Vài ngày sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT - mua thành công hơn 3 triệu cổ phiếu SAS của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), doanh nghiệp của bà Lê Hồng Thủy Tiên ra thông báo đính chính.
Theo đó, IPP Group gửi nhầm biểu mẫu báo cáo và trên thực tế chưa mua thêm cổ phiếu Sasco.
Cụ thể, Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPGroup) do bà Lê Hồng Thủy Tiên làm tổng giám đốc trên thực tế đã không chi ra số tiền khoảng 80 tỷ đồng mua hơn 3 triệu cổ phiếu SAS để nâng tổng số cổ phiếu cổ phiếu SAS nắm giữ lên hơn 34,6 triệu đơn vị (gần 26%).
Theo IPP Group, tập đoàn này đã phát hiện thông tin công bố hôm 16/11 trên HNX là nhầm lẫn và nguyên nhân là do sai sót trong việc gửi nhầm biểu mẫu báo cáo kết quả giao dịch thành công.
Trong thông báo có ghi nhận, trong khoảng thời gian từ 10-13/11, IPP Group đã mua hơn 3 triệu cổ phiếu cổ phiếu SAS, nâng lượng sở hữu từ 31,63 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23,7%) lên 34,63 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 25,94%).
Trong khi trên thực tế, theo giải thích của IPP Group, doanh nghiệp này mới chỉ đăng ký mua thêm cổ phần mới và giao dịch này chưa được thực hiện.
Trong 6 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu SAS đã tăng 5 phiên với tổng mức tăng là gần 5,6%.
HIện tại, nhóm công ty liên quan tới vợ chồng ông Hạnh Nguyễn gồm IPP Group, ACFC và DAFC hiện sở hữu tổng cộng khoảng 44% cổ phần của Sasco.
Cả bà Lê Hồng Thủy Tiên và chồng Jonathan Hạnh Nguyễn hiện đều nằm trong HĐQT của Sasco. Ông Hạnh Nguyễn là chủ tịch, trong khi đó bà Thủy Hiên là thành viên HĐQT không tham gia điều hành.
Cựu diễn viên Lê Hồng Thủy Tiên - mẹ chồng Tăng Thanh Hà gần đây bất ngờ trở thành 1 trong người giàu có hàng đầu trong giới doanh nhân Việt Nam sau khi ông Johnathan Hạnh Nguyễn chuyển giao phần lớn cổ phần cho vợ và con.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên và con trai Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Phi Long nắm giữ cổ phần với tỷ lệ lần lượt 59%, 20% và 20%. Trước đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn từng nắm 90% vốn.
Đây là một tập đoàn ghi dấu ân của bà Lê Hồng Thủy Tiên. Doanh nghiệp nhà bà Thủy Tiên phân phối rất nhiều thương hiệu hạng sang như: Burberry, Ferragamo, Versace Rolex… và nhiều thương hiệu chuỗi nhà hàng ăn nhanh như: Burger King, Dunkin Donuts… với doanh thu đang hướng tới ngưỡng 1 tỷ USD.
IPP Group gần đây đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hàng không như thương vụ nói trên. Trước đó, IPP cũng từng đặt vấn đề mua sân bay Phú Quốc và trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhưng chưa thành công. IPP hiện giữ 30% cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh.
Các doanh nghiệp dịch vụ và hạ tầng hàng không thời gian gần đây thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư khi mà ngành hàng không liên tục phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều hãng bay trong và ngoài nước.
Theo thông tin từ Sở GDCK Hà Nội, CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) vừa nhận được quyết định về việc chấp thuận niêm yết cổ phiếu tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) vào ngày 20/11/2017.
Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tăng giá mạnh trong vài năm gần đây. Từ mức giá hơn 10 ngàn đồng trong phiên IPO cuối năm 2015, ACV đã tăng lên 50 ngàn đồng hồi tháng 8/2017 và hiện đã ở mức giá cao kỷ lục mọi thời đại: 82.000 đồng/cp.
Cổ phiếu hàng không VietJet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo hiện cũng đang ở vùng giá cao kỷ lục: 120.000 đồng/cp.
Ngành hàng không Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Lượng khách bay nội địa tăng 30% và khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay luôn tăng trưởng hai con số.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số VN-Index tiếp tục lên mức cao kỷ lục trong gần 10 năm qua: 935,57 điểm, tăng hơn 5% so với tuần trước đó. Dòng tiền có xu hướng chảy sang các cổ phiếu tầm trung và tầm nhỏ.
Về tổng thể, quy mô và thanh khoản trên TTCK tiếp tục cải thiện. Dòng vốn nội và ngoại vẫn đổ vào thị trường cho dù VN-Index đã lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2008 và là thị trường có tốc độ tăng mạnh thứ 3 thế giới.
Theo SHS, việc dịch chuyển của dòng tiền như hiện tại thì mức tăng trong tuần tới nhiều khả năng sẽ bị thu hẹp nhưng độ rộng thị trường sẽ được cải thiện. Dự báo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến ngưỡng tâm lý tiếp theo tại 950 điểm.
Mặc dù vậy, nhiều CTCK dự báo thị trường trong thời gian tới có sự phân hóa mạnh khi lực chốt lời các cổ phiếu vốn hóa lớn, tăng nóng trong thời gian qua và dịch chuyển qua các cổ phiếu vừa và nhỏ trong thời gian tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/11, VN-index tăng 1,87 điểm lên 935,57 điểm; HNX-Index tăng 0,65 điểm lên 110,83 điểm. Upcom-Index giảm 0,16 điểm xuống 54,1 điểm. Thanh khoản đạt gần 289 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 7,3 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
Tác giả: H. Tú
Nguồn tin: Báo VietNamNet