Trong nước

Lộ mặt hai lãnh đạo đeo "áo quan to" nhưng lại thiếu... "cúc"!

Hai vị lãnh đạo bị dư luận tỉnh Ninh Bình nghi ngờ có dấu hiệu bổ nhiệm bất thường là ông Nguyễn Tất Tiến và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh?!

Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng - Nhà nước, những năm qua Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã không ngừng vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế xã hội nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, công tác cán bộ còn không ít hạn chế cần tiếp tục khắc phục để vươn lên ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Cố đô - địa danh lịch sử trường tồn của Dân tộc Việt Nam.

Một trong những ngôi biệt thự nằm trong Khu “kinh tế mới” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Năm 2010, Uỷ Ban kiểm tra TƯ chỉ rõ những sai phạm của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trong đó nhấn mạnh việc gần 100 trường hợp cán bộ chưa đạt tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính cần phải học và thi để bổ sung theo đúng quy định của Bộ Nội vụ” - Lãnh đạo Uỷ Ban kiểm tra tỉnh uỷ Ninh Bình thông báo.

Đáng lưu ý, đến nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khoá XXI 2015 - 2020 vẫn còn có những cán bộ lãnh đạo chủ chốt chưa ở ngạch chuyên viên chính.

Theo Quyết định số 82/QĐ-BNV ngày 17 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Nội Vụ Đỗ Quang Trung thì từ Giám đốc Sở và các chức vụ tương đương thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là công chức đứng đầu một Sở, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động của Sở, tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

Theo qui định, Cán bộ chủ chốt cấp Sở cần phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên. Tốt nghiệp đại học phù hợp với lĩnh vực công tác, Tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp. Tốt nghiệp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính trở lên. Tại sao một số trường hợp không đạt tiêu chuẩn vẫn được đề bạt?

Ông T.Đ.L - Trưởng Ban Tổ chức tỉnh uỷ cho rằng: "Đạt tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính ở đây tức là những cán bộ đã có những chứng chỉ như có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học... vậy là đạt tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính theo quy định mà chưa cần qua thi nâng ngạch!".

Trao đổi về vấn đề này, ông Lã Trường Sinh - Bí thư huyện uỷ Nho Quan (nguyên Phó Ban Tổ chức tỉnh uỷ Ninh Bình) cho rằng vậy là hiểu chưa đúng. "Bởi nếu chỉ cần có những chứng chỉ ấy mà không qua thi làm sao xếp cán bộ đó vào ngạch chuyên viên chính? Cũng giống như học sinh khi tốt nghiệp THPT chỉ đủ tiêu chuẩn để thi vào đại học. Nếu học sinh ấy thi trượt đại học thì có được coi là “ đủ tiêu chuẩn là cử nhân không?”, ông Lã Trường Sinh cho hay.

Hàng loạt biệt thự hoành tráng trong khu Kinh tế mới tại TP Ninh Bình. Ảnh Vũ Quang

Chính vì thế, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 còn tồn tại hai trường hợp nhân sự bị dư luận nghi ngờ có dấu hiệu bất thường là ông Nguyễn Tất Tiến - Chánh Thanh tra tỉnh sinh năm 1958 và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh sinh 1979.

Ông Nguyễn Tất Tiến là cử nhân Luật, song theo Thông tư số 09/2011/TT-TTCP ngày 12/9/2011 của Thanh tra Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh quy định thì chức vụ Chánh Thanh tra tỉnh phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Thanh tra viên chính hoặc tương đương trở lên.

Thực tế, ông Nguyễn Tất Tiến chưa qua thi nâng ngạch song vẫn được xếp ngạch thanh tra viên chính hàng chục năm nay. Ông này hưởng lương ngạch thanh tra viên chính bậc 7 hệ số 6,44 từ ngày 01/10/2016 cho đến hiện nay.

Điều đáng nói là trường hợp ông Tất Tiến đã được Uỷ ban kiểm tra TƯ trong thông báo kết luận số 716-TB/UBKTTW chỉ ra việc chưa đạt chuẩn ngạch Thanh tra viên chính từ năm 2010.

Thế nhưng, ông Tiến không khắc phục hậu quả vẫn được bầu vào BCH đại hội đảng bộ Ninh Bình qua 2 nhiệm kỳ ( XX 2011-2015) và ( XXI 2015-2020), hiện đang ngồi tại vị trên ghế Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Bình.

Hàng loạt biệt thự hoành tráng của một đại gia, quan chức trong khu Kinh tế mới tại TP Ninh Bình. Ảnh Vũ Quang

Trường hợp thứ 2 là bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh sinh năm 1979 được... "thăng quan" nhanh như “lướt sóng”. Theo hồ sơ, bà Hồng Hạnh vốn học Đại học sư phạm Văn. Trải qua một số năm công tác tại huyện Kim Sơn, sau đó là trường THPT Yên Khánh B làm cán bộ đoàn.

Tháng 8 năm 2010 được nhận nhiệm vụ Phó ban phong trào tại Tỉnh đoàn, rồi tháng 9 năm 2012 lên làm Phó bí thư tỉnh đoàn.

Trong đại hội Đảng bộ lần thứ XXI tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2015 - 2020, bà Hạnh được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ và tháng 9/2015; thời điểm này bà Hạnh đã là Phó Ban Dân vận tỉnh uỷ.

Khi vào BCH bà Hạnh mới đi học Thạc sỹ và cũng vừa học qua Lý luận chính trị cao cấp hồi đầu năm 2017. Bà hiện nay bà Hạnh vẫn chưa xếp ngạch chuyên viên chính.

Điều này trái với chỉ thị 36-CT/TƯ ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Một điều khiến dư luận địa phương hết sức ngạc nhiên khi làm việc với Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Ninh Bình thì được biết: “Những vấn đề điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ thì Sở không bao giờ được hỏi ý kiến. Điều đó thể hiện trên các quyết định bổ nhiệm cán bộ thì rõ. Chúng tôi (Sở Nội vụ- PV) chỉ lo chuyện kỷ luật cán bộ và nằm trong ban tang lễ thôi”.

Dư luận cũng đang thắc mắc rằng tại sao một số trường hợp cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm đến cương vị Phó giám đốc Sở mà ngay cả lãnh đạo tỉnh cũng... không nắm rõ. Đến khi hỏi Sở Nội vụ cũng chẳng biết... hỏi ai để có câu phúc đáp về sự thể.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Đính Thiên

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

  Từ khóa: lãnh đạo , bổ nhiệm , Ninh Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok