Sự mất tích của Vũ “nhôm” hay trước đó là Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng và hotgirl Trần Vũ Quỳnh Anh có phải do quản lý người không đề phòng nên cứ hễ có vấn đề là... “cao chạy xa bay”?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược, bộ Công an cho rằng, ý kiến về sự tiếp tay, sắp xếp cho Vũ “nhôm” mất tích là dễ hiểu. Nhưng một công dân khi chưa có bản án tuyên của tòa án, họ vẫn được phép thực hiện đầy đủ quyền công dân theo Hiến pháp quy định.
Vũ "nhôm" không còn ở nơi cư trú khi bị khởi tố nên đã bị truy nã toàn quốc. (Nguồn ảnh: Internet). |
“Điều tra, thậm chí khởi tố nhưng người ta vẫn có quyền được tại ngoại trong một số trường hợp nào đó. Cái hay của nền tư pháp dân chủ là người dân luôn được thụ hưởng quyền công dân ở mức cao nhất. Nhưng điều này cũng tạo ra sự lợi dụng, bỏ trốn như trường hợp Vũ “nhôm”, Trịnh Xuân Thanh”, ông Cương bày tỏ.
Cá nhân ông Cương cho rằng, các bộ: Tư pháp, Công an, Nội vụ, Ngoại giao cần xem xét lại tất cả vụ việc này để tìm ra sơ hở chỗ nào, luật pháp cần sửa ở đâu? “Phải làm rất thận trọng mới ra được vấn đề để điều chỉnh, không thể võ đoán được”, ông Cương lưu ý.
Từ những sự việc như Trịnh Xuân Thanh, Vũ “nhôm” hay Trần Vũ Quỳnh Anh, ông Cương nhìn nhận, vấn đề quản lý nhân sự, con người trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập khác với thời kỳ bao cấp. Ở thời kỳ bao cấp, một người chỉ cần ra khỏi làng 3 ngày sau cả làng biết, xôn xao chuyện họ đi đâu, làm những gì.
Thiếu tướng Lê Văn Cương nói: "Từ những sự việc như Trịnh Xuân Thanh, Vũ “nhôm” hay Trần Vũ Quỳnh Anh, vấn đề quản lý con người đã khác thời bao cấp". (Nguồn ảnh: Internet). |
“Vũ “nhôm” mất tích có ai tiếp tay không là điều cơ quan chức năng cần làm rõ để rộng đường dư luận. Cũng không hẳn cứ động đến có vấn đề là mất tích bí ẩn, vì phải có những uẩn khúc nhất định. Không phải ai có vấn đề cũng “mất tích” được như thế. Dư luận có thể vì bức xúc với trường hợp Vũ “nhôm” từ lâu nên có những nghi ngại việc này, việc khác”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Đề cập đến việc bắt tay “không trong sáng” giữa doanh nhân và một bộ phận lãnh đạo các địa phương hiện nay, ông Cương phân tích, mối quan hệ giữa doanh nhân với quan chức không phải đến bây giờ mới có và cũng không riêng gì ở Việt Nam.
Trên thế giới nhiều nước đã có tình trạng này. “Đây là liên minh ma quỷ tàn phá nền kinh tế vì nhóm lợi ích. Mức độ ở mỗi nước khác nhau, ở nước có hệ thống pháp luật chặt chẽ thì liên minh này ít phát triển, còn luật pháp lỏng lẻo, liên minh có nhiều cơ hội thao túng”, vị Thiếu tướng bày tỏ quan điểm.
Để ngăn chặn, theo Thiếu tướng Lê Văn Cương phải bắt đầu từ luật pháp. Giáo dục và tuyên truyền khó thay đổi, chỉ có luật pháp thật nghiêm minh mới điều chỉnh được con người. Có luật phải đi kèm hệ thống giám sát quyền lực, trao quyền đến đâu giám sát đến đấy.
“Ở Singapore, một quan chức có 5 cơ quan theo dõi nên không thể tham nhũng. Trả lương cao để không muốn tham nhũng vì không muốn đánh đổi cuộc sống đầy đủ, chỉ sai phạm một chút mà mất chức thì nguy hại hơn nhiều khi làm việc ở cơ quan. Đã tham nhũng sẽ bị xử lý rất nghiêm nên sợ tham nhũng. Đó là những kinh nghiệm rất đáng học hỏi”, ông Cương nhấn mạnh.
Về câu chuyện Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chia sẻ, lúc ông làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã biết đến, có những doanh nghiệp đứng trước cửa UBND chỉ mặt mấy ông phó giám đốc sở, giám đốc sở hỏi “chúng mày có muốn làm nữa không thì bảo?”, Thiếu tướng Cương cho rằng: “Trao quyền để thực thi công vụ nhưng doanh nhân lại quay lại lộng quyền chứng tỏ bộ máy công quyền yếu kém, không thực hiện được nhiệm vụ luật định.
Bản thân những cán bộ đó sợ làm dứt điểm thì “há miệng mắc quai”, sẽ động đến bản thân mình. Hiện tượng này không chỉ ở Sơn La mà còn có ở các địa phương khác, cần chấn chỉnh ngay để không còn một Vũ “nhôm”, Út “trọc” nào nữa”.
Tác giả: Dương Thu
Nguồn tin: Báo Người đưa tin