Du lịch

"Lều du lịch" trái phép ở Cô Tô vẫn ồn ào đón khách

Mặc dù theo UBND huyện đảo Cô Tô, ngày 30/9 phải chấm dứt hoạt động các điểm kinh doanh được gọi là “lều vịt” tại khu vực bãi biển Hồng Vàn (huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), nhưng cho đến thời điểm này, vẫn còn nhiều “lều vịt” nằm chình ình trên bãi biển, công khai mời chào khách thuê phòng.

Một số "lều du lịch" vẫn tồn tại thời điểm này.

Bất chấp lệnh cấm vẫn hoạt động

Có mặt tại bãi biển Hồng Vàn vào ngày 5/10, phóng viên Dân trí ghi nhận vẫn còn hàng chục “lều vịt” (lều du lịch) chưa được tháo dỡ. Khi phóng viên có ý thuê phòng, một nhân viên thuộc đơn vị kinh doanh du lịch có tên Coto Diamond Sea còn chỉ vào một dãy lều nằm cả trên bờ và dưới bãi biển cho biết, do cuối mùa du lịch nên giá sẽ rất “mềm”, thuê đâu cũng chỉ 500 nghìn đồng/ngày. Nhân viên này còn nhiệt tình mở các cửa phòng để giới thiệu cho chúng tôi biết nội thất bên trong.

Theo quan sát của chúng tôi, hoạt động tại khu vực này vẫn khá nhộn nhịp, nhân viên vẫn đi lại khá đông và phòng ốc vẫn được dọn dẹp ngăn nắp, điều hòa, bình nóng lạnh đầy đủ, sẵn sàng phục vụ du khách.

Một nhân viên lái xe điện đưa đón khách trên đảo cho biết, khu “lều vịt” này chủ yếu là đón khách nước ngoài hoặc các cặp đôi muốn tìm nơi yên tĩnh, thỉnh thoảng mới có đoàn khách Việt, vì địa điểm nằm cách khá xa trung tâm huyện và số lượng phòng không đủ đáp ứng lượng khách đông.

Cũng theo người này, dù các hộ kinh doanh đều nhận được thông báo phải tháo dỡ, di chuyển trước ngày 30/9 nhưng thấy chưa bị cưỡng chế nên vẫn tranh thủ kinh doanh.

Nhân viên du lịch vẫn cháo mời khách thuê phòng

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Hoàng Bá Nam - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô - cho biết, đây là phần đất Quốc phòng do Tiểu đoàn Bộ đội đảo Cô Tô (thuộc Lữ đoàn 242, Quân khu 3) quản lý. Việc các hộ dân lấn chiếm, xây dựng “lều du lịch” tại đây là trái phép. UBND huyện Cô Tô thời gian qua đã kết hợp với Lữ đoàn 242 làm rất quyết liệt để giải phóng khu vực này.

Tuy nhiên cũng theo ông Nam, do thời gian qua thời tiết xấu, mưa kéo dài kèm giông lốc, việc tháo dỡ di chuyển các “lều vịt” này cần phải có máy móc, thiết bị và hiện các điểm tập kết đang gặp khó khăn dẫn đến việc còn tồn tại một số “lều”.

Ông Nam khẳng định huyện sẽ kiên quyết tiến hành cưỡng chế, dỡ bỏ hoàn toàn trước ngày 15/10.

Tháo dỡ hơn 200 “lều du lịch” xây dựng trái phép trên đất Quốc phòng

Nhân viên vẫn chào mời khách thuê "lều"

Trước đó như Dân trí đã thông tin, từ khoảng cuối năm 2013 đến 2015, người dân trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã đầu tư xây dựng một loạt “lều du lịch” nằm ngay tại bãi biển. Ngay lập tức loại hình du lịch này đã thu hút rất nhiều du khách.

Tuy nhiên khi số “lều du lịch” lên tới 225 lều thì bờ biển vốn đẹp hoang sơ này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự nhếch nhác do quá tải về rác thải, nước thải chưa qua xử lý. Chưa kể rừng phòng hộ bị xâm lấn nghiêm trọng.

Trước tình trạng trên, huyện Cô Tô cùng Tiểu đoàn Bộ đội đảo Cô Tô (thuộc Lữ đoàn 242) kiểm tra và xác định tổng diện tích bãi biển Hồng Vàn bị các hộ dân lấn chiếm dựng “lều du lịch” lên hơn 430.000 m2.

Cụ thể để kinh doanh, có 37 hộ dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư hơn 40 tỷ đồng để dựng các “lều du lịch”. Trong đó có tới 29 hộ xây trên đất quốc phòng, 8 hộ xây trái phép trên đất nhà nước.

Tháng 4/2017, huyện Cô Tô đã thông báo cấm, yêu cầu các hộ dân trước 30/9 phải dẹp bỏ toàn bộ các “lều du lịch” này để trả lại môi trường trong sạch cho bãi biển.

Đặc biệt, tại chuyến ra thăm và kiểm tra huyện Cô Tô mới đây vào ngày 8/9, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, do việc xây dựng trái phép trên đất quốc phòng nên yêu cầu huyện Cô Tô và Tiểu đoàn Bộ đội đảo Cô Tô (thuộc Lữ đoàn 242) phải có giải pháp quyết liệt, xử lý nghiêm trước ngày 30/9.

Hơn 200 "lều du lịch" đã được các hộ tháo dỡ, giờ chỉ còn hơn chục chiếc.

Đến 30/9, nếu không xử lý dứt điểm tình trạng này, tỉnh sẽ báo cáo Quân khu 3, Bộ Quốc phòng và có biện pháp thu hồi.

Phía UBND huyện đảo Cô Tô cũng cho biết, để giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế cho người dân do số tiền đầu tư lớn, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp.

Cụ thể, những hộ dân sở hữu đất có sổ đỏ thì di dời lều về đó, hộ nào không có đất thì huyện bố trí những điểm tập kết tạm; bố trí các lực lượng, phương tiện hỗ trợ việc di chuyển lều.

Huyện sẽ tính toán phương án quy hoạch một số khu vực không phải đất quốc phòng để người dân tiếp tục triển khai dịch vụ này…

Tác giả: An Nhiên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok