Thế giới

Lộ lá thư Thụy Điển viết cho Clinton nếu bà thắng cử

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven soạn sẵn hai bức thư chúc mừng bà Hillary Clinton và ông Donald Trump. Giọng điệu trong hai bức thư không giống nhau.

Trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ 8-11, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã soạn sẵn hai bức thư. Một dành chúc mừng ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. Bức còn lại dành chúc mừng ứng viên Cộng hòa Donald Trump.

Chỉ có một bức thư được gửi đi. Đó là bức thư chúc mừng ông Trump.

Tuần trước, văn phòng Thủ tướng Lofven công bố một phần bức thư gửi ông Trump, những phần khác được giữ kín.

Ngày 28-11, báo Expressen (Thụy Điển) công bố bản sao toàn bộ bức thư gửi ông Trump và cả bức thư dự định gửi bà Clinton nếu bà chiến thắng mà Expressen thu thập được. Bức thư gửi bà Clinton dài hơn bức thư gửi ông Trump. Theo như lời nhà báo Niklas Svensson thì có “sự khác biệt rõ” trong giọng điệu hai bức thư.

Trong bức thư gửi bà Clinton, ngay đoạn đầu Thủ tướng Lofven đã viết “thật vui mừng” được chúc mừng tổng thống mới, điều mà ông không hề viết trong bức thư gửi ông Trump. Thủ tướng Lofven còn gọi việc bà Clinton thắng là “một bước ngoặt của thế giới”.

Nhắc đến thực tế mình đang lãnh đạo chính phủ nam nữ bình quyền đầu tiên của thế giới, Thủ tướng Lofven nói ông rất coi trọng việc bà Clinton trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ và chờ đợi được làm việc với chính phủ của bà Clinton để “phát triển bình đẳng giới toàn cầu”.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven. Ảnh: AP

Giọng điệu trong bức thư gửi ông Trump ít ấm áp hơn. Thủ tướng Lofven chỉ bày tỏ lời chúc mừng và nói rằng Thụy Điển xem trọng sự cộng tác giữa hai quốc gia.

Trong hai bức thư gửi cả bà Clinton và ông Trump đều có phần bàn về chính sách. Đây cũng là phần trong bức thư gửi ông Trump mà văn phòng Thủ tướng Lofven đã không công bố.

Phần bàn về chính sách trong bức thư gửi bà Clinton nói về quan hệ kinh doanh giữa hai nước và tiềm năng có được một thỏa thuận thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương.

Trong khi đó, phần chính sách trong bức thư gửi ông Trump chủ yếu tập trung nhấn mạnh vai trò của Mỹ với an ninh châu Âu, quan hệ của Thụy Điển với NATO, vai trò của Thụy Điển trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông Trump từng đe dọa sẽ xem lại quan hệ với NATO.

Thăm dò đầu năm nay của Trung tâm thăm dò Pew cho thấy tại Thụy Điển chỉ có 6% tự tin ông Trump sẽ làm điều đúng đắn trong các vấn đề toàn cầu, 92% không tin tưởng. Trong khi đó tỉ lệ này đối với bà Clinton lại khác hẳn. 83% tự tin bà sẽ xử lý tốt các vấn đề toàn cầu, trong khi số không tin tưởng chỉ chiếm 14%.

Thủ tướng Lofven cũng là người ủng hộ bà Clinton. Trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, Thủ tướng Lofven đã nói rõ ràng rằng ông không thích ông Trump. Thông báo đầu tiên của văn phòng Thủ tướng Lofven sau khi có kết quả ông Trump chiến thắng không đề cập thẳng tên tổng thống đắc cử.

Thậm chí còn cho đó là “một kết quả bầu cử khiến nhiều người lo ngại nhưng chúng ta phải chuẩn bị đón nhận”. Thủ tướng Lofven sau đó có nói chuyện điện thoại với ông Trump. Ông Trump đã hẹn gặp Thủ tướng Lofven khi ông công du sang Mỹ.

Tác giả bài viết: Đăng Khoa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok