Với VPBank việc xin thêm hạn mức tín dụng có phần gây ngạc nhiên, vì trước đó đến cuối tháng 9-2018, tăng trưởng tín dụng của VPBank chỉ đạt tầm 8%, nghĩa là dư địa cho vay cho ba tháng cuối năm tương đối rộng. Nay VPBank được nâng room thêm 2% nữa, cho thấy tăng trưởng tín dụng của quí 4 đang bứt phá mạnh.
Mức “nhảy” của lãi suất huy động trong quí 4-2018 so với cả năm đã “tiến bộ” hơn hẳn. Ảnh: THÀNH HOA |
Trước MB và VPBank, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) đã được nới hạn mức tín dụng lên 20%. Sự “du di” về tín dụng đối với ba ngân hàng được đặt trong hoàn cảnh tăng trưởng cho vay của cả hệ thống năm nay, theo nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi, ước 14-15%.
Phát biểu tại hội nghị ngày 14-12-2018 với các tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết tín dụng cả năm dưới 16% - một mức giãn khá rộng. Mười tháng đầu năm nay, theo NHNN, tín dụng mới tăng 10,52% so với cuối năm ngoái, thấp nhất trong vòng bốn năm. Hai tháng 11 và 12, nếu chạy hết tốc lực, giải ngân cho các dự án lớn, tín dụng có thể tăng 1,5-2%/tháng. Tuy nhiên khả năng này là khó.
Cái khó được thể hiện ở chỗ mức tăng tổng phương tiện thanh toán năm nay đang được cơ quan quản lý ngành ngân hàng chủ động điều tiết cho linh hoạt với lạm phát cả năm và lạm phát kỳ vọng của năm sau. Bên cạnh đó, tỷ lệ cho vay/tổng vốn huy động của các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh vẫn đang vượt 95%. Các ngân hàng phải lo đầu vào nhiều hơn lo đầu ra vì một số lý do.
Mức lãi suất tiết kiệm 8%/năm cho kỳ hạn sáu tháng và 8,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng đã khá phổ biến khi khách hàng thỏa thuận với ngân hàng và cộng thêm những khuyến mại. |
Thứ nhất là thời điểm áp dụng quy định chỉ được lấy 40% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang cận kề. Thứ hai là nợ xấu của một số ngân hàng điểm “nóng” tuy có giảm, nhưng tốc độ thu hồi nợ và xử lý nợ xấu thật vẫn còn chậm. Số tiền huy động mà các ngân hàng này phải giữ thường trực để đảm bảo thanh khoản có thể tới vài chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn tỉ đồng/ngân hàng. Thứ ba, tỷ giá, chỉ số CPI năm tới đều được kỳ vọng điều chỉnh, làm cơ sở cho lãi suất tiền đồng đi lên. Và cuối cùng là tỷ lệ tăng trưởng vốn huy động của hệ thống đang thấp hơn đáng kể tăng trưởng tín dụng.
Việc một số ngân hàng nhân dịp đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup đưa ra lãi suất huy động kỳ hạn dài lên 8,5-8,7%/năm chỉ là công khai một thực tế đã diễn ra khoảng ba tháng gần đây. Mức lãi suất tiết kiệm 8%/năm cho kỳ hạn sáu tháng và 8,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng đã khá phổ biến khi khách hàng thỏa thuận với ngân hàng và cộng thêm những khuyến mại. Một số ngân hàng chấp nhận cho khách hàng gửi kỳ hạn 13 tháng lãi suất 8,5%/năm, nhưng người gửi chỉ cần giữ tối thiểu sáu tháng, sau đó nếu muốn rút tiền, vẫn được hưởng lãi suất như ghi trên sổ. Các công ty dạng quản trị gia đình có tiền nhàn rỗi, thay vì gửi tiền dưới tên doanh nghiệp, đã gửi bằng tên cá nhân để tránh phải hạch toán tài chính.
Mức “nhảy” của lãi suất huy động trong quí 4-2018 so với cả năm đã “tiến bộ” hơn hẳn. Sự vào cuộc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng đã đẩy mặt bằng huy động lên nhanh hơn. Bây giờ không tuần nào không có một vài công ty niêm yết thông báo phát hành trái phiếu cả chuyển đổi và không chuyển đổi với số lượng tổng cộng vài ngàn tỉ đồng. Hầu hết các đơn vị phát hành trái phiếu đều không có bảo lãnh và không niêm yết. Trái phiếu doanh nghiệp của những công ty uy tín, thông tin minh bạch, thị giá cổ phiếu ổn định thì thường có lãi suất thấp.
Giới ngân hàng nhận định bất chấp Mỹ có nâng lãi suất đô la Mỹ trong tháng 12-2018 hay không, xu hướng doanh nghiệp chuyển sang vay tiền đồng thay vì vay ngoại tệ để tránh rủi ro tỷ giá năm 2019 ngày càng thể hiện rõ nét. Điểm quan trọng nhất khi chu kỳ lãi suất quay lại, tín dụng vào chứng khoán, bất động sản sẽ không còn “hào phóng” như các năm vừa qua, nợ xấu sẽ gia tăng. Lãi suất lên thì nợ xấu lên giống như “nước nổi thuyền nổi” vậy.
Con số thực nợ xấu, theo NHNN, hiện vẫn đang ở mức 6,6-6,7% tổng dư nợ, đã giảm nhiều so với mức đỉnh 10,8%, nhưng chưa thể nói đó là tỷ lệ an toàn. Việc tái cơ cấu một cách triệt để các ngân hàng Đại Dương, Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu, Đông Á chưa thể đến đích khi mà các vụ án xét xử có liên quan đến bốn cái tên kể trên vẫn đang diễn ra. Đã có nhiều thông tin hành lang về việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia 100% vốn các ngân hàng này, song đến nay vẫn chưa cụ thể và chính thức.
Tác giả: Lưu Hảo
Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Sài Gòn