Xã hội

Làng biển Nam Ô sắp mất?

Hiện nay, toàn bộ bờ biển Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) trải dài từ ghềnh Xuân Dương tới cuối đường Nguyễn Tất Thành đã nằm trong dự án một khu du lịch lớn. Người ta đang giải phóng mặt bằng. Số phận Lăng cá Ông nằm trong đất dự án không biết sẽ như thế nào?

Những câu hỏi lớn

Nếu để lại, mỗi năm họ có mở cổng khu du lịch cho dân vào làm lễ cầu ngư hay không? Chưa kể, khi chuyển đi nơi khác, những ngư dân biết còn theo được nghề biển, liệu họ có về làng cũ để thực hành tín ngưỡng cầu ngư?... Đó là hàng loạt câu hỏi đặt ra đối với người dân bao đời gắn với ngôi làng biển lâu đời này. Gia đình cụ Lê Nắng (84 tuổi) ở Nam Ô đã bốn đời theo nghề biển, bảo, bây giờ toàn bộ bờ biển đã thuộc dự án, khi những biệt thự mọc lên, dân muốn bước xuống tắm biển còn không được nói gì bám nghề biển mưu sinh. Cụ Nắng kể, mấy chục năm ở làng, cái thói quen trưa hè ra rặng dừa trước biển hóng mát không tài nào bỏ được. Nhưng sắp tới, tất cả chỉ còn là ký ức...

Di tích lăng Ông bên những ngôi nhà bị đập phá để làm resort.

Ông Trương Phước Long (65 tuổi) ở tổ 91 Nam Ô đã theo nghề biển từ năm 18 tuổi. Nhà sát biển, chỉ vài bước chân là tới mép nước, cái nghề vốn quen thuộc, nên ở tuổi này ông vẫn bám mưu sinh. Rồi, dự án khu du lịch mọc lên, gia đình ông Long bị giải tỏa trắng, sắp tới sẽ chuyển về khu tái định cư Hòa Hiệp 2, nghề biển theo ông 47 năm chắc đành khép lại. Hai đứa con ông Long cũng theo nghề biển nhưng chẳng biết sẽ trụ được bao lâu.

Ông Long bảo, cá sống được nhờ nước, nghề biển muốn tồn tại thì phải sống trong không gian làng biển, bên bờ biển, có nơi đặt thuyền thúng, bây giờ chuyển vào khu tái định cư với 4 bức tường nhà ống, muốn ra tới biển phải mang vác ngư cụ băng qua tuyến đường Nguyễn Tất Thành 2 làn xe chạy như mắc cửi... chỉ còn nước bỏ nghề. Mà bỏ nghề thì làm gì mưu sinh?

Nam Ô là nơi lưu dấu đậm đặc các dấu tích văn hóa từ nhiều thế kỷ. Ngoài di tích miếu bà Liễu Hạnh, lăng Ông thì cả cánh rừng thâm u và gành đá tuyệt đẹp cũng nằm trong đất dự án khu du lịch. Cánh rừng này có từ mấy trăm năm trước, dân làng ra sức bảo vệ, không ai dám vào chặt phá cây cối.

Trong rừng còn 2 phế tích là miếu bà “Chúa Tiên Thần Nữ”- vị nữ thần bảo hộ dân làng có từ thời các chúa Nguyễn và miếu vọng Công chúa Huyền Trân. Tương truyền, trong quá trình đào thoát khỏi Chiêm thành, cánh rừng này là điểm ẩn nấp cuối cùng của Công chúa Huyền Trân trước khi lên “thuyền nhẹ” ra “thuyền lớn” giong về cố quốc. Ở gành đá trước cánh rừng đâm ra biển có loài mứt (rong biển) ngon nức tiếng, từng là món ăn “tiến vua”, giờ vẫn được ngư dân ra cào mang về bán ở chợ Nam Ô.

Nhưng cả cánh rừng, ghềnh đá, nghề cào mứt mà đặc ân thiên nhiên ban tặng cho làng Nam Ô rồi đây sẽ không còn thuộc những ngư dân bao đời sinh sống trên đất này. Rồi nữa, nước mắm Nam Ô ngon nức tiếng là nhờ con cá con tôm đánh bắt được ở cửa biển mỗi sớm hôm, cái nghề truyền thống mưu sinh của hàng trăm hộ dân, giờ không còn nghề biển, họ đi đâu, về đâu?

Cụ Nắng (phải) và ông Long ánh mắt đượm buồn nhìn ra cửa biển.

Còn đâu không gian ký ức?

Chúng tôi đem những trăn trở của dân Nam Ô trao đổi với bà Nguyễn Thị Lệ- Chủ tịch P.Hòa Hiệp Nam để mong được chia sẻ. Bà Lệ nói, dự án khu du lịch Nam Ô resort có diện tích hơn 35 ha ôm trọn bờ biển Nam Ô với 606 hộ dân thuộc 55 tổ dân phố phải di dời, giải tỏa. Trong số đó có 167 hộ ngư dân, khoảng 80 hội viên làng nghề nước mắm truyền thống. Phần lớn ngư dân Nam Ô làm nghề khai thác gần bờ, theo kế hoạch của TP tới năm 2020 sẽ xả bản hết thuyền thúng, hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Các hộ làm nước mắm truyền thống được di dời về P.Hòa Hiệp Bắc, bên sông Cu Đê làm thành khu sản xuất tập trung. Theo bà Lệ, phần lớn người dân làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô mua cá từ Quảng Ngãi về ướp nên di dời đi nơi khác cũng không ảnh hưởng gì. Việc cào mứt, bà Lệ nói người dân đi thuyền thúng từ biển vào vẫn có thể cào...

Không thể phủ nhận các dự án đầu tư sẽ thay đổi kinh tế địa phương, song việc chọn phương án phát triển thế nào để hài hòa là câu chuyện khác. Nam Ô là một làng chài truyền thống, đậm đặc trầm tích văn hóa, nó vẫn có thể phát triển du lịch sinh thái, làng nghề một cách cuốn hút mà không nhất thiết phải bê-tông hóa, phủ lên đó các biệt thự, rào chắn bờ biển.

Đà Nẵng đã có rất nhiều resort chiếm luôn cả bãi biển. Nếu hình dung cứ cắt bờ biển xây resort mãi, một mai, Đà Nẵng đâu còn những không gian của ký ức, không gian của làng chài đặc trưng như Nam Ô? Du khách tới Đà Nẵng để tìm những biệt thự, resort có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi, hay tới Đà Nẵng để tìm nét gì đó rất riêng, “rất Đà Nẵng” như một làng chài đơn sơ, đậm chất văn hóa biển, với vạt rừng thâm u, ghềnh đá quyến rũ tự nhiên và nên thơ như Nam Ô? Nam Ô của huyền sử, Nam Ô của tự nhiên, Nam Ô có thể biến thành làng du lịch độc đáo mà mỗi người dân đều được tham gia, bên bờ biển- không gian sinh tồn của làng biển, được hay không?

Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao về những không gian ký ức của Đà Nẵng đang mất đi trong quá trình đô thị hóa. Ông Hùng chia sẻ, dưới góc độ người làm văn hóa, xót xa lắm. Một ngôi nhà cổ phá đi cũng đã xót rồi. “Bây giờ chúng tôi cho khảo sát nhanh, nếu đủ điều kiện công nhận di tích ngay để dùng Luật Di sản bảo vệ, dù nó nằm trong hay ngoài dự án”- ông Hùng quả quyết...

Tác giả: Hải Quỳnh

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng- CADN Online

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok