Trong nước

Làm quan đừng chỉ nói hay, quên làm

Lãnh đạo TP Đà Nẵng bị Trung ương thi hành kỷ luật, chúng ta lại có một bài học đắt giá: Bài học Nói và Làm của cán bộ đảng viên.

Xưa nay, cùng với công trạng, kỳ tích cụ thể, các bậc vĩ nhân thường để lại những phát ngôn bất hủ làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của nhân loại. Những lời nói hay, những phát ngôn ấn tượng ấy được người đời ngợi ca, bình phẩm, ghi chép, truyền tụng theo thời gian. Người xưa gọi đó là “lập ngôn”.

Ngày nay cũng vậy. Dù không ai dám vỗ ngực tự cho mình là vĩ nhân, nhưng nhiều người, nhất là những người đảm trách các chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo đất nước luôn ý thức rõ tầm quan trọng của những lời nói mang tính “lập ngôn” như vậy.

Thế nên, nói lúc nào, nói cái gì trước dân chúng, trước những người đã bỏ phiếu bầu mình vào cương vị ấy là điều luôn được tính toán cẩn thận, sao cho đó chỉ có thể là những lời hay ý đẹp, những phát ngôn trở thành nguyên tắc hành xử, mục tiêu hành động của cá nhân.

Ông Nguyễn Xuân Anh

Điều ấy là cần thiết đối với người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo chủ chốt. Bởi “lập ngôn”, nếu làm đúng nghĩa, đúng mực, đúng nơi, đúng chỗ cũng là cách xây dựng hình ảnh, phong cách, uy tín của cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, người lãnh đạo không chỉ nói hay để “lập ngôn”, mà phải biết làm hay để “lập nghiệp”. Bởi nếu cán bộ nói nhiều làm ít, dở một, thì khi “nói một đằng làm một nẻo” lại dở gấp mười, gấp trăm lần trong mắt người dân!

Trở lại với vụ Bí thư Đà Nẵng bị kỷ luật, điều dễ thấy là phía sau sự mất mát cán bộ, sự “đau lòng khi phải bỏ phiếu kỷ luật đồng chí đồng đội mình” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, thì đây là bài học sâu sắc về tình trạng nói nhiều làm ít, thậm chí là “nói một đằng làm một nẻo” của cán bộ lãnh đạo, nhất là với người đứng đầu cấp ủy địa phương như ông Nguyễn Xuân Anh.

Xâu chuỗi những phát ngôn ấn tượng, những phát biểu tưởng như “gan ruột” của ông Bí thư trẻ nhất nước này trong thời gian 2 năm tại vị, ai cũng tiếc: Giá như những việc ông làm cũng hay ho, ấn tượng như những gì mà ông đã từng tuyên bố, không chỉ trên diễn đàn hội nghị, mà ngay cả những lần ông vi hành xuống cơ sở để chứng tỏ mình gần dân sát việc.

Nhưng sâu sắc nhất vẫn bài học về việc lựa chọn và tiến cử cán bộ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền mà không có quá trình thử thách, bồi dưỡng kỹ càng.

Liệu những người từng tiến cử cán bộ vào các vị trí lãnh đạo nhưng mới vài năm đã mắc sai phạm nghiêm trọng đến mức Trung ương phải thi hành kỷ luật, đã thực sự có làm như họ đã nói là “để trẻ hóa bộ máy, để tìm người tài cho đất nước” chưa? Hay đó chỉ là những lời ngụy biện cho tình trạng lợi dụng chủ trương của Đảng Nhà nước để nhồi nhét con cháu, phe cánh mình vào bộ máy, bất chấp những nguyên tắc, qui định về công tác tổ chức cán bộ, gây ra tình trạng cả họ làm quan, chỗ này “kính thưa đồng chí bố””, chỗ kia “kính gửi đồng chí con”.

Ai sẽ trả lời câu hỏi: Trong những khuyết điểm gần như phổ biến của kiểu cán bộ thoái hóa biến chất mà ông Nguyễn Xuân Anh mắc phải như: sính bằng cấp, mập mờ về tài sản, không dân chủ, mất đoàn kết nội bộ… có bao nhiêu phần trăm nguyên nhân từ sự che chắn, nâng đỡ của các bậc cha chú gây ra!

Những bậc vĩ nhân thường có các câu nói trường tồn với thời gian là do họ đã đạt được một điều rất "đơn giản" nhưng vô cùng khó khăn là "nói đi đôi với làm". Người nói hay mà không làm, nói hay mà làm dở, “nói một đằng mà làm một nẻo”, trước sau gì cũng bị người đời bóc mẽ. Đó là một bài học đau đớn của đạo đức công vụ.

Vì vậy cần phải khắc phục ngay tình trạng “lời nói” không đi đôi với “việc làm” của một bộ phận cán bộ, để không xảy ra những hậu quả nghiêm trọng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

Tác giả: Vân Thiêng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok