Trong tỉnh

Lâm tặc lại 'xẻ thịt' những cây gỗ lớn Vườn quốc gia Cúc Phương

Bẵng đi một thời gian, tình trạng phá rừng tại xã Thành Yên (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa), thuộc địa phận của Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương lại tiếp diễn.

Đây thực sự là vấn đề đáng lưu tâm, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng liên tục chỉ đạo thực hiện chủ trương “đóng cửa rừng”.

Cửa rừng vẫn mở

Tình trạng khai thác rừng trái phép là vẫn tiếp diễn ở VQG Cúc Phương

Dù có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhưng lâm tặc với những thủ đoạn, phương thức tinh vi vẫn luôn trực chờ cơ hội để ra tay, mà ở đó những cánh rừng nguyên sinh màu mỡ là đích đến. Thực trạng đáng lo ngại nói trên đang diễn ra tại VQG Cúc Phương.

Cúc Phương là VQG đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời là KBTTN, khu rừng đặc dụng với diện tích 22.000ha nằm trên địa giới hành chính của 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. VQG Cúc Phương có hệ động, thực vật phong phú và đa dạng, với những yếu tố trên không có gì lạ khi đây là địa điểm được các đối tượng lâm tặc “đặc biệt” quan tâm.

Còn nhớ, vào ngày 10/5/2017, NNVN đã đăng tải bài viết “Những cánh rừng VQG Cúc Phương đang bị tàn phá nặng nề” phản ánh vấn đề nổi cộm tại địa bàn xã Thành Yên (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Bẵng đi một thời gian, thực trạng lâm tặc “xẻ thịt” rừng vàng nơi đây lại tiếp diễn.

Một điều dễ nhận thấy là cách thức hoạt động của các đối tượng “lâm tặc” ngày càng tinh vi, có chủ đích hơn. Nhằm tránh tai mắt của lực lượng chức năng, chúng không khai thác ở vùng ngoài mà lựa chọn địa điểm ở sâu tít bên trong, đồng thời chuyển đổi cách thức từ chặt phá tràn lan sang thực hiện rải rác. Các đối tượng thường âm thầm vận chuyển cưa máy, trang thiết bị cất giấu sẵn trong rừng, chờ khi thời cơ chín muồi mới xuống tay hành động. Xong đâu đấy lại tay không di chuyển ra ngoài nghe ngóng động tĩnh, thấy êm sẽ quay vào tiến hành cắt xẻ. Điều này khiến cho công tác quản lý, đối phó hết sức gian nan.

Nhiều thân cây lớn bị đốn hạ

Những ngày này mưa nhiều, thành thử con đường đá tai mèo sắc lẹm trơn hệt như được đổ mỡ. Từ bìa rừng xã Thành Yên, sau hàng giờ đồng hồ đánh vật trên cung đường khổ ải, vượt hơn 4km, dấu vết của nạn phá rừng dần hiện ra trước mắt. Cách vị trí đang đứng chừng 100m, thấp thoáng dưới tán tầng cây lá thấp có một thân cây khá lớn bị đốn hạ, theo quan sát của PV đường kính của cây trên dưới 50cm, dấu vết để lại cho thấy sự việc xảy ra chưa quá lâu.

Di chuyển tiếp 2km, chúng tôi ghi nhận thêm nhiều cây khác bị chặt phá không thương tiếc, chỉ một số ít có dấu búa kiểm lâm, còn lại cơ bản vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Đáng nói có những cây kích thước rất lớn, 1 người ôm không xuể, dài trên dưới 20m. Nhiều cây bị cắt xẻ, chiến lợi phẩm đã được tẩu tán ra ngoài. Bên cạnh đó, tại một điểm khai thác với diện tích rộng hàng chục m2 xuất hiện hàng loạt thanh tấm gỗ nhỡ được cưa vuông vắn còn sót lại, nằm ngổn ngang, chỏng chơ giữa chốn rừng già.

Theo lời người dân bản địa, hiện trường khai thác thuộc khu vực “thung Trong và thung Quèn Cả của thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành”.

Chưa ký kết phối hợp cấp tỉnh

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Thanh Hóa Lê Quốc Việt cho biết tại huyện Thạch Thành có 3 xã nằm trong địa phận của VQG Cúc Phương là Thành Mỹ, Thành Yên và Thạch Lâm với tổng diện tích 3.910,3 ha, trong đó riêng Thành Yên là 2.044,9ha.

Một địa điểm phá rừng trong VQG Cúc Phương, nhiều thân gỗ xẻ nằm ngổn ngang

Ông Việt khẳng định vẫn có tình trạng khai thác trái phép theo hình thức tỉa rải rác, nhỏ lẻ. Riêng tháng 11/2017 phát hiện 2 vụ, gồm 1 cây gỗ tráng kẻ, đường kính 40cm (kiểm tra ngày 17/11) tại tiểu khu 13 của xã Thành Mỹ phát hiện và 1 cây gỗ tráng kẻ khác, có đường kính 60cm tại tiểu khu 16 của xã Thành Yên (kiểm tra ngày 19/11). Sau khi lập hồ sơ, Kiểm lâm tiểu khu của Hạt Kiểm lâm VQG đang phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành và chính quyền địa phương của 2 xã Thành Yên và Thành Mỹ để điều tra, truy tìm đối tượng liên quan.

Nhận định về tình hình lúc này, ông Việt bày tỏ quan điểm: “Phần lớn diện tích rừng giàu trên địa bàn đều tập trung ở rừng đặc dụng, nơi có chủ rừng đích thực đảm bảo công tác an ninh. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả nhất thiết các cấp chính quyền phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa”.

Qua tìm hiểu của PV, hiện nay là giữa Thanh Hóa và Ninh Bình chưa ký kết được quy chế phối hợp cấp tỉnh, hiện mới chỉ dừng ở cấp Hạt trở xuống nên việc trao đổi thông tin, tiến hành tuần tra chung và xử lý vi phạm còn tồn tại những rào cản nhất định, đặc biệt là ở khu vực giáp ranh.

Phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa thông tin thêm, tình hình an ninh rừng trên địa bàn huyện Thạch Thành nói chung và địa phận thuộc VQG Cúc Phương nói riêng thời gian gần đây có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng đầu nậu ở các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc cấu kết với một số đối tượng bản địa phối hợp tiến hành khai thác trái phép.

Một vị trí khai thác khác

Đề cập đến tình trạng phá rừng trên địa bàn, ông Trương Thanh Đại, Chủ tịch UBND xã Thành Yên xác nhận: “Ở thung Quèn Cả, qua nắm bắt có 2 cây khai thác mới, rải rác trước đó có 5 - 6 cây, tại thung Trong cũng có vài cây nhưng không phát hiện thấy khai thác mới. Hàng tháng địa phương phân công nhiệm vụ, tiến hành khoanh vùng nhưng do các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi nên không thể kiểm soát hết được”.

Tác giả: VIỆT KHÁNH

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Từ khóa: cúc phương , lâm tặc , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok