Trong nước

Liệt sĩ có tên bỗng thành…“vô danh”

Dù thân thể liệt sĩ Nguyễn Đình Ngô nằm lại ở nấm mồ vô danh nào đó, nhưng ông vẫn luôn hiện hữu vẹn nguyên trong trái tim mỗi chúng tôi.

Liệt sĩ Nguyễn Đình Ngô - ông có tên và một cuộc đời anh dũng

Tôi muốn nhấn mạnh như vậy, bởi ở đâu đó trên mảnh đất nước bạn Lào, người ta đang gọi mộ phần của liệt sĩ Ngô là..."Vô danh".

Một chiều nắng quật rát mặt ở mảnh đất Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, tôi tìm về quê hương của liệt sĩ Nguyễn Đình Ngô (SN 1941, tại xã Sơn Hà). Mảnh đất trầm lắng, nép mình bên dòng sông Ngàn Phố, vậy mà ẩn chứa quá nhiều những câu chuyện đời.

Trong những năm tháng đi viết, đề tài về liệt sĩ luôn lấy đi của tôi nhiều cảm xúc và nước mắt. Tôi là một người đa cảm nên luôn dễ xúc động trước những câu chuyện mất mát của người khác.

Di ảnh của người liệt sĩ đã anh dũng hi sinh ở chiến trường nước bạn Lào.Trên đường tìm về nhà liệt sĩ Nguyễn Đình Ngô, tôi được ông Lê Hữu Điều, người bạn thân từ bé của liệt sĩ tiếp chuyện. Khi nói về người bạn thuở hàn vi, chăn trâu cắt cỏ, ông Điều đã rưng rưng nước mắt.

"Tôi và anh Nguyễn Đình Ngô là đôi bạn thân từ tấm bé. Nhà ở gần nhau lại cùng tuổi nên tình cảm anh em rất khăng khít. Ngoài giờ học, anh và tôi cùng tham gia chơi đủ trò của bọn trẻ thời ấy. Lớn lên, chúng tôi lại là đồng nghiệp, đồng chí, chiến hữu. Tôi và anh Ngô đều là con một, là những nhà giáo đang công tác tại huyện Hương Sơn. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 28/06/1968, chúng tôi lên đường nhập ngũ. Tôi và Ngô cùng nhau huấn luyện, hành quân sang nước bạn Lào.

Trước ngày lên đường, cha mẹ anh mời tôi sang nhà ăn cơm. Bà Các (mẹ anh Ngô) nói với chúng tôi: "Giờ anh em ăn với nhau bữa cơm, đến khi về anh em lại ngồi ăn với nhau bữa cơm nữa". Câu nói ấy vẫn làm tôi xúc động đến tận bây giờ. Bà mong chúng tôi ra đi và bình an trở về với gia đình, quê hương, bè bạn", ông Điều lấy tay gạt đi giọt nước mắt chực rơi, kể bằng giọng xúc động.

Trên đường đi, đôi bạn đã cùng nhau trải qua bao nhiêu kỷ niệm ngọt bùi, gian khó. Cho dù bây giờ, khi tuổi đã ngoài 80, ông Điều vẫn nhớ như in những ngày sống gần ông Ngô.Trong thời gian hành quân ra Nghĩa Đàn huấn luyện, đến Truông Băng, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đoàn của 2 ông bị giặc ném bom. Ông Điều và liệt sĩ Ngô chạy vào nhà dân xin ngủ trọ qua đêm. Gặp nhà một bà mẹ già đang nấu rượu cho con về nhà mới, đóng cửa không cho họ vào. Hai người đành xin ngủ qua đêm ngoài vườn.

"Sáng ra, mẹ mở cửa đón chúng tôi vào và giải thích, do bà đang nấu rượu, sợ người lạ vào vía nặng làm hư nồi. Chiều chúng tôi ra đi, mẹ nấu cho mỗi người một bi-đông chè trâm để mang đi đường uống. Kỷ niệm này được anh Ngô ghi lại trong bài báo tường của mình", ông Điều kể lại tường tận kỷ niệm bên người bạn đồng niên cho tôi nghe.

Một trong những bức thư chan chứa yêu thương của liệt sĩ Ngô gửi về cho vợ con từ chiến trường bom đạn ác liệt.


Đôi lúc tôi bất giác suy nghĩ, một cụ ông hơn tuổi 80, mà sao trí nhớ lại minh mẫn đến vậy? Ông dường như không quên cả những chi tiết dù nhỏ. Hóa ra, đó là do những kỷ niệm ấy vẫn luôn "sống mãi" trong lòng ông, như thể đôi bạn mới cùng hành quân hôm qua.

Rồi ông lại say sưa kể tiếp, ánh mắt hướng xa xăm hơn: "Trên đường sang Lào, đến trạm Cà Roòng, chúng tôi gặp anh Nguyễn Khương - đồng hương Sơn Hà. Anh là Chính trị trưởng tiểu đoàn đang dẫn quân vào Nam. Anh đứng từ sáng đến tối chờ găp chúng tôi. Anh xin phép đơn vị tổ chức cho chúng tôi một bữa cơm. Anh nói: "Chúng ta gặp nhau ở đây, ăn với nhau một bữa cơm rồi lại chia tay mỗi người mỗi ngả, mai này không biết ai còn, ai mất". Tình cảm này của anh khiến tôi và anh Ngô ấm lòng mãi trên chặng đường dài hành quân gian khó.

Chúng tôi đi theo đường dây Sư 968, nhưng lại lạc sang đường dây Sư 559. Vì vậy, đơn vị chúng tôi không được phát gạo, phải ăn cháo măng vượt dốc Ba Thang. Đến đỉnh dốc, chúng tôi gặp anh Nguyễn Trọng Bàn - người Sơn Hà. Nhìn anh người gầy, môi xám xịt. Anh từ Quảng Nam ra đây đã 4 tháng. Anh bảo ở đây cũng không có gạo, phải ăn cây sắn sục (thiên niên kiện). Anh cho chúng tôi mỗi người một củ sắn to để về nấu cho tiểu đội ăn đỡ đói. Anh còn cho thêm mỗi người 20 viên đá lửa để vào bản đổi thức ăn. Ở nơi đất khách quê người, chúng tôi gặp nhau trong phút chốc rồi chia tay, nhưng những tình cảm ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi tiếp tục chặng đường phía trước".

Đến Xa-va-na-khét (Lào), ông Nguyễn Đình Ngô được bổ sung vào Tiểu đoàn 5. Còn ông Điều tiếp tục hành quân vào Hạ Lào. Mỗi người về đơn vị mới của mình. "Chỉ một thời gian sau, tôi rụng rời khi nhận được tin anh Ngô hi sinh ở Ngã ba Mường Phìn, trong trận Đường 9, Nam Lào, vào ngày 21/9/1969. Đồng đội anh kể lại, tận những giây phút, hơi thở cuối cùng của mình, anh ấy vẫn chiến đấu rất anh dũng", kể đến đây, người ông cụ hơn 80 tuổi ấy rung lên vì xúc động.

Hòa bình, đôi bạn cùng ra chiến trường năm đó chỉ mình ông Lê Hữu Điều trở về. Còn ông Nguyễn Đình Ngô nằm lại nước bạn. Nhìn người thân của ông Ngô và nhớ lại mong muốn của bà Các trước lúc hai người lên đường nhập ngũ, lòng ông Điều thấy ngậm ngùi, chua xót khôn nguôi.

Chia tay ông Điều, tôi lại rẽ vào nhà ông Phạm Trần Tường (thôn Nam Hà, xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) - người bạn cùng tuổi, cùng xóm với ông Ngô. Trầm ngân bên cốc nước chè xanh, giữa cái nắng oi ả nóng rát mặt, ông Tường kể cho chúng tôi nghe một số kỷ niệm với người bạn đồng niên đã khuất.

Giọng ông lạc đi: "Hồi đó, tôi không thích đi học sư phạm cấp 1, nhưng ông Ngô cứ bàn mãi. Ông bảo học từ thấp, sau đó học lên cao. Rồi chúng tôi cùng thi vào sư phạm và ở trọ với nhau tại Hà Tĩnh. Ông Ngô là người học nhanh, tiếp thu giỏi lại rất được lòng anh chị em, mọi người bầu ông làm cán bộ lớp. Tôi được ông Ngô giúp đỡ rất nhiều. Tôi cứ nhớ mãi, có lần ông Ngô bảo "mi (mày) đừng nghịch quá, không được kết nạp đoàn mô (đâu)". Nhấp tiếp ngụm nước chè, ông Tường kể tiếp: "Thế mà chiến tranh đã lấy mất anh ấy! Hồi đó, việc đi bộ đội thì ai cũng rõ, nhưng chuyện được về hay không thì không phải do chúng tôi quyết định. Nên chúng tôi luôn trân quý những kỷ niệm khi còn được bên nhau lắm".

Chiến tranh đã biến ông thành…liệt sĩ vô danh

Liệt sĩ Nguyễn Đình Ngô ra đi là nỗi mất mát lớn của đồng đội, gia đình, người thân, bạn bè. Ông đã hi sinh cả tuổi thanh xuân, máu xương của mình để góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Dù thân thể ông đã nằm lại ở nấm mồ vô danh nào đó, nhưng ông vẫn luôn hiện hữu vẹn nguyên trong trái tim mỗi chúng ta. Tôi muốn ghi chép lại những kỷ niệm này để thế hệ trẻ mai sau biết trân quý hơn nữa những ngày tháng hòa bình tươi đẹp.

Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Đình Ngô.


Bài thơ "Kỷ niệm về cha" của người con gái đầu Nguyễn Thị Mai Hiền viết cho liệt sĩ Nguyễn Đình Ngô không vần, không lối nhưng khiến người đọc cay sống mũi. Ký ức của cô bé lên 2 là cuộc hạnh ngộ với cha trong vội vàng, rồi li biệt.

"Mờ sáng rồi nghe mệnh lệnh hành quân

Ba lô trao O (chị gái của cha) cha ôm con bước vội

Trên tay cha bi bô con hỏi:

"Khi mô (nào) cha về" "Cha nhớ con không"

Đến Sơn Trà (một địa danh ở Hương Sơn) cha ôm con chặt hơn

Dặn "ở nhà ngoan", "Thương em gái nhỏ"

"Nhờ chị (O) thay em chăm cha mẹ tuổi già"

Trao con cho O, cha ôm con lần nữa

Rồi nhập hàng quân, cha đi mãi…chưa về,…

Để đến bây giờ cứ thấy cảnh hành quân

Con lại thấy Cha con mình trong đó".

Đến nay, đã 55 mùa Xuân đi qua, liệt sĩ Nguyễn Đình Ngô vẫn chưa được về với gia đình. Mộ phần của ông ở đâu vẫn đang là một dấu chấm hỏi, đau đáu, chà xát vào nỗi đau của những người thân. Bao nhiêu năm rong ruổi đi tìm mộ cha của những người con, vẫn chưa có kết quả.

Từ ngày chồng hi sinh, bà Nguyễn Thị Xuân (hiện đang sống tại Tổ dân phố 9, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn) đã đóng lòng mình lại, tập trung chăm sóc cha mẹ già và 2 cô con gái. Chị Nguyễn Thị Mai Hiền và chị Nguyễn Thị Thu Hà đã tiếp bước con đường của cha, trở thành những người "chèo đò" tận tâm của ngành giáo dục Hà Tĩnh. Sau thời gian dài cống hiến cho sự nghiệp "trồng người", hai chị đã nghỉ hưu. Bây giờ, ông Ngô cũng đã có thêm những người con, người cháu, nhưng lại không thể đoàn viên cùng với gia đình. Mỗi năm, đến ngày giỗ cha, những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên má người còn sống, vì nỗi đau chưa tìm thấy mộ phần.

Tác giả: L.N

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok