Thế giới

Lật xe buýt, 12 nữ sinh thiệt mạng

Ít nhất 12 nữ sinh đã tử vong sau khi chiếc xe buýt chở họ bị lật ở Iran vào tối 31-8 (giờ địa phương).

Truyền thông Iran hôm 1-9 cho biết chiếc xe buýt liên tỉnh chở 45 cô gái – hầu hết đều là học sinh trung học - bị lật trên con đường nối liền thị trấn Darab và TP Shiraz, cách thủ đô Tehran khoảng 1.100 km về phía Nam.

Vụ tai nạn khiến 12 nữ sinh thiệt mạng và 33 người bị thương, trong đó có 10 em bị thương nặng. Tất cả đã được chuyển tới bệnh viện địa phương để điều trị.

Chiếc xe buýt chở các nữ sinh đến từ miền Nam khu vực Roudan để tham dự hội nghị quốc gia dành cho nữ sinh tài năng ở TP Shiraz.

Iran là một trong những nước có số vụ tai nạn giao thông cao nhất trên thế giới. Mỗi năm, khoảng 17.000 trường hợp tử vong được ghi nhận ở quốc gia này.

Nguyên nhân gây tai nạn thường do tài xế không tuân thủ luật lệ giao thông, phương tiện không an toàn và các dịch vụ khẩn cấp không đầy đủ.

Chiếc xe buýt chở các nạn nhân bị lật ở Iran vào tối 31-8 (giờ địa phương). Ảnh: SAKSHI

Trong khi đó, lực lượng cứu hộ ở TP Mumbai - Ấn Độ đang tìm kiếm những người sống sót trong tuyệt vọng sau khi một ngôi nhà 6 tầng 117 năm tuổi bị sập, giết chết ít nhất 33 người tính đến hôm 1-9.

Tổng cộng 46 người đã được kéo ra khỏi đống đổ nát. Nhà chức trách vẫn chưa rõ còn bao nhiêu người bị mắc kẹt.

PS Rahangdale, một quan chức địa phương, thông báo hoạt động cứu hộ vẫn đang được tiến hành với gần 300 người tham gia. 14 nhân viên cứu hỏa và cứu nạn đã bị thương trong lúc tìm kiếm các nạn nhân. Xe cứu hỏa, cứu hộ và cứu thương vẫn túc trực tại hiện trường.

Hoạt động cứu hộ diễn ra vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 31-8 (giờ địa phương). Vào cuối ngày, các nhóm cứu hộ tập trung nỗ lực cứu ông Jaffar Rizvi, người gửi thông điệp qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp tới một người họ hàng, nói rằng ông bị mắc kẹt dưới đống đổ nát nhưng còn sống.

Hoạt động cứu hộ vẫn đang được tiến hành với gần 300 người tham gia. Ảnh: REUTERS, INDIAN EXPRESS

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, đồng thời cầu nguyện cho những người bị thương sớm bình phục.

Nguyên nhân gây ra vụ sập nhà tại khu vực đông dân cư Bhendi Bazar của thành phố đang được điều tra. Từ năm 2011, chính quyền Mumbai cảnh báo toà nhà này không an toàn nhưng nhiều người dân vẫn ở lại do không có chỗ ở thay thế.

Thảm họa xảy ra 2 ngày sau khi Mumbai ghi nhận lượng mưa lớn nhất kể từ năm 2005.

Giá bất động sản và cho thuê nhà ở Mumbai rất đắt đỏ nên dù không muốn, những người không có tiền vẫn phải sống trong những căn nhà sập xệ với nguy cơ rình rập.

Tác giả: Phạm Nghĩa (Theo AP, Reuters)

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok