Liên quan đến sự việc 8 người tử vong sau chạy thận tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, chia sẻ với PV, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh (bộ Y tế) nhấn mạnh, đây là sự cố y khoa nghiêm trọng không chỉ của y tế Hòa Bình mà ngành y tế nói chung. Sự cố xảy ra mang tính hệ thống vì đồng loạt 18 bệnh nhân cùng có các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt...
Trước câu hỏi của phóng viên về việc có bệnh viện tự bảo dưỡng thiết bị lọc nước RO nhưng cũng có bệnh viện thực hiện việc này qua các cơ quan bảo dưỡng thiết bị, vậy qua vụ việc này, phía bộ Y tế thống nhất quy trình đó tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình nói riêng cũng như các bệnh viện khác như thế nào?. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay:
“Về mặt quản lý trang thiết bị, chúng ta có vụ Trang thiết bị Công trình y tế của bộ Y tế hướng dẫn, trong các bệnh viện cũng có phòng vật tư và trang thiết bị. Nguyên tắc, máy móc và trang thiết bị được bảo hành và bảo dưỡng cũng như kiểm chuẩn tùy theo mức độ và chủng loại, được giám đốc bệnh viện quyết định để thực hiện đúng quy trình. Bên cạnh đó, việc phối hợp với các đơn vị có chức năng nhằm thực hiện đúng quy định, quy chuẩn đã được ban hành. Có thể có những bệnh viện thực hiện tốt và có những bệnh viện chưa đạt được điều này”.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê thăm bệnh nhân bị sốc phản vệ trong quá trình chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. |
Ở một khía cạnh khác, nước sử dụng trong chạy thận nhân tạo đòi hỏi độ tinh khiết cao. Tuy nhiên, hệ thống lọc nước RO của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình lại do đơn vị khác thực hiện. Điều đáng lo ngại hơn là mới đây, công ty Dược phẩm Thiên Sơn (đơn vị cung ứng thiết bị vật tư cho bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) lại thuê một đơn vị khác ở Bắc Ninh đến bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước cho bệnh viện.
Lý giải điều này, ông Khuê cho hay: “Bản thân tôi cũng tìm hiểu kỹ, nghiên cứu đánh giá và tham khảo ý kiến các nhà khoa học. Tôi cũng loại trừ một số nguyên nhân và cũng nghĩ nhiều tới nguyên nhân do hệ thống nước lọc, thoát nước của bệnh viện chưa đảm bảo.
Trong việc bảo dưỡng thiết bị lọc nước có nhiều vấn đề như xử lý tạp chất, vi khuẩn, xử lý chất cặn, tẩy rửa bằng các hóa chất... để đảm bảo một lượng nước rất sạch lọc vào cơ thể. Có thể có yếu tố nào đó chưa đảm bảo.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, có thể do chất sát khuẩn, do javen là nguyên nhân gây ra sự cố y khoa như vừa qua, nhưng chúng tôi khẳng định đây là dấu hiệu của ngộ độc”.
Về phía bệnh viện Bạch Mai, TS. Dương Quốc Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cũng thông tin: Hệ thống nước để đưa vào chạy thận rất quan trọng vì nó phải theo chuẩn khắt khe của nước chạy thận nhân tạo.
Máy móc, trang thiết bị, máy chạy không ảnh hưởng quá nhiều tới chất lượng chạy thận vì nó là bơm cơ học thuần túy, tất nhiên cũng phải căn chỉnh cho phù hợp các thông số.
Vấn đề được trao đổi ở đây là việc liệu có khó khăn không khi một số chuyên gia cho rằng, một số hóa chất có sử dụng trong lọc nước có thể hòa tan ngay và nó không còn dấu hiệu trong cơ thể người? TS. Dương Quốc Hùng đưa ra ý kiến, đó cũng là giả thiết của các chuyên gia nhưng khi những chất đó vào máu cũng có những biểu hiện trên lâm sàng, điều đó đã được ghi nhận trong quá trình sơ cứu, cấp cứu.
“Đó cũng là tình huống nhưng không phải quá khó để tìm ra nguyên nhân. Phải rất khoa học và khách quan chúng ta mới tìm ra nguyên nhân và có thể khắc phuc, sửa chữa được", TS. Dương Quốc Hùng trao đổi.
Theo các chuyên gia y tế, 4 yếu tố có thể dẫn đến vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình. Đó là quy trình lọc máu, quả lọc, dịch lọc và chất lượng nước lọc. Ba yếu tố đầu tiên được loại vì 3 lý do.
Thứ nhất, quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện trong ngày 29/5 cũng như quá trình thực hiện gần 10 năm qua chưa nổi lên điều gì bất thường. Thứ 2, có 6/18 bệnh nhân được sử dụng quả lọc mới nhưng vẫn bị tai biến. Thứ 3 là dịch lọc đã được dùng một phần cho các ca chạy thận ngày hôm trước mà không có bất thường. Đây là kết luận ban đầu, kết luận cuối cùng của vụ tai biến này đang chờ kết quả điều tra, khám nghiệm tử thi từ phía cơ quan công an.
Còn theo kết luận ban đầu của Hội đồng chuyên môn sở Y tế Hòa Bình về việc đánh giá sự cố y khoa ngày 29/5 tại Đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, trên cơ sở biểu hiện của 18 bệnh nhân lọc máu với các biểu hiện tương đối giống nhau trong cùng một thời điểm, Hội đồng chuyên môn nghĩ đến: Hội chứng ngộ độc cấp qua đường máu do cùng một nguyên nhân gây ra với các biểu hiện tổn thương đa cơ quan (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, máu...).
Về nguyên nhân: Ở thời điểm hiện tại, Hội đồng chuyên môn chưa đủ căn cứ, cơ sở và bằng chứng khoa học để kết luận khẳng định chắc chắn nguyên nhân của sự cố trên (do chưa có kết quả xét nghiệm, phân tích nguồn nước RO và kết quả khám nghiệm tử thi...).
Tuy nhiên, Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều đến sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Đơn nguyên Thận nhân tạo của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Tác giả: Nguyễn Huệ
Nguồn tin: Báo Người đưa tin