Trong tỉnh

Làng quê điêu đứng vì vỡ nợ

Do ham lãi suất cao, nhiều người dân tại xã Hà Long, huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã dồn hàng chục tỷ đồng cho 1 cá nhân vay. Đến khi “con nợ” thông báo không còn khả năng chi trả người dân mới “tá hỏa” trình báo lên cơ quan chức năng.

Đa số người cho Nguyễn Thị Lý vay nợ đều có giấy biên nhận viết tay hoặc chứng từ của ngân hàng sau các lần giao dịch.


Sập bẫy lãi cao

Mấy ngày qua, bà Bùi Thị Độ - người dân trú tại thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã phải nhập viện cấp cứu vì bị 18 người dân cùng thôn - các “chủ nợ cấp 1” liên tục đến gia đình để đòi nợ (trong đó có nhiều người đã cho bà Độ vay đến hàng tỷ đồng). Do lo sợ bị mất tiền, nhiều người còn yêu cầu bà Độ phải giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất đồi sản xuất nông nghiệp để thế chấp. Bởi lẽ, bà Độ chính là khâu “trung gian”, đi huy động vốn của bà con nông dân trong xã rồi cho 1 cá nhân khác là Nguyễn Thị Lý (SN 1988, người cùng thôn) vay lại. Tính đến trung tuần tháng 11/2022, bà Độ đã huy động và đưa cho Nguyễn Thị Lý tổng số tiền là 14,7 tỷ đồng.

Theo bà Độ, từ tháng 3/2021, Nguyễn Thị Lý đến đặt vấn đề, nói thấy bà có uy tín, có khả năng kêu gọi huy động vốn từ bà con trong thôn nên nhờ thông báo cho vay lãi để đảo sổ nợ tại 1 ngân hàng ở thị xã Bỉm Sơn. Là người địa phương quen biết nhau, lại thấy Lý có cửa hàng kinh doanh thuốc tây và sữa lớn ở địa phương nên nhiều người tin tưởng, cho Lý vay với lãi suất luôn cao hơn các ngân hàng. “Giai đoạn đầu, cứ 5 đến 10 ngày thì Lý trả cả gốc và lãi với mức 1 ngày là 150 nghìn đồng cho 100 triệu đồng tiền gốc, tương đương 4,5 triệu đồng/tháng/100 triệu đồng. Qua nhiều tháng, việc trả nợ đều đúng hạn nên càng có nhiều người đưa tiền đến để tôi làm thủ tục cho Lý vay thêm”- bà Độ lau nước mắt nói.

Đến cuối tháng 10/2022, Nguyễn Thị Lý thông báo với bà Độ là mình bị vỡ nợ do góp vốn làm ăn và bị 1 người ở tỉnh Bình Dương lừa mất 52 tỷ đồng, giờ không liên lạc được, cũng không nắm được tung tích nên không thể trả nổi.

Không chỉ riêng trường hợp bà Độ, tại xã Hà Long (huyện Hà Trung) còn có nhiều người đang cho Nguyễn Thị Lý vay trực tiếp cũng như qua bà Độ với số tiền 2 - 3 tỷ đồng, thậm chí 4 - 5 tỷ đồng. Khi phóng viên có mặt tại địa phương, nhiều nạn nhân đến thông báo bị lừa nhưng lại không muốn nêu tên, sợ họ hàng, người thân biết.


Nguy cơ mất trắng

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Không chỉ ở Hà Long mà nhiều người dân khác ở thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) cũng đã tin và đưa cho Nguyễn Thị Lý vay tiền với lãi suất tương tự. Ông Mai Đức T. trú tại phường Bắc Sơn đưa chúng tôi xem các giấy nợ viết tay và hóa đơn chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, tố Nguyễn Thị Lý đang vay của ông tổng số tiền lũy kế lên đến 5,9 tỷ đồng. “Đây là toàn bộ số tiền bán dứa, chăn nuôi lợn nhiều năm, rồi bán đất, huy động của con cháu. Tôi cho vay từ tháng 10/2021 là 400 triệu đồng, sau huy động cho vay tăng dần. Những tháng đầu, việc chuyển tiền đều qua tài khoản ngân hàng nên có hóa đơn giao dịch, gần đây vì tin tưởng nên thường chỉ chuyển qua tài khoản trên điện thoại" - ông T. bức xúc nói.

Vậy do đâu những người nông dân tại các vùng quê thuần nông có thể huy động trong một thời gian ngắn số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng để cho vay lãi? Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được nhiều người dân cũng như một số cán bộ xã Hà Long cho hay: Nhiều hộ gia đình ở xã Hà Long có tiền tỷ cho vay là bởi dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua xã Hà Long, bà con nhận được bồi thường giải phóng mặt bằng. Mặt khác, nơi đây có quỹ đất lớn và màu mỡ nên nhiều hộ trồng dứa, cây ăn quả cũng có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thế nhưng cần cù chịu khó của người dân địa phương trong sản xuất, rồi tích cóp cũng như tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Trao đổi với báo chí về vụ việc nêu trên, Thiếu tá Nguyễn Văn Dương - Trưởng Công an xã Hà Long (huyện Hà Trung) cho biết: Trên địa bàn có xảy ra sự việc vỡ nợ như phóng viên thông tin, công an xã đã vào cuộc xác minh, nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, thiếu tá Dương từ chối trả lời các thông tin với lý do vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể phát ngôn. Về nội dung người dân phản ánh tổng số tiền các nạn nhân trong xã và ở thị xã Bỉm Sơn cho Nguyễn Thị Lý vay có thể lên tới hơn 100 tỷ đồng. Trưởng Công an xã Hà Long cũng đề nghị phải chờ thông tin điều tra chính xác.

Tác giả: NGUYỄN CHUNG

Nguồn tin: daidoanket.vn

  Từ khóa: lãi xuất cao , vỡ nợ , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok