Trong tỉnh

Làng quê Thanh Hóa sau lũ nồng nặc mùi hôi thối

Sau khi nước sông Mã rút, đường vào các thôn ngoại đê xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) nồng nặc mùi hôi thối.

Nhiều mảnh vườn đọng nước bẩn, rác thải trên kênh Mạ dạt vào đông đặc. Cuộc sống người dân bao đời nay vốn dĩ đã như vậy.

1. Người dân Thiệu Dương nói nửa thật nửa đùa: “Năm nào không có lũ, chúng tôi lại thấy nhớ. Nhưng là lũ nhỏ, vừa đủ để mang thêm phù sa, màu mỡ cho bãi bồi ven sông Mã, để cuộc sống thêm ấm no. Còn để lũ tràn vào vườn, vào nhà thì chẳng ai mong cả, cuộc sống bị đảo lộn”.

Người dân căng mình chống đỡ mưa lũ

Ông Dương Đình Thanh, Bí thư Chi bộ thôn 10 cho biết, lũ năm nay lên chậm cộng với việc chính quyền tích cực tuyên truyền, nên bà con chủ động đón lũ.

“Sáng 19/8, khi lũ đạt đỉnh thì cả thôn có 170/236 nhà bị nước tràn vào, có nhiều hộ nước lũ dâng cao hơn 1m so với nền nhà. 100% số hộ nước tràn vào vườn. Nhiều tuyến đường ngập sâu trên 2m, đi lại trong thôn gần như tê liệt, thôn 10 trở thành ốc đảo. Người dân phải đóng thuyền mảng chạy lũ”, ông Thanh cho biết.

Đến đêm 19/8, một số thôn vùng ngoài đê bị cắt điện. Giữa bốn bề sông nước, phải di dời 40 hộ, gồm người già cả, gia đình neo đơn. Nhiều hộ phải gồng gánh gà, vịt, lợn... vào vùng nội đê gửi nhờ. Hộ có nhà cao tầng thì vận chuyển lên tầng trên. Rất may không có thiệt hại về người, điều mà chính quyền lo lắng nhất đã không xảy đến.

Dù là một xã thuộc TP Thanh Hóa nhưng người dân sống bằng nghề nông. Nằm ở cuối nguồn sông Mã, gần cửa biển, sau những đợt xả lũ của các nhà máy thủy điện, cộng với nước thủy triều dâng khiến xã Thiệu Dương, đặc biệt là 7 thôn vùng ngoại đê chìm trong nước. Lượng mưa trước, trong và cơn bão số 4 tuy không lớn nhưng hồ Cửa Đạt xả lũ, người dân như ngụp lặn.

Nhà văn hóa thôn 10 bị ngập trên 2 m

Xã Thiệu Dương có 40ha rau màu thì 18,4ha bị thiệt hại 100%, tập trung tại các thôn 8, 9, 10. Tổng thiệt hại do mưa lũ trên 2,5 tỷ đồng. Đó là một số tiền lớn đối với người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Ông Dương Đình Thanh cho biết thêm: “Năm nay, nước lên chậm nên người dân có tâm thế sẵn sàng đón lũ. Tuy nhiên, nước lên chậm, lại xuống chậm. Sau gần 4 ngày ngâm nước, toàn bộ hoa màu 8,5ha của thôn 10 nát bét. Nhà văn hóa thôn ngập ngủm. May là năm 2017, đoàn thanh niên thôn đã hỗ trợ một chiếc thuyền nên việc đi lại được cải thiện. Giờ nước cơ bản đã rút nhưng sắp tới, cái ăn sẽ khó khăn”.

2. 7/10 thôn với gần 8 nghìn nhân khẩu sống ngoài đê sông Mã luôn phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt mỗi năm. Nhưng hỏi họ mong muốn điều gì, người dân chỉ trả lời: “Mong các nhà máy thủy điện, hồ đập thủy lợi thông báo sớm lịch xả lũ, và xả từ từ để người dân chuẩn bị”.

"Các bác không muốn một tuyến đê bao ngăn lũ hay một khu tái định cư à?", tôi hỏi. Một người dân cười: “Một tuyến đê nghe nói mất cả trăm tỷ đồng, mơ ước xa vời quá. Còn tái định cư, thì huyện Thiệu Hóa cũng có quy hoạch rồi nhưng vì không đủ đất, không đủ tiền nên chưa làm. Vì thế, Thiệu Dương vẫn phải sống chung với lũ thôi”.

Trên 18ha hoa màu bị thiệt hại

"Giải quyết hậu quả sau lũ luôn vất vả. Tôi túc trực 3 ngày, 3 đêm xử lý các tình huống. Cả xã có trên 2.000 hộ, 7.500 nhân khẩu của 7/10 thôn bị ngập. Không thiệt hại về người nhưng vấn đề môi trường thì xã đang phải căng mình giải quyết”, ông Hà Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.

Ngay sau khi nước lũ rút, HTX dịch vụ Minh Anh đi thu gom rác. Tuy nhiên, sau lũ lại mưa nên phải đến sáng 22/8 thì HTX mới thuê máy múc và người bơi ra khu vực kênh Mạ để vớt rác. Chưa có dịch bệnh nhưng trước nguy cơ tiềm ẩn, địa phương đã phun hóa chất tiêu độc khử trùng, đặc biệt là các giếng nước, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

“Một vài ngày nữa xã sẽ phun trừ muỗi toàn xã. Trước mắt chưa xuất hiện dịch bệnh gì nhưng xác thực vật, giun chết cũng gây mùi hôi thối kinh khủng, ảnh hưởng đến môi trường sống. Chúng tôi tiếp tục tổ chức lực lượng và vận động người dân vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng”, ông Hà Anh Dương cho biết thêm.

Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng sau lũ

Ngày trước, lũ thường xuyên xuất hiện nhưng đa phần là lũ nhỏ, có tác dụng bồi đắp phù sa cho ruộng đồng ven sông Mã, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt. Nay lũ tuy ít xuất hiện nhưng đã có lũ thì lần nào cũng lớn. Vùng này, đa phần người dân xây nhà tiêu 2 ngăn, nên lũ vào vườn, vào nhà là môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tác giả: VÕ VĂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok