Du lịch

Lên Mộc Châu trẩy hội chợ tình !

Đến hẹn lại lên, đất trời vào thu là lúc Mộc Châu mở phiên chợ tình độc đáo, đậm nét văn hóa dân tộc nơi đây. Đó cũng là dịp để cộng đồng các dân tộc miền núi Tây Bắc nô nức đổ về “xứ sở chè xanh” cùng vui mừng ngày Tết Độc lập 2/9..

Nét văn hóa đặc trưng của vùng cao Tây Bắc

Tết Độc lập của người Mông diễn ra đông đúc khắp trên khắp thị trấn Mộc Châu

Theo người dân Mộc Châu nơi đây kể lại thì Tết Độc lập của người Mông ra đời từ những năm 50 của thế kỷ trước. Để đánh dấu ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng bào dân tộc Tây Bắc đã lấy ngày 2/9 hàng năm để tổ chức lễ hội ăn mừng. Chính vì thế, cái Tết Độc lập ra đời. Ban đầu, Tết chỉ được tổ chức ở các thôn bản, nhưng nhận thấy Mộc Châu là cao nguyên có mặt bằng lớn, gần chợ, đường xá tiện lợi nên nhiều người đã tự tìm về đây để cùng ăn mừng. Khi mới thành lập, lễ hội thu hút chủ yếu người Mông, sau này các dân tộc như Thái, Tày, Dao, Nùng cũng hào hứng tham gia. Dần dà, “thị trấn nằm giữa lưng trời” này đã hội tụ các dân tộc khắp vùng Tây Bắc mỗi dịp 2/9, đây cũng là nơi diễn ra phiên chợ tình độc đáo nhất trong năm.

Xa xưa, người dân tộc Mông thường sống du canh, du cư trên các ngọn núi cao, địa bàn cư trú dải rộng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Mặc dù phiêu du là vậy, nhưng mỗi độ đầu tháng 9, họ lại nô nức kéo nhau về phiên chợ tình thơ mộng. Cứ trước vài tháng diễn ra phiên chợ, các cô gái xuân thì độ 15-17 tuổi lại chuẩn bị những bộ váy xúng xính đẹp nhất để dự hội. Còn những chàng trai thì chăm chỉ luyện những điều khèn hay nhất để thể hiện tình yêu trong đêm chợ tình, nếu không biết thổi khèn thì chí ít các chàng trai đều phải thể hiện được một tài lẻ nào đó để chinh phục được trái tim cô gái.

Cũng chính từ nét đặc trưng rất riêng ấy mà chợ tình Mộc Châu còn mãi theo năm tháng và ngày một thêm đông. Từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có hàng nghìn người Mông ở các tỉnh vùng Tây Bắc đến dự. Gần đây, lại thêm người mông ở “Cao – Bắc – Lạng”, Nghệ An, Thanh Hóa, và cả người Mông bên nước bạn Lào cũng về tham dự. Các dân tộc anh em như Kinh, Mường, Thái, Khơ Mú,… cũng kéo nhau về cao nguyên Mộc Châu để trẩy hội.

Chợ tình Mộc Châu cũng là nơi hội tụ của các cô gái dân tộc ít người khác

Nếu như chợ tình Khâu Vai ( Hà Giang) hay chợ tình Sa Pa ( Lào Cai) đã trở nên quen thuộc thì chợ tình Mộc Châu còn khá giản dị, nguyên sơ. Cụ Sùng A Khao (76 tuổi), người đã tham dự gần bốn mươi phiên chợ tình Mộc Châu tâm sự: “ Từ bé tôi đã thấy đồng bào mình họp chợ tình ở đây rồi, khi lớn lên chợ tình vẫn không thay đổi. Dù không còn trẻ nữa, nhưng tôi vẫn phải xuống chợ tình để gặp bạn bè, uống với nhau vài chén rượu”. Cụ Khao kể thêm, xưa kia, cuộc sống còn nghèo nàn, để đến được phiên chợ mọi người phải đi bộ hoặc đi ngựa mất cả ngày trời, đêm mà không về kịp thì phải ngủ lại. Bây giờ đường xá thuận tiện, phương tiện chính của đồng bào là xe máy nên hội đông đúc hơn bao giờ hết. Có chàng trai đi xe đến gần chợ thì dựng lại thay quần áo dân tộc cổ truyền, họ đem theo cả radio cassette để tìm bạn, mở những bài hát mà bạn mình yêu thích để dễ tìm thấy nhau hơn. Rồi hai người dắt nhau đi trò chuyện, tâm sự tình tứ, ghi âm lại lời ca, tiếng khèn của nhau để mỗi khi nhớ lại mở ra nghe. Trong cả rừng người, người ta dễ bắt gặp cả những cô gái ngơ ngác độ 13, 14 tuổi lần đầu xuống chợ. Và đâu đó có cánh con trai đang đùn đẩy nhau để ra làm quen cô gái đó. Những ánh mắt đắm đuối, cử chỉ vuốt ve làm cả hai xao xuyến lòng.

Phiên chợ tình với bao cảm xúc

Tết Độc lập của người dân tộc Mông kéo dài từ ngày 31/8 đến 2/9, nhưng đông vui nhất là đêm 1/9 đến rạng sáng 2/9. Những ngày này, ta dễ bắt gặp trên dọc Quốc lộ 6 vắt qua dốc Cun, đèo Thung Khe, đến cao nguyên Mộc Châu đều rực rỡ sắc màu thổ cẩm đẹp đến mê hoặc lòng người. Dòng người đổ về Mộc Châu ngỡ như “Dòng sông hoa” bất tận, từ những em bé còn non hơi sữa đến cụ già móm mém hàm răng đều rộn ràng bước chân, khuôn mặt đầy rạng rỡ, gặp ai cũng cười, vui mừng khôn xiết. Họ mong đến hội để được ngắm, được nhìn, được giao lưu tình tứ. Họ vui vẻ hát ca, kiếm tìm bạn cũ, làm quen bạn mới để cùng nhau tâm tình về khúc vọng cuộc sống.

Các đôi trai gái díu dít kéo nhau đi chợ tình

Từ sáng ngày 1/9, dòng người đổ về thị trấn Mộc Châu đã chật hết cả cao nguyên. Người ta chào hỏi nhau, uống với nhau vài chén rượu, cùng ăn bát thắng cố thơm lừng giữa thời tiết se lạnh đầu thu. Khi màn đêm buông xuống, tiếng sáo, tiếng khèn đã bắt đầu vang vọng, đó cũng là lúc nam thanh, nữ tú bắt đầu điệu múa giao duyên. Thật diệu kỳ, ẩn sau phiên chợ tình giữa lưng chừng mây trắng là những mối tình mộc mạc, giản đơn của các chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số Tây Bắc.

Đặc biệt, với những cặp trai gái người Mông, đây sẽ là một dịp lý tưởng để hẹn hò, tìm thấy bạn đời. Những cặp đôi nào cảm thấy ưng thuận sẽ tự tách ra khỏi đám đông để tìm đến chỗ vắng vẻ tâm sự, hẹn hò, đính ước trao duyên. Có nhiều đôi bạn trẻ cách xa nhau hàng trăm cây số, có duyên gặp nhau ở chợ tình rồi nên duyên chồng, vợ.

Tiếng khèn là văn hóa không thể thiếu tại phiên chợ tình Mộc Châu

Cảm xúc hơn, trong mỗi phiên chợ tình, người ta được nghe rất nhiều câu chuyện về tình yêu hết sức cảm động. Có những người đã thành vợ thành chồng, có những mối tình dang dở không thể tiến đến hôn nhân nhưng họ vẫn giữa mối quan hệ bạn bè. Gặp nhau ở phiên chợ tình, họ hỏi thăm nhau, động viên nhau trên đoạn đường phía trước. Chính vì những chuyện tình dang dở ấy mà mỗi phiên chợ tình, người ta đều nghe được những tiếng khèn lá và những câu hát đối đầy da diết, khắc khoải.

Có nhiều người đã lên chức ông, chức bà nhưng năm nào cũng mong ngóng đến ngày mở chợ tình để họ tìm về những hoài niệm xưa cũ dù qua bao mùa ngô trổ bắp, mùa lúa nặng bông mà lòng vẫn chưa nguôi se sắt. Thế nên, phiên chợ tình Mộc Châu có không ít gia đình khi đi đông đủ, nhưng đến chợ thì bố đi đường bố, mẹ đi đường mẹ, con cái đi lối riêng. Họ hẹn nhau ở một điểm nào đó đến rạng sáng cùng về bản, tuyệt nhiên, không hỏi đêm qua đã gặp ai, ở đâu và làm gì.

Thế mới thấy, Tết Độc lập ở chợ tình Mộc Châu nó gắn bó mật thiết như thế nào đối với đời sống tinh thần của người dân nơi đây. “Văn hóa chợ tình” cũng giống như dòng nước chảy xiết qua con suối, len lỏi qua từng nếp nhà sàn thô mộc, từ đời này sang đời khác. Cứ thế, tiếng khèn, câu hát, những chén rượu đặc nồng, bát thắng cố đượm mùi núi rừng cao nguyên ở giữa phiên chợ tình ấy cứ mãi níu giữ chân người.

Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn. Hội tan, chợ vãn, họ rậm rịch kéo nhau về nhưng đâu đó vẫn chút bịn rịn, lưu luyến, bâng khuâng thể hiện trong ánh mắt, cái nắm tay và trong từng lời hẹn ước. Họ tạm gác tất cả những kỉ niệm sâu sắc về mối tình đầu, tình anh em, bạn bè, để trở về với cuộc sống thực tại miền sơn cước.

Các hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2017:

- Chương trình nghệ thuật đặc sắc đêm 01/09/2017
- Cuộc thi tìm kiếm “Hướng dẫn viên du lịch Mộc Châu”
- Các hoạt động văn hóa đường phố
- Trại văn hóa, văn hóa cộng đồng các dân tộc Mộc Châu
- Hội thi ẩm thực các dân tộc Mộc Châu
- Thi nhảy Tha Kềnh dân tộc Mông huyện Mộc Châu
- Các hoạt động dân tộc, trò chơi dân gian
- Các hoạt động du lịch thương mại

Tác giả: Thanh Trúc

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok