Ông Lê Văn Thanh truyền đạt kinh nghiệm nuôi cá lồng cho con trai và con dâu.
Dưới chân cầu Dùng, thuyền nối thành một vệt dài. Ông Lê Văn Thanh - một cư dân làng vạn chài cho biết, trước đây, ông cư trú tại xóm Vạn Quánh, thuộc xã Đồng Văn, nay tôm cá không còn, ông phải lên Thị trấn để gần chợ và còn buôn bán thêm. Nói là buôn bán nhưng kỳ thực họ không có vốn, chỉ buôn thúng bán mẹt, lấy sỷ tôm cá của nhau hoặc lên chợ sỉ mấy bao kẹo, gói bim bim đứng ở cổng trường bán cho học sinh. Họ chủ yếu đi nhặt ve chai, làm cửu vạn. Ông Thanh cũng thừa nhận: có những nghề là của dân vạn như khai thác cát sạn nhưng vì không có vốn nên chúng tôi lại là người đi làm thuê cho các ông chủ trên phố. Cả làng vạn chài không ai có thuyền hút cát.
Trong số gần 100 hộ dân vạn chài ở Thị trấn Thanh Chương, chỉ còn hộ ông Phạm Đức Thành là chưa có nhà. Trước đây, họ ở xóm vạn Thanh Hà, nay toàn bộ xóm này đã lên bờ thành lập một xóm mới là Giang Thủy. Ông Thành vốn gốc xã Nam Trung (Nam Đàn) lấy vợ và ở rể trong điều kiện khó khăn không thể làm nhà trên bộ, ở lại một mình không làm ăn được, ông lên gia nhập làng chài Thị trấn. Hàng ngày, 6 miệng ăn chỉ nhìn vào mấy tay lưới và vai ba chục ống trúm bắt tôm.
Không có đất, bà Trần Thị Mùi nuôi lợn trên bè, gây ô nhiễm môi trường sông nước.
Cạnh thuyền nhà ông Thanh là bè nuôi lợn của bà Trần Thị Mùi. Nhà neo người lại không có ngư cụ đánh bắt tôm cá, không có đất sản xuất, không có cả đất làm chuồng lợn bà phải đóng bè nuôi lợn trên sông, may mà còn tý đất bãi chênh vênh, không ai dựng nhà được nên bà mới trồng được rau nuôi lợn.
Dẫu còn rất khó khăn nhưng làng chài Thị trấn là cụm dân chài khá nhất trên địa bàn huyện Thanh Chương. Các xóm vạn Rộ và Giăng người dân chủ yếu làm cửu vạn hoặc làm việc trên các thuyền hút cát. Đây là công việc vất vả và nguy hiển, tháng trước có người đã bị chết đuối do kiệt sức rơi xuống sông.
Dưới chân cầu Dùng, thuyền nối thành một vệt dài...
Trước cuộc sống khó khăn của người dân vạn chài, lãnh đạo các cấp cũng đã có nhiều chủ trương giải pháp để giúp đỡ họ nhưng như ông Lê Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thị Trấn Thanh Chương cho biết: Mặc dù đã quan tâm và tạo mọi điều kiện cho người dân làng chài nhưng do con cháu không được ăn học đến nơi đến chốn nên hầu hết họ không được nhận vào làm việc tại các cơ quan, nhà máy, cuối cùng lại quay về với cuộc sống lênh đênh trên sông nước”.
Người dân Làng chài thị trấn Thanh Chương liều mình vớt củi trên sông Lam ngày lũ.
Tỉnh Nghệ An và huyện Thanh Chương cũng đã từng tổ chức thực hiện xây dựng các khu tái định cư tại Khe Mừ - xã Thanh Thủy và Triều Dương - xã Thanh Lâm. Khởi công từ ngày 7/5/ 2010, theo kế hoạch, các khu TĐC này sẽ hoàn thành sau 2 năm nhưng đến nay vẫn dang dở, bản vẽ thiết kế hoành tráng bao nhiêu thì thực tế đìu hiu bấy nhiêu. Mơ ước được định cư chuyển đổi nghề nghiệp chưa biết đến bao giờ mới được thực hiện.
Dù đã tiêu tốn trên 40 tỷ đồng nhưng Khu TĐC Khe Mừ tại xã Thanh Thủy – Thanh Chương vẫn chỉ là một bãi đất hoang.
Không đất đai vườn ruộng, không nghề, không vốn người dân vạn chài lại xuống sông. Sau một quá trình vay mượn huy động vốn, nay, ông Lê Văn Thanh làng chài Thị trấn đã hạ thủy được chiếc lồng cá được đóng theo công nghệ mới băng thép chắc chắn. Chiếc lồng có giá trị 40 triệu đồng này có thể là cứu cánh, cũng có thể là một “cục nợ” nếu làm ăn thất bát và nếu nó là cứu cánh thì cũng không cứu được mấy nhà vì toàn xóm chài cũng mới chỉ có ông Thanh và vài ba hộ dám đầu tư.
Nước sông Lam "có khi đầy khi cạn", nhưng đời sống của người dân làng chài thì cứ ngày một khó khăn. Những chiếc thuyền chài nay đây mai đó, sớm tối đi về với một nhúm cá tôm. Vào những ngày mưa lũ, người ta ngơi nghỉ thì những người dân vạn chài phải liều mình vớt củi, loại tài sản đối với đa số đã là vô giá trị. Những tấm lưng trần nắng gió khỏe mạnh đang quần quật ngày đêm trên các con thuyền hút cát trên sông để nhận những đồng lương còm cõi trả theo buổi, theo ngày… Người dân làng vạn chài dù có muốn cũng chưa thể lên bờ…
Tác giả bài viết: Trần Đình Hà