về phát triển bền vững lại thường gây tốn kém hơn.

Bởi, khi chuyển đổi kinh doanh sang phát triển bền vững, đòi hỏi phải đầu tư thêm cùng những thay đổi trong văn hóa và thông lệ kinh doanh... là điều đang khiến nhiều DN không muốn.

Nhưng có bao giờ các DN nghĩ, phát triển bền vững sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế?

Một DN sản xuất bia lớn tại Việt Nam cho biết, từ 2014 khi thực hiện phát triển bền vững, chỉ cần tập trung vào các lĩnh vực như tuyên truyền uống có trách nhiệm, bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu khí thải CO,... thì đã giảm 5,9% mức tiêu thụ nước và 7,1% mức tiêu thụ năng lượng so với năm 2013.

DN muốn cứu rỗi chính mình và xã hội, tất yếuphải tính đến chuyện phát triển bền vững.


Tuy nhiên, theo ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại Unilever, khi theo đuổi yếu tố bền vững, chúng ta sẽ trở nên tốt hơn và hiệu quả hơn trong việc sử dụng các nguồn lực. Điều đó có nghĩa sẽ giúp hạ thấp được các chi phí, cũng như quản lý được rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp DN tăng trưởng bền vững hơn về mặt lâu dài.

Nhìn ra thế giới, phát triển bền vững đã trở thành trọng tâm của các chương trình nghị sự toàn cầu. 193 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc kêu gọi mạnh mẽ khu vực DN áp dụng những giải pháp kinh doanh sáng tạo nhằm góp phần giải quyết các thách thức phát triển bền vững.

Trong bối cảnh câu chuyện phát triển bền vững đang trở nên "nóng" chưa từng có, nhưng ở Việt Nam, chỉ có một số DN lớn đi tiên phong.

Còn lại, với 98% là DN nhỏ và vừa vẫn rất thờ ơ với phát triển bền vững.


Không đủ tiềm lực là một phần, quan trọng hơn là DN Việt còn chưa ý thức hết được việc thế giới đang thay đổi và cần phải chấp nhận thay đổi để không bỏ lỡ cơ hội cạnh tranh. Đây là rào cản vô cùng to lớn đối với DN Việt Nam khi muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, nhất là trong giai đoạn hội nhập và phát triển bền vững đang là điều kiện cơ bản để nâng tầm thương hiệu DN trong mắt người tiêu dùng.

Phát biểu tại tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam 2016, diễn ra ngày 8/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khẳng định: Vấn đề phát triển bền vững tại Việt Nam đang bị thách thức từ tư duy đến thực tiễn hành động. Khái niệm phát triển bền vững trên lý thuyết tốt đẹp, nhưng thực tế, nó nhận được sự tham gia rất ít của cộng đồng.

Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, phát triển bền vững là xu thế tất yếu hiện nay trên toàn cầu, đặc biệt khi việc phát triển dựa vào nguồn tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ đã không còn là lợi thế.

Người ta cũng nói đến hai loại vốn của DN thời hiện đại là: vốn tài chính và vốn xã hội. Sự ghi nhận của cộng đồng và vốn xã hội sẽ là những hành trang ngày càng quan trọng của các DN, trên chặng đường hướng tới những mục tiêu bền vững.

Những cuộc khảo sát gần đây cho thấy, con người ngày càng quan tâm đến vấn đề về môi trường và xã hội. Họ ngày càng muốn có sự lựa chọn những sản phẩm tốt hơn, bền vững hơn, nhưng lại có ít DN biến mong muốn đó thành những cư xử có ý thức.

Nhiều sản phẩm đang có tác động mạnh tới môi trường xã hội khi sử dụng, lớn hơn cả ý thức lúc sản xuất, như xe hơi, bột giặt, đồ điện, điện tử...

Tác giả bài viết: Trần Thủy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok