Trong nước

Lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Ghi sổ tang trong lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang sáng nay, 26/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, Chủ tịch nước là nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp, cống hiến cho đất nước; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, Chủ tịch nước ra đi để lại nhiều niềm tiếc nuối...

Cùng thời điểm này, lễ viếng cũng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất TPHCM và Hội trường UBND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, quê nhà Chủ tịch nước.

Cùng lúc này, lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM và tại quê nhà Chủ tịch nước (xóm 13 xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Tại Hà Nội, lễ viếng Chủ tịch nước kéo dài tới 7h sáng mai, 27/9. Lễ viếng Chủ tịch nước tại Hội trường Thống Nhất sẽ tiếp tục diễn ra tới 21h tối hôm nay.

7h57, đoàn Đảng uỷ Công an Trung ương do Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Đoàn Thành uỷ TPHCM do Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân tiến lên thắp nén hương tiễn biệt và cùng cả đoàn mặc niệm Chủ tịch nước.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn Thành ủy TPHCM vào viếng và ghi sổ tang.

Đoàn Quân khu 7 vào viếng tại TPHCM.

Rất đông các đoàn thể, tổ chức, cá nhân chờ vào viếng Chủ tịch nước tại quê nhà Ninh Bình.

Cụ bà luyến tiếc người con ưu tú của Ninh Bình qua đời khi còn dang dở việc nước.

Rất đông người dân cũng đến bàn đăng ký để viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại quê nhà.

7h53, đoàn Quân uỷ Trung ương do Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng Quốc phòng vào viếng Chủ tịch nước.

7h48, đoàn UB Trung ương MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Hầu A Lềnh vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

7h45, tiến tới trước linh cữu là đoàn Chủ tịch nước do quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm trưởng đoàn. Đoàn cùng cúi đầu dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan không kèm nén được nỗi xúc động.

Đoàn Chủ tịch nước dâng nén hương tiễn biệt.

Đoàn UBND tỉnh Ninh Bình do ông Đinh Chung Phụng - Phó Chủ tịch Thường trực dẫn đầu vào viếng Chủ tịch nước tại quê nhà Ninh Bình.

7h36, đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Đoàn viếng có sự tham gia của các Phó Chủ tịch Quốc hội, các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, các nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội và đông đảo các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của UB Thường vụ Quốc hội.

Trong sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết, Chủ tịch nước ra đi để lại bao niềm tiếc nuối trong nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Tấm lòng của Chủ tịch nước sẽ luôn được ghi nhớ.

7h30, đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu vào viếng Chủ tịch nước. Đi bên cạnh Thủ tướng có các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…

Ghi vào sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong cuộc đời công tác 40 năm của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn nỗ lực, kiên trì để hoàn thành các nhiệm vụ, dù trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch nước đã có nhiều đóng góp với sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước. Ông mất đi là một mất mát lớn cho đất nước.

Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu vào viếng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chia buồn cùng gia quyến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang.

7h23, Đoàn Ban chấp hành Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu tiến vào khán phòng. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đại Quang”. Tổng Bí thư thắp hương và cùng đoàn các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng cúi đầu mặc niệm người đã khuất. Tổng Bí thư và các lãnh đạo đi quanh linh cữu, dừng lại chia buồn với phu nhân, người thân của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước khi rời phòng khánh tiết.

Ghi vào sổ tang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch nước Trần Đại Quang– nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến, đóng góp cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là lực lượng Công an nhân dân. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Chủ tịch nước. Xin gửi tới gia quyến lời chia buồn trong giờ phút mất mát đau thương này!”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi sổ tang.

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình do ông Trần Hồng Quảng - Phó Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu - là đoàn viếng đầu tiên tại điểm viếng quê nhà Ninh Bình.

Điểm viếng tại khu an táng.

7h11, Ban Tổ chức mời các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia đình, tang quyến di chuyển về 2 bên lễ đài. Đoàn gia quyến, thân nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào viếng Đại tướng đầu tiên. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Vợ và các con vô cùng thương tiếc”. Phu nhân Chủ tịch nước dẫn các con cháu, thắp nén hương đầu tiên lên lư hương và cúi đầu trong phút mặc niệm thân nhân.

Phu nhân Chủ tịch nước dẫn các con cháu lên thắp nén nhang kính viếng.

7h, Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố lễ viếng bắt đầu. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình sơ lược tiểu sử Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chủ tịch nước do mắc trọng bệnh, dù được tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi. Chủ tịch nước từ trần hồi 10h5’ ngày 21/9 tại Bệnh viện TƯ quân đội 108.

Để tưởng nhớ Chủ tịch nước Trần Đại Quang, các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước quyết định tổ chức tang lễ Chủ tịch nước với nghi thức Quốc tang. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng công bố danh sách Ban lễ tang Chủ tịch nước với 37 thành viên do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.

Đứng ở hàng đầu trong sân Nhà tang lễ là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Văn An…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉnh lại vòng hoa trước khi vào viếng.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình sơ lược tiểu sử Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Đoàn lãnh đạo TPHCM chờ viếng tại Hội trường Thống Nhất. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Bà Đỗ Thị Mơ (75 tuổi) gọi Chủ tịch nước bằng em theo vai họ hàng thông gia, khóc thương Chủ tịch nước.

Người dân quê nhà Ninh Bình tiễn biệt.

6h55, tại Nhà tang lễ Quốc gia, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, thân bằng, gia quyến đã có mặt đầy đủ, sẵn sàng cho lễ viếng. Trên lễ đài là phông bảng đen với dòng chữ lớn “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang”, quốc kỳ gắn dải băng tang. Linh cữu Chủ tịch nước được phủ quốc kỳ, đặt ở vị trí trang trọng trong phòng tang lễ, phía trước có lư hương, khung ảnh, gối huy chương, huân chương. Đứng trước linh cữu là 4 sỹ quan quân đội, hai bên linh cữu có 6 tiêu binh trong lễ phục trắng đứng nghiêm trang.

Tổng Bí thư cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội chuẩn bị vào viếng. (Ảnh: Quang Phong)

Hình ảnh lễ viếng tại quê nhà Ninh Bình. (Ảnh: Thái Bá)

6h47, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân chờ viếng đã đứng kín sân Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất TPHCM và Hội trường UBND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội)

Quang cảnh lễ viếng tại khu an táng Chủ tịch nước (nghĩa trang xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

Lối vào khu an táng tại quê nhà Chủ tịch nước. (Ảnh: Đức Văn)

Ban tổ chức lễ tang thông báo các đoàn vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang không mang vòng hoa; gia đình không nhận tiền phúng viếng. (Ảnh: Quang Phong)

Các vòng hoa do BTC chuẩn bị sẵn để các đoàn tới viếng không mang vòng hoa.

Tại Hội trường Thống nhất TPHCM, từ 6h sáng, các đoàn đại biểu đã bắt đầu tiến vào, đứng theo thứ tự ban tổ chức quy định để chuẩn bị vào viếng. Trong ảnh: Khung cảnh trước Hội trường Thống Nhất, TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Lực lượng chức năng phân luồng giao thông quanh khu vực Hội trường Thống Nhất - TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn)

6h20, người dân đã tập trung quanh nhà tang lễ, mong được vào viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Bà Vũ Thị Thanh Hồng - phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội đến nhà tang lễ từ sáng sớm mong được vào kính viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang; được theo xe tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng (Ảnh: Quang Phong)

6h sáng 26/9: Lực lượng công an, bộ đội được huy động túc trực ở mọi ngả đường quanh nhà tang lễ.

Công an hướng dẫn người tham gia giao thông lưu thông qua khu vực nhà tang lễ (Ảnh: Quang Phong)

Các tuyến đường Nguyễn Công Trứ, Hàng Chuối, Tăng Bặt Hổ... quanh nhà tang lễ bắt đầu được hạn chế phương tiện lưu thông. (Ảnh: Quang Phong)

Linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia.

Theo thông lệ, phần đầu tiên của lễ viếng được dành cho gia đình, họ hàng thân quyến hai bên nội ngoại thắp hương tiễn biệt Chủ tịch nước. Trong nghi lễ Quốc tang, đoàn viếng của Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ vào hành lễ đầu tiên. Đại diện Ban chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là Trưởng Ban lễ tang.

Sau đoàn của Ban chấp hành Trung ương sẽ tới đoàn viếng của các cơ quan Nhà nước khác: Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, UB Trung ương MTTQ Việt Nam…

Theo quy định, trong lễ viếng, trong phòng lễ tang sẽ có 2 tiêu binh khiêng vòng hoa đi đầu, tiếp theo là Trưởng đoàn, phía sau bên phải Trưởng đoàn là sĩ quan dẫn viếng, các thành viên trong đoàn viếng đi theo hai hàng dọc.

Ban Tổ chức Lễ tang tổ chức đón và xếp các đoàn đại biểu nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan, cá nhân nước ngoài khác có nguyện vọng đến viếng và ghi sổ tang.

Lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang kéo dài trọn ngày 26/9, 7h30 sáng mai, 27/9 sẽ diễn ra lễ truy điệu. Sau đó, linh cữu Chủ tịch nước được đưa về quê nhà để chuẩn bị cho lễ an táng vào hồi 15h30 cùng ngày tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Tiểu sử Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sinh ngày 12/10/1956, tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; thường trú tại nhà số 8, phố Nguỵ Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26/7/1980.

7/1972-10/1975: ông là học viên Trường Cảnh sát Nhân dân; học viên Trường Văn hoá ngoại ngữ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

10/1975-6/1990: Là cán bộ, Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Cục Bảo vệ Chính trị, Bộ Nội vụ.

6/1990-9/1996: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh rồi Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tham mưu An ninh, Tổng cục An ninh.

9/1996-10/2000: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh.

10/2000-4/2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Được thăng quân hàm Thiếu tướng An ninh Nhân dân và phong hàm Phó Giáo sư năm 2003.

4/2006-01/2011: Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được thăng quân hàm Trung tướng An ninh Nhân dân (tháng 4/2007) và phong hàm Giáo sư năm 2009. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

01/2011-7/2011: Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị; Đại biểu Quốc hội khoá XIII.

7/2011-12/2012: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công An Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an. Được thăng quân hàm Thượng tướng (tháng 12/2011); Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

12/2012-4/2016: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công An Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, được thăng quân hàm Đại tướng (tháng 12/2012); Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị (tháng 01/2016). Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (tháng 4/2016) được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV (tháng 7/2016) được bầu lại làm Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ tháng 4/2016 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Ủy viên Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương; Đại biểu Quốc hội khoá XIV; Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang là Ủy viên Trung ương Đảng các khoá X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khoá XI, XII; Đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV.

Do có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, huy chương cao quý và Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.

Tác giả: Nhóm PV Thời sự

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok