Đứng tại cảng cá của xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) khoảng 1 tiếng mới thấy những người dân nơi đây phải chịu cảnh ô nhiễm trầm trọng như thế nào. Mùi cá được thổi lên thông qua các ống xả khói của một số nhà máy chế biến bột cá, cùng với nước thải đen ngòm bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến cho ai cũng cảm giác khó chịu.
Dòng nước thải từ các cơ sở chế biến bột cá xả ra môi trường
“Cách đây ít năm, dòng sông Lạch Vạn này sạch lắm, xuống tắm mát bình thường. Thế nhưng giờ chẳng ai dám xuống nước nữa, nhiều người mẫn cảm chỉ cần đặt chân xuống là bị ngứa liền. Nước sông có mùi hôi thôi, màu đen, nhìn đã sợ rồi chứ nói đến việc lấy nước sử dụng”, ông Lê Văn Bốn (SN 1955, người địa phương) cho biết.
Dòng nước màu đen bốc mùi hôi thối
“Mấy năm sống với mùi hôi khó chịu, đã có một số gia đình không chịu nổi phải bán nhà cửa để đi nơi khác. Một số người vì mưu sinh, không thể bỏ được nghề cá từ bao đời nay thì vẫn làm việc tại đây nhưng chuyển nhà đến khu vực xa hơn”, ông Bốn lắc đầu cho biết.
Tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng với mùi tanh, hôi thối nồng nặc đã trở nên “bình thường” với người dân nơi đây, bởi họ bắt buộc phải sống. Nhưng với những người lần đầu đến thì thực sự là thảm họa, bởi mùi tanh xộc vào khiến khứu giác ngạt dần.
Theo ghi nhận của phóng viên, những dòng nước đen ngòm, đặc quánh từ các ống xả đổ xuống dòng nước. Rác thải ở khắp nơi, trôi nổi trên sông. Còn trên bờ, người dân phơi cá, mắm bốc mùi nồng nặc. Cái mùi tanh nồng này theo gió biển bay xa hàng cây số tra tấn dân cư quanh vùng.
Theo người dân phản ánh, nguyên nhân ô nhiễm là do các cơ sở chế biến bột cá
Được biết, việc ô nhiễm môi trường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật như bệnh mắt đỏ, viêm phổi, nấm tay chân và ghẻ lở cho người dân địa phương: “Nguyên nhân là từ các cơ sở, nhà máy chế biến bột cá, phi lê cá… xả thải bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mỗi ngày cả chục tấn cá thì làm sao không ô nhiễm cho được. Mặc dù chúng tôi đã kêu nhiều lần, nhưng các cơ sở này vẫn hoạt động như thường”, bà Nguyễn Thị Bích (SN 1960, người dân địa phương) cho biết.
Đang nâng cấp hệ thống xử lý nhưng… chưa có tiền
Theo phản ánh của người dân, trên địa bàn xã Diễn Ngọc có nhiều nhà máy sản xuất bột cá, nhưng trong đó có 3 cơ sở gây ô nhiễm nặng nề nhất là: Công ty Kim Ngọc Năm, cơ sở Hùng Châu và công ty bột cá Bắc miền trung.
Người dân địa phương cho biết, các cơ sở này đều dùng đường ống xả thải trực tiếp ra sông Lạch Vạn gây nên mùi hôi thối vô cùng khó chịu. Hơn nữa, hệ thống xử lý của các cơ sở chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, việc xử lý chỉ mang tính hình thức, đối phó.
Các ống xả thải trực tiếp ra sông Lạch Vạn
Bà Nguyễn Thị Năm (SN 1957), Giám đốc Công ty Kim Ngọc Năm xác nhận, đúng là trước đây cơ sở này trực tiếp xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và đã bị người dân phản ánh, thậm chí biểu tình đề nghị đóng cửa cơ sở sản xuất này.
“Nhưng đó là người chủ cũ, cách đây hơn 2 năm tôi đã mua lại và đầu tư hệ thống xả thải nên giờ đã đạt chuẩn. Từ khi cơ sở hoạt động lại thì chưa có đơn thư của người dân nào phản ánh chúng tôi làm ô nhiễm môi trường cả”, bà Năm khẳng định.
Bể xử lý được bà Năm khẳng định đạt chuẩn
Theo bà Năm thì đã có rất nhiều đoàn môi trường về kiểm tra, mặc dù chưa được hoàn thiện nhưng hệ thống xử lý rất đảm bảo: “Các ban ngành chỉ nói chúng tôi nâng cao bể xử lý nước thải vì hơi nhỏ và nâng ống khói lên. Do chúng tôi mới đầu tư máy móc nên chưa có nguồn vốn để làm việc đó (?!)”.
Tuy nhiên, theo quan sát thì bể nước xử lý tại công ty Kim Ngọc Năm chỉ giống như bể nước cất thông thường, nguồn nước thải làm bột cá sẽ chảy vào đây, sau đó theo đường ống xả ra sông Lạch Vạn. Bà Năm cũng không đưa ra được một giấy tờ nào chứng minh quy trình xử lý này đúng khoa học.
Văn bản yêu cầu công ty hoàn thiện hệ thống xử lý
Theo ông Nguyễn Ngọc Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc xác nhận: “Hiện tại các cơ sử chế biến thủy hải sản ở địa phương chưa có công nghệ xử lý nước thải, khói mùi đạt chất lượng. Hầu hết chỉ có bể đựng nước thải thô, khiến cho tình hình ô nhiễm trầm trọng hơn”.
Được biết, năm 2006 làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc được thành lập trên diện tích 2,16 ha. Cùng với đó, xã Diễn Ngọc còn được hỗ trợ hơn 1,8 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải của làng nghề với bể chứa hơn 400 m3.
Tuy nhiên, khi đưa hệ thống xử lý nước thải này vào sử dụng, do bể xây dựng quá sâu, không có hệ thống chống thấm, không có nắp đậy nên nước thải sau khi lọc không thoát ra ngoài được mà đọng lại, bốc mùi hôi thối.
Người dân xã Diễn Ngọc hơn bao giờ hết mong muốn có nguồn nước sạch, có bầu không khí trong lành để không phải nơm nớp lo sợ bệnh tật. Đặc biệt dòng sông Lạch Vạn được trong sạch như xưa.
Lạch Vạn (Cửa Vạn) dài khoảng 1km, là điểm cuối của sông Bùng - nơi tiếp giáp giữa sông và biển, nơi thông thương đi lại của tàu thuyền, đặc biệt là của ngư dân huyện Diễn Châu ra biển đánh cá. Tại xã Diễn Ngọc có khoảng 500 tàu cá, tại Diễn Bích có khoảng 200 tàu cá thường xuyên ra vào Lạch Vạn. |
Tác giả bài viết: Anh Ngọc