Các địa phương đang nỗ lực để vải thiều được mùa nhưng không mất giá. Ảnh: Nguyễn Thanh. |
Sản lượng tăng mạnh
Khảo sát của phóng viên cho thấy, khoảng 3 tuần trở lại đây, tại nhiều chợ trên địa bàn TP. Hà Nội cũng như các chợ online đã xuất hiện mặt hàng vải đầu mùa. Dù chủ yếu là loại vải tu hú, chưa chín hẳn, chưa ngọt ngon đậm đà như vải thiều chính vụ, song vải đầu mùa cũng khá hút người tiêu dùng. Giá vải đầu mùa năm nay khá đa dạng, ban đầu có thể ở mức 65.000-75.000 đồng/kg, nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ dao động ở mức 30.000-40.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá khá dễ chịu so với vải đầu mùa của những vụ trước.
Điều này xuất phát từ dự báo năm nay vải được mùa lớn. Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng dự kiến tại các địa phương trong vụ vải thiều năm nay lần lượt là Bắc Giang trên 150 nghìn tấn, Hải Dương 55 nghìn tấn và Hưng Yên 12 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng vải chín sớm chiếm khoảng 25%, thu hoạch rải rác từ khoảng đầu tháng 5 đến đầu tháng 6. Vải chính vụ chiếm khoảng 75%, dự kiến cho thu hoạch từ 10/6 đến 20/7. Trà vải này thường có áp lực tiêu thụ vì sản lượng lớn, tập trung trong thời gian ngắn.
Bắc Giang là địa phương có sản lượng vải lớn nhất cả nước. Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng vải thiều toàn tỉnh xác định tăng hơn so với năm 2017. Tỉnh Bắc Giang đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các hộ nông dân, hợp tác xã tập trung sản xuất, thực hiện đúng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, Global GAP, sản xuất an toàn để nâng cao chất lượng, năng suất vải.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tại Hải Dương, sản lượng vải năm nay dự kiến cũng rất khả quan, khoảng 55.000-60.000 tấn, cao gấp đôi so với năm 2017. Trong đó, trà vải thiều chính vụ dự kiến đạt 35.000-40.000 tấn. Vải này chủ yếu phục vụ nội địa, XK đi Trung Quốc và các nước.
Chú trọng xuất khẩu
Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đều đang ráo riết triển khai các biện pháp để thúc đẩy tiêu thụ sao cho vải được mùa mà không bị mất giá.
Theo ông Thái, hiện vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 55% và XK 45%. “Bắc Giang coi trọng tất cả các thị trường nên trong năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường kể cả trong nước và nước ngoài. Cụ thể, tại thị trường trong nước, giải pháp là tiếp tục mở hội nghị xúc tiến tiêu thụ, đặc biệt là tổ chức Tuần lễ vải thiều ở siêu thị Big C (Hà Nôi), phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức chợ vải thiều năm 2018 tại địa chỉ 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Đây là nội dung rất mới nhằm giới thiệu vải thiều Lục Ngạn, phục vụ bà con nhân dân Thủ đô. Ngoài ra, Bắc Giang sẽ tiếp tục phối hợp với TP. HCM, các chợ đầu mối tại các tỉnh phía Nam đưa quả vải thiều vào trong miền Nam tiêu thụ”, ông Thái nói.
Ông Thái cũng chia sẻ thêm, chủ trương của Bắc Giang là tiếp tục đẩy mạnh XK vải thiều vì XK đem lại giá trị gia tăng nhiều hơn so với tiêu thụ nội địa. Hiện nay, vải thiều Bắc Giang đã có mặt tại gần 20 nước trên thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. “Chúng tôi đã có kế hoạch xúc tiến thương mại, trong đó có tổ chức một hội nghị xúc tiến trực tiếp tại Bằng Tường (Trung Quốc) để mở rộng thị trường XK sang Trung Quốc. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về truy xuất nguồn gốc rau quả NK từ Việt Nam, tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động báo cáo với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, đang triển khai tích cực với các DN để phối hợp với các hợp tác xã, tổ sản xuất, trang trại nhà vườn có biện pháp khắc phục quy định của Quảng Tây”, ông Thái nói.
Liên quan tới việc mở rộng XK vải thiều sang các thị trường khó tính khác, ông Thái đề nghị Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNN tiếp tục đàm phán, khơi thông thị trường các nước, nhất là thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường rất lớn, tiềm năng.
Đứng từ góc độ đơn vị tiêu thụ, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ rau an toàn (UCA) đề nghị các địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ với UCA trong quá trình tổ chức tiêu thụ vải thiều. Nếu ký kết hợp đồng tiêu thụ, ông Tuấn đề nghị cho UCA được ký kết trực tiếp với các hợp tác xã.
Còn ông Nguyễn Mạnh Trường, Tổng giám đốc Công ty XNK Hương Việt bày tỏ: Khoảng 10 năm nay DN đã làm công tác thu mua vải thiều, chủ yếu tiêu thụ nội địa, gần đây mới XK sang Trung Quốc. Trong tương lai, DN muốn mở rộng XK sang nhiều nước. Tuy nhiên, khó khăn của DN là khâu bảo quản sản phẩm bởi vải thiều thu hoạch trong thời gian ngắn, hệ thống kho lạnh của DN chỉ chứa được số lượng nhất định. Ngoài nỗi lo như ông Trường, đại diện một số DN bày tỏ nỗi lo về vận chuyển vải từ nơi thu hoạch tới các nhà máy vệ tinh xung quanh nhằm sơ chế, bảo quản, XK. Các DN đề xuất các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện để lực lượng cảnh sát giao thông tạo điều kiện tốt nhất cho tiêu thụ nông sản, tránh ách tắc kéo dài.
Tác giả: Uyển Như
Nguồn tin: Báo Hải quan