Cụ thể, theo phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đa số công nhân trực tiếp sản xuất không muốn nâng tuổi nghỉ hưu Ảnh: TRỰC NGÔN |
Đại đa số công nhân trực tiếp sản xuất tại công ty chúng tôi không đồng tình với cả 2 phương án và kiến nghị giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện tại. Công nhân trực tiếp sản xuất chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực may, da giày, trong đó 85% là nữ. Công việc họ làm nằm trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại nên chỉ cần làm đến 40 tuổi, sức khỏe NLĐ đã xuống cấp, mắt mờ, tay run... nên không thể tiếp tục làm việc hoặc nếu muốn làm việc tiếp thì doanh nghiệp cũng ngại sử dụng. Công ty chúng tôi đi vào hoạt động sản xuất đã được 29 năm nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ có 5 người làm việc đến độ tuổi 50-55.
Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư trang bị dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại. Điều này khiến nhu cầu sử dụng lao động giản đơn giảm. Ở công ty chúng tôi, trước đây có bộ phận sử dụng 4 thợ may để cho ra sản lượng 120 đôi giày/giờ. Thế nhưng, khi trang bị robot cánh tay, sản lượng đạt được mỗi giờ là 1.200 đôi và chỉ cần sử dụng 2 lao động.
Thậm chí có những khâu sản xuất khác, robot được lập trình chạy tự động suốt 24/24 giờ không cần lao động. Như vậy, trong tương lai gần, số lượng lao động dôi dư sẽ rất lớn, đặc biệt là lao động lớn tuổi. Nên sẽ chẳng có mấy lao động được làm việc đến tuổi nghỉ hưu như dự thảo đề xuất.
Tác giả: Ngô Thị Mỹ Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TP HCM)
Nguồn tin: Báo Người lao động