Trong nước

Lãnh đạo TP HCM được yêu cầu đi chống ngập

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ngập nước là vấn đề nhức nhối dù TP đã nỗ lực rất nhiều. Sắp tới, tất cả thường trực ủy ban sẽ vào cuộc đi chống ngập.

Sáng 29/8, tình hình ngập nước trở thành chủ đề nóng tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm của UBND TP HCM. Phát biểu mở đầu cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thừa nhận: “Giở báo ra, đọc comment (ý kiến phản hồi) của người dân mà thấy nhức nhối”.

Người đứng đầu TP đặt câu hỏi: “Không biết anh Công (ông Nguyễn Ngọc Công, giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước – PV), có đọc không?”.

Ông Phong tiếp tục truy vấn: "Tại sao sự cố gắng của chúng ta từ đầu năm tới giờ vẫn để xảy ra tình trạng như vậy, nguyên nhân từ đâu? Phải có giải pháp chứ từ giờ tới cuối năm vẫn tiếp tục mùa mưa. Tình hình này rất nhức nhối, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân”.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hà Hương

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, trận mưa ngày 26/8 không có triều cường nhưng gây ngập nặng là do các tuyến cống thoát nước bị bít lại bởi rác, kênh rạch bị lấn chiếm chưa được giải toả.

Riêng đối với tình trạng ngập úng tại sân bay Tân Sơn Nhất, theo ông Công, có ba vấn đề khó liên quan đến mương A41, kênh Hy Vọng và mương Nhật Bản. Đối với dự án cải tạo mương A41, quận Tân Bình làm chủ đầu tư, nhưng đến năm 2019 mới hoàn thành.

“Chúng tôi đề nghị UBND TP thúc đẩy Tân Bình phải giải toả ngay để hoàn thành dự án, chậm nhất là 2018”, ông Công đề xuất.

Mương Nhật Bản do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư, đã hoàn thành 85%, ông Công cho biết. Mương Hy Vọng, thuộc dự án của Ngân hàng Thế giới, Trung tâm Chống ngập nạo vét thường xuyên. Tuyến này thoát nước tốt nhưng cần phải mở rộng ra.

Tuy nhiên, theo ông Công, khó khăn lớn nhất trong việc cải tạo mương này là phải làm rõ vấn đề tái định cư của 97 hộ dân dọc theo mương. Theo ông Công, Thống kê có 250 trường hợp lấn chiếm từ hầm ga, xây nhà đè trên cống, lấn chiếm kênh rạch.

Trước tình trạng ngập úng trầm trọng, Chủ tịch UBND TP bày tỏ quyết tâm tất cả thường trực Uỷ ban sẽ đi chống ngập. Ảnh: Khánh Bằng.

Cũng liên quan đến tình trạng ngập úng, ông Nguyễn Ngọc Công cho biết, sáng 29/8, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đã gọi điện đề nghị giải trình.

Với đường Kinh Dương Vương do trung tâm làm chủ đầu tư, chỉ thực hiện được 300 m trong tổng số 3000 m phải làm. Lý do là vướng đường cấp nước của Công ty cấp nước đô thị. “Chúng tôi thoả thuận làm việc 6 tháng nay nhưng chưa di dời đươc. Mặc dù mình khởi công rồi nhưng cứ mưa vẫn ngập”, ông Công nói.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường, trận mưa lớn ngày 26/8 có lưu lượng vượt quá quy hoạch thoát nước của một số nơi. Khu vực thoát nước mưa theo quy hoạch phải đầu tư 6000 km cống thoát nước. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành được 43%. Đối với tình trạng ngập ở Tân Sơn Nhất, theo ông Cường, đây là địa điểm cấp bách phải giải quyết ngay.

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, sắp tới, tất cả thường trực UBND phải đi chống ngập. Từ nay đến tháng 9, chủ tịch, phó chủ tịch phải xuống khảo sát các điểm ngập, điểm lấn chiếm kênh rạnh, làm việc với quận – huyện để đưa ra các giải pháp cụ thể

“Phải tạo ra sự chuyển biến thật sự sau chỉ đạo này. Không có triều cường mà với tình trạng tắc nghẽn, rác thải, lấn chiếm như vậy, thì rõ ràng mưa là ngập. Như vậy, mọi nỗ lực của chúng ta không giải quyết được đồng bộ nên khi mưa xuống, nhà dân vẫn bị ngập”, ông Phong nói.

Tác giả bài viết: Hà Hương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok