Đèo Bắc Bình là một trong ba con đèo nối Lâm Đồng với Bình Thuận, thuộc địa phận hai huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) và Bắc Bình (Bình Thuận).
Toàn cảnh đèo Bắc Bình.
Con đèo quanh co, uốn lượn liên tục với nhiều khúc cua gấp, cua tay áo, tuy nhiên, cảnh vật hai bên rất hùng vĩ, núi non trùng điệp, giống như một Tây Bắc thu nhỏ. Vào những ngày đẹp trời, từ trên đèo, bạn có thể nhìn thấy cả biển Phan Thiết.
Thử một mình thả đèo vào một buổi sáng nắng đẹp, gió lộng bên tai, cảm giác cứ như đang bay trên những ngọn núi và chỉ cần đưa tay ra là chạm đến trời.
2. Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, cách Thành phố Đà Lạt 50km. Đây là 1 trong 5 Vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam và được xem là bảo tàng thiên nhiên sống với nhiều hệ động thực vật phong phú đa dạng.
Đến với Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, bạn không chỉ được trải nghiệm cuộc sống ở núi rừng cao nguyên, mà còn được tự mình chinh phục đỉnh Bidoup cao 2.287m – đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà” Tây Nguyên.
Nắng sớm ở vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà
Bidoup được thiên nhiên ban tặng cho núi non hùng vĩ với nhiều cảnh sông suối thác nước ngoạn mục, hệ sinh thái đa dạng, nhiều sinh cảnh đặc trưng. Muốn chinh phục "nóc nhà" Tây Nguyên, bạn phải cần tới thời gian 2 ngày 1 đêm.
Đỉnh núi Bidoup, cao 2.287m, cao nhất cao nguyên Lâm Viên.
Không chỉ có núi non hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, khám phá Bidoup còn là một hành trình đẹp bởi những cung đường mây phủ, những cánh rừng thông, rừng tre trùng điệp. Ngắm nhìn cây Pơ-mu đại thụ (hơn 1300 tuổi), thưởng thức tiếng chim kêu và tận hưởng những bữa ăn ngon giữa đại ngàn sẽ làm nên một chuyến đi vô cùng đáng nhớ.
3. Thành phố Bảo Lộc
Nhắc tới Lâm Đồng, mọi người sẽ nghĩ ngay đến thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Nhưng ít ai biết rằng, cách đó khoảng 100 km, có một thành phố mang vẻ đẹp trầm mặc, mộc mạc hơn. Bảo Lộc mang đến cho du khách một cảm giác yên tĩnh và sâu lắng đến kì lạ.
Đồi chè Tâm Châu
Được mệnh danh là thành phố chè, Bảo Lộc là nơi có diện tích trồng chè lớn nhất tại Lâm Đồng, cũng là nơi có diện tích trồng chè lớn nhất tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ. Chè B’lao (tên cũ của Bảo Lộc) không có vị đắng như chè Bắc, vị chát nhiều hơn, ngọt hậu và rất thơm.
Đồi chè Tâm Châu
Nếu có thể, bạn hãy dậy thật sớm và đến đây khi trời hẵng còn mù sương, ngắm nhìn những giọt sương còn đọng trên lá, thả bộ trên những con đường đất quanh hồ, và thưởng thức ly chè thơm nóng hổi trên tay.
Thác Dam B’ri
Cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 18km, Dam B’ri là thác nước cao và hùng vĩ nhất Lâm Đồng. Từ độ cao này, nước đổ xuống tung bọt trắng xóa, tạo thành một lớp sương mờ ảo. Cũng chính vì thế, vào những ngày có nắng, du khách luôn được chiêm ngưỡng cầu vồng tuyệt đẹp ngay dưới chân mình.
Thác Đambri vừa hùng vĩ, vừa dịu dàng
Dưới chân thác có một cây cầu nhỏ nối hai bờ, quanh năm bám rêu xanh, tạo vẻ lãng mạn nên thơ rất cổ kính khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng. Cảnh sắc thần tiên làm say lòng du khách.
Tu viện Bát Nhã
Nhắc đến Bảo Lộc, không thể không nhắc đến tu viện Bát Nhã. Chỉ riêng cái tên thôi đã gợi lên một vẻ thanh tao. Là chốn du lịch tâm linh, Bát Nhã mang không khí yên bình trầm mặc với những gian thờ ẩn mình trong rừng thông xanh mát.
Một gian nhà nằm giữa rừng thông.
Đến đây, du khách có thể tham quan, lễ Phật và nghỉ lại qua đêm trong những gian nhà khách sạch sẽ. Nước sử dụng trong tu viện được lấy từ những con suối trong rừng, quanh năm luôn dồi dào và mát lạnh.
4. Thác 7 tầng Tà Ngào
Thác Tà Ngào thuộc địa phận xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Tuy có sự đầu tư khai thác nhưng nơi này vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên.
Muốn xuống thác, bạn phải đi bộ quãng đường 1 km. Và muốn qua cả 7 tầng thác, chỉ có cách duy nhất là lội dọc con suối chảy trên những hốc đá lớn. Những ngày mùa khô, dòng nước hiền hòa bao nhiêu thì đến mùa mưa, suối cuồn cuộn chảy xiết bấy nhiêu. Đó chính là lý do bạn nên chọn đi vào mùa khô để hành trình khám phá thác Tà Ngào được trọn vẹn.
Khi đến thác Tà Ngào, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp hùng vĩ ẩn mình giữa đại ngàn. Cảnh quan hoang sơ tuyệt diệu khiến bất cứ ai cũng ngẩn ngơ sững sờ.
Trượt thác là trải nghiệm được nhiều bạn trẻ yêu thích
Thú vị nhất là trò chơi trượt thác. Bạn sẽ được lao băng băng trên lớp đá đen trơn trợt để thả mình rơi tự do vào hồ nước bên dưới. Với tốc độ cực lớn, trượt thác Tà Ngào quả là hành trình nghẹt thở, đầy ly kỳ, mới lạ và thú vị.
5. Ẩm thực
Lâm Đồng có nhiều loại đặc sản nằm trong top đặc sản nổi tiếng và giá trị tại Việt Nam.
Atisô
Atisô là loại rau thực vật và cũng là một loại dược thảo có công dụng chữa nhiều bệnh như gan, mất ngủ, háo nhiệt… nhưng không phải vùng nào cũng trồng được atisô. Chính vì vậy, atisô đã trở thành một trong những món hàng tiêu thụ mạnh nhất ở Lâm Đồng.
Du khách cũng không thể bỏ lỡ dịp thưởng thức các món ăn ngon bổ như atisô hầm giò heo, atisô luộc chấm sốt chua, atisô tẩm bột chiên, nõn atisô luộc trộn kem tươi…
Rau Đà Lạt
Thành phố Đà Lạt không phải vùng nguyên liệu rau duy nhất của Lâm Đồng nhưng lại thành cái tên được biết đến nhiều nhất. Rau Đà Lạt có chất lượng cao, được bảo đảm bằng sự tin tưởng của khách hàng trong nước và lượng rau xuất khẩu hàng năm.
Bất kể món ăn nào từ bún, phở, lẩu… mà có rau Đà Lạt kèm theo là sẽ dễ cảm nhận rõ độ ngọt, giòn mát “ăn đến đâu, biết đến đấy”.
Trà Bảo Lộc
“Kinh đô trà hương” thời Pháp thuộc nay vẫn là một trong những nơi trồng trà ngon nhất nước. Những vườn chè xanh mướt mát trải dài hai bên đường đi không chỉ là phong cảnh đẹp mê lòng người mà còn cho ra thứ nguyên liệu thức uống ngan ngát níu mãi hồn khách đến.
Trà hoa sen thanh mát, quen thuộc, trà hoa sói lạ lẫm, thanh tao, trà sâm dứa nồng đượm, trà lài ngào ngạt… mà thứ nào cũng đậm đà vị núi sương.
Rượu cần của người Chu Ru
Rượu cần của người Chu Ru ở Lâm Đồng được làm từ một loại men đặc biệt. Những loại cây đặc chế như Dong Patơi, Dông ơ mre, Dông Wong, Dong dă khiến cho rượu cần Chu Ru khác biệt so với nhiều loại rượu khác của các đồng bào anh em. Năm loại men nói trên kết hợp với men cái Kzút cùng với gạo lức tạo thành vị đậm đà mang hơi thở của núi. Sự cân bằng khiến rượu cần này uống nhiều chỉ say chứ không bị đau đầu hay đau bụng.
Trong ánh lửa giữa cao nguyên, xung quanh rộn rã tiếng cười nói, được nhâm nhi chút rượu cần sẽ là kỉ niệm không thể quên.
Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn tin: