Thế giới

LHQ họp bàn về khủng hoảng nhân quyền tại Triều Tiên bất chấp Nga - Trung phản đối

Bất chấp sự ngăn cản của Trung Quốc và Nga, ngày 11/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) vẫn quyết định tổ chức họp bàn về cuộc khủng hoảng nhân quyền tại Triều Tiên.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley (Ảnh: AP)

Với 10 phiếu thuận, 3 phiếu chống (của Trung Quốc, Nga và Bolivia), HĐBA ngày 11/12 đã quyết định cho phép cuộc họp về nhân quyền tại Triều Tiên diễn ra, trong khi Ai Cập và Ethiopia bỏ phiếu trắng.

Cuộc họp được tổ chức theo đề nghị của Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Italy, Nhật Bản, Senegal, Ukraine và Uruguay và đây là lần thứ 4 một cuộc họp như vậy được tổ chức từ năm 2014.

Cuộc họp của HĐBA LHQ diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo các quan chức chính quyền Bình Nhưỡng có thể phải đối mặt với những cáo buộc quốc tế phạm tội ác chống lại loài người. Trong khi đó, các nước thành viên LHQ khác liên tục kêu gọi Trung Quốc dừng ngay các hoạt động buộc người Triều Tiên hồi hương.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho rằng HĐBA cần thảo luận về vấn đề nhân quyền thường xuyên hơn như là một cách để thúc đẩy ngăn ngừa xung đột.

“Một số nước thành viên LHQ cho biết họ đang lo ngại cuộc họp này sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng trong vấn đề Triều Tiên. Có hàng triệu người Triều Tiên đang muốn rời khỏi đất nước. Vì vậy nếu chúng ta không thể làm gì can thiệp vào nội bộ Triều Tiên thì chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề hồi hương. Nếu họ có đủ can đảm và cơ hội để rời khỏi Triều Tiên, chúng ta nên tìm ra giải pháp để giúp đỡ họ”, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói.

Trong khi đó, Phó Đại sứ Trung Quốc Ngô Hải Đào nhấn mạnh rằng việc HĐBA thảo luận về những cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Triều Tiên sẽ "phản tác dụng" vào thời điểm căng thẳng đang tăng cao trên bán đảo Triều Tiên.

“LHQ và các bên liên quan nên tìm ra các biện pháp làm giảm căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên, cần tránh những phát ngôn và hành động làm phức tạp thêm tình hình. Cuộc họp của HĐBA LHQ về vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên sẽ đi ngược lại những mục đích trên”, Phó Đại sứ Trung Quốc Ngô Hải Đào cho hay.

Trung Quốc là một đồng minh của Triều Tiên và từng tìm cách phản đối HĐBA LHQ tổ chức các cuộc họp về vấn đề nhân quyền của Bình Nhưỡng trong các năm qua. Bắc Kinh cho rằng nhân quyền là vấn đề của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva (Áo), chứ không phải của HĐBA.

Về phần mình, Triều Tiên nhiều lần bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng chính những lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đã gây ra tình hình nhân đạo khó khăn tại nước này. Triều Tiên bị LHQ trừng phạt từ năm 2006 do các chương trình tên lửa và hạt nhân.

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok