Giáo dục

Làm gì ngăn chặn bạo hành học sinh?

Liên tiếp xảy ra các vụ học sinh bị bạo hành cả về thể chất và tinh thần do thầy cô gây ra khiến cả xã hội lo lắng, bất an...

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ học sinh bị bạo hành cả về thể chất và tinh thần do thầy cô gây ra khiến cả xã hội lo lắng, bất an. Làm gì để ngăn chặn nạn bạo hành học sinh?

Những vụ bạo hành học sinh do thầy cô gây ra khiến xã hộ bất an

Vì sao học sinh liên tiếp gánh chịu bạo hành

Hàng loạt câu hỏi phải đặt ra: Vì sao có những nghịch lý, sai trái diễn ra trên bục giảng mà học sinh lại không dám nói ra, không dám phản kháng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình? Khi các em bị bạo hành, các em sẽ báo ai. Ai sẽ bảo vệ học sinh khi các em bạo hành?

Chị Thu Yến, một phụ huynh có con học tiểu học ở Hà Nội phản ánh ở trường công lập có hiện tượng trẻ bị áp đặt và tuân lệnh thầy cô. Bạo hành tinh thần còn phổ biến và kinh khủng hơn nhiều so với uống nước bẩn. Những mầm non tương lai của đất nước phải chịu bạo hành đến bao giờ và hậu họa khi những đứa trẻ mang trong mình vết thương từ nhỏ sẽ ảnh hưởng, tác động tới xã hội ra sao khi chúng trưởng thành?”.

“Hệ thống tham vấn học đường không chỉ giải quyết vấn đề bạo lực, tâm lý của học sinh mà còn giải quyết vấn đề tâm lý của giáo viên trước khi bước lên bục giảng, bước vào lớp học phải loại bỏ những bức xúc, áp lực của gia đình, của cuộc sống thường ngày để thực thi nhiệm vụ cao quý của người thầy dạy tri thức, dạy các em làm người” .

Ông Đặng Hoa Nam

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty luật HTC lý giải, tình trạng bạo hành học trò diễn ra thường xuyên là do những giáo viên bạo hành thường không phải chịu hậu quả và trách nhiệm gì. Họ có thể dùng lý lẽ để bao biện, vì trường không phải có chính sách để giải quyết những tình huống này. Về phía nhà trường, Ban giám hiệu cũng không muốn bị ảnh hưởng danh tiếng nên vụ việc dễ “chìm xuồng” hoặc có xử lý thì cũng chỉ ở mức nhắc nhở, cảnh cáo giáo viên có hành vi bạo hành.

Mặt khác, giáo viên bạo hành cảm thấy hành vi của mình là chính đáng, và khẳng định mình bị học sinh khiêu khích. Họ cũng thường trá hình bạo hành như một hình thức kỷ luật thích đáng cho hành vi khó chấp nhận của học sinh. Đây có thể là một bệnh tâm lý từ lâu của giáo viên. Bên cạnh đó, có thể vì áp lực từ công việc, từ học sinh chưa ngoan, từ cộng đồng... khiến giáo viên không kiềm chế được cảm xúc. Dần dần những thể hành vi bạo hành đó trở thành thói quen.

“Muốn khắc phục tình trạng bạo lực học đường cần có những hình phạt thích hợp đối với những hành động lệch chuẩn với đạo đức nghề giáo”.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng.

Đồng thời, cũng có nhiều nguyên nhân từ phía gia đình và xã hội. Đặc biệt là vai trò của gia đình ra sao khi họ quá coi trọng đời sống kinh tế mà xem nhẹ chuyện giáo dục con, phó mặc con cho nhà trường. Từ đó dẫn đến việc số học sinh chưa thực sự cư xử đúng mực của một học trò, trong ứng xử với bạn bè thầy cô thể hiện sự coi thường, thách thức dẫn đến xung đột…

Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm!

Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng bạo hành học sinh và làm sao để các em có thể tự bảo vệ mình tránh bị bạo lực ngay trong trường học? Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho rằng: Cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, trong đó xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ chăm sóc trẻ em; bổ sung một chương riêng về bảo vệ trẻ em nhằm tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em... Tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ trung ương đến cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các tổ chức trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Chị Bùi Thị Thanh Hằng, một phụ huynh học sinh nêu ý kiến, qua những sự việc trên, thầy cô, cha mẹ nên rút ra bài học để dạy con mình biết bảo vệ bản thân tốt hơn, biết phân biệt đúng - sai và cho trẻ cơ hội được bộc lộ suy nghĩ, lựa chọn hành động của mình.

Còn theo các chuyên gia tâm lý, để giúp trẻ phòng chống bạo hành, hãy tạo cho trẻ thói quen kể cho bố mẹ nghe mỗi ngày có điều gì mới, thú vị hay bất thường. Ngoài ra, chúng ta phải giáo dục kỹ năng cho các bậc cha mẹ. Cần phải thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội. Chính quyền địa phương phải quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, các quy định pháp luật hiện nay đủ sức răn đe các hành vi xâm hại trẻ em. Ông Nam khẳng định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan pháp luật trong việc thu thập chứng cứ để xử lý nghiêm những người bạo hành trẻ em trước pháp luật.

“Tôi muốn nhấn mạnh các biện pháp phòng ngừa. Từ những trường hợp cụ thể để giáo dục có tính chất răn đe những người có ý định xâm hại trẻ em khiến họ phải chùn tay, không dám thực hiện.” - ông Đặng Hoa Nam nói./.

Tác giả: Hoàng Dũng

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok