Kinh tế

Lại nói về “Đại gia điếu cày” và dự án Đại Thanh

Thuật ngữ này được một phóng viên nào đó tặng cho “Đại gia”, có thể mỗi người hiểu một cách khác nhau, nhưng đó là thuật ngữ rất thân thiện, ai đã khái quát về cuộc đời của một nông dân lam lũ vùng xứ nghệ, lớn lên cầm súng đánh giặc, hòa bình trở về với hai bàn tay trắng, và sự lao động bằng mồ hôi và nước mắt.

“Đại gia điếu cày” đã để lại một cơ ngơi đồ sộ cho đất nước, gồm hơn 50 khách sạn các loại, bố trí hàng vạn chỗ ở cho dân nghèo, góp phần ổn định xã hội, lo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động…. đó là những điều đáng tôn vinh, mong sao đất nước chúng ta có nhiều đại gia như thế.

Tuy nhiên, không phải chỉ “Đại gia điếu cày” mà các đại gia khác trên đất nước này cũng vậy, kể cả các Tổng giám đốc, Chủ tịch tập đoàn các doanh nghiệp lớn của Quốc gia họ đều gặp một cái khó chung là đất nước đang phát triển, luật pháp thì thiếu và luôn thay đổi, kể cả những người có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đôi khi khó khăn trong việc cập nhật pháp luật hàng ngày, chứ đứng nói đến họ phải lo toan bao nhiêu công việc làm ăn, lương bổng người lao động; hiệu quả công việc…trong đầu tư xây dựng, Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm nhất là tình trạng tham nhũng, thất thoát trong đầu tư xây dựng.

Nhưng đối với những loại dự án này thì tình trạng trên ít có cơ hội xảy ra, bởi vì những đồng tiền họ bỏ ra họ phải tự chịu trách nhiệm.

Trong bối cảnh pháp luật như vậy, thủ tục hành chính của chúng ta lại quá phiền hà, phức tạp, đội ngũ công chức trong lĩnh vực này đôi khi còn sách nhiễu,… làm mất cơ hội của nhà đầu tư và là một trong các nguyên nhân gây cho các nhà đầu tư vi phạm trật tự xây dựng. Có lẽ một đại biểu Quốc hội nói rất đúng việc mời gọi nhà đầu tư ở một số địa phương “trên giải thảm, dưới giải đinh” là vậy.


105439baoxaydung DAI THANH1

Xin nói cụ thể dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại thanh

Ngày 29/6/2015, Thanh tra Bộ Xây dựng đã thanh tra và kết luận số 164/KL-TTr về việc thanh tra 06 dự án do Xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu làm Chủ đầu tư tại địa bàn Hà Nội và 03 dự án do Công ty cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu BEMES thực hiện trên địa bàn Hà Nội.

Trong đó 06 dự án do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư có dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh.

Đây là cuộc thanh tra chuyên ngành toàn diện theo chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, như công tác lập, phê duyệt quy hoạch, xây dựng theo quy hoạch, quản lý chất lượng công trình, kinh doanh bất động sản (các lĩnh vực khác như thuế đất, các loại thuế khác không thuộc phạm vi thanh tra chuyên ngành xây dựng vì vậy Đoàn thanh tra không đi sâu vào vấn đề này)

Trong kết luận thanh tra đối với dự án này đã nêu đầy đủ và cụ thể nhưng sai phạm trong dự án như:

1. Về hạ tầng kỹ thuật: chưa bố trí 08/08 họng cứu hỏa tại khu vực nhà thấp tầng, chưa xây dựng 01/4 trạm biến áp; chưa đặt các thùng rác khu công viên;

2. Về xây dựng nhà ở thấp tầng CT8 lô HH2; CT10 lô HH1, quy hoạch chi tiết phê duyệt nhà CT8 và CT10 cao 29 tầng, thực tế xây dựng 31 tầng và xây dựng tầng áp mái, phần xây dựng thêm đã chia thành căn hộ để bán:

- Về chuyển đổi mục đích sử dụng: tầng 2 nhà CT8 và CT10 đã chuyển đổi mục đích dịch vụ công cộng sang nhà ở;

- Về mật độ xây dựng: Lô HH1 được duyệt là 40,5% thực tế đã xây nhà cao 2 tầng, nối 3 đơn nguyên, dẫn đến mật độ xây dựng là 66,45% lô HH2 được duyệt là 40,4% thực tế xây dựng nhà của 2 tầng nối 3 đơn nguyên, dẫn đến mật độ 66%;

3. Về việc xây dựng công trình công cộng

Trên lô đất quy hoạch làm Trường mẫu giáo diện tích là 3.300m2 và lô đất công cộng có diện tích là 4.283m2, đang sử dụng tạm làm 02 bãi đỗ xe;

Trên lô đất quy hoạch để trồng cây xanh, công viên kết hợp hồ điều hòa và sân TDTT có diện tích là 12.520m2: đã xây dựng trụ sở làm việc của Ban quản lý cao 05 tầng (diện tích xây dựng khoảng 200m2) và trung tâm chăm sóc sức khỏe cao 04 tầng (diện tích xây dựng khoảng 100m2), 01 bể điều hòa chưa được giải phóng mặt bằng.

4. Về việc giải phóng mặt bằng

Ngày 11/10/2012, UBND huyện Thanh Trì ban hành Quyết đinh số 6685/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết giải phóng mặt bằng, diện tích thu hồi là 10.236m2. Đến thời điểm thanh ra dự án này, thì diện tích 10.236m2 chưa được giải phóng mặt bằng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng chưa đúng với quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt.

Với các sai phạm trong vi phạm trật tự xây dựng, Thanh tra Bộ xét thấy các sai phạm chưa có cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự, vì vậy đã ra các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu tổng số tiền về ngân sách nhà nước là: 1.095.000.000 đồng (một tỷ không trăm chín năm triệu đồng) trong đó có các Quyết định xử phạt các vi phạm của dự án này.

Về phía doanh nghiệp sau kết luận thanh tra cũng đã cố gắng khắc phục một số vi phạm theo kết luận thanh tra, đồng thời cũng có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội và các sở ngành xem xét trong việc điều chỉnh quy hoạch do còn hơn 10 nghìn m2 không giải phóng được.

Trong kết luận thanh tra ngoài việc yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục ngay các vi phạm đồng thời đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm điểm và xử lý các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp để xảy ra các vi phạm đã nêu trong kết luận và yêu cầu tổ chức cá nhân có thẩm quyền tổ chức rà soát, thu hồi nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với 7 dự án, trong đó có dự án công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh.

5. Về vấn đề tiền sử dụng đất:

Qua nghiên cứu 9 dự án được thanh tra thì có tới 7 dự án có vấn đề về thủ tục nộp nghĩa vụ tài chính. Riêng dự án công trình hỗn hợp Đại thanh cho thấy:

Ngày 26/12/2006, UBND thành phố có Quyết định số 238/2006/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu đất xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh; ngày 27/7/2011, Sở tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội có văn bản số 2557/STNMT-DKTK về việc đề nghị thẩm định nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư công trình hỗn hợp Đại Thanh gửi các ngành: Tài Chính, xây dựng, kế hoạch đầu tư, Sở QHKT, Cục thuế thành phố Hà Nội và UBND huyện Thanh Trì.

Chủ đầu tư cũng đã có nhiều văn bản đề nghị các ngành, đặc biệt Sở tài nguyên Môi trường xin được thu hồi, bàn giao đất từng phần đã giải phóng mặt bằng; Sở tài nguyên môi trường và các ngành cũng đã có văn bản đề nghị, nhưng chưa được UBND thành phố phê duyệt để thực hiện.

Nhìn chung, quanh vấn đề này đã có hàng chục văn bản của Chủ đầu tư của các ngành chức năng thuộc UBND thành phố về kiến nghị giao đất từng phần và thu tiền đất từng phần theo diện tích đã giải phóng mặt bằng thực tế xây dựng.

Đối chiếu với pháp luật về đất đai và Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 18/01/2010 của UBND thành phố Hà Nội “về việc Ban hành quy định thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án và làm nhà ở nông thôn tại điểm dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội” thì dự án này đã đủ cơ sở pháp luật để bàn giao đất từng phần và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nhưng đến thời điểm thanh tra công việc này vẫn không được thực hiện, vậy trách nhiệm thuộc về ai?.

Trong quá trình thực hiện dự án các ngành của UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất với UBND thành phố 2 phương án xác định nghĩa vụ tài chính, trong đó Phương án 1: Xác định theo hiện trạng sử dụng đất thì nghĩa vụ tài chính của dự án khoảng hơn 597 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 483 tỷ đồng (chưa kể tiền GPMB chủ đầu tư tự bỏ). Theo quy định tại điều 20 Nghị định 45-2014 của chính phủ quy định về thu tiền đất, thì không thể nói doanh nghiệp nộp chậm tiền sử dụng đất.

Về kết luận thanh tra cho rằng: Kiến nghị sử lý hình sự vì có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội là thiếu chuẩn xác về cơ sở pháp luật vì không thể truy cứu hình sự tập thể, mà phải làm rõ trách nhiệm cá nhân nào làm thất thoát bao nhiêu, gây hậu quả thế nào mới có cơ sở chuyển cơ quan điều tra tiếp theo.

Mặt khác khái niệm gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng… đã được quy định trong hệ thống pháp luật hình sự vì vậy không nên sử dụng một cách “dễ dãi” thuật ngữ này làm ảnh hưởng đến nhiều tập thể, các nhân.

Các tội danh trốn thuế cũng được quy định trong luật thuế và luật hình sự nếu có đủ cấu thành tội phạm thì truy cứu nhưng phải được xác định rõ về chủ thể để không gây hoang mang cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng. Mặt khác dự án này đã có 4500 hộ dân và hàng vạn người sống ổn định nhiều năm, và 2700 hộ dân đã có sổ đỏ. Việc làm đó gây hoang mang, mất ổn định cho người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc nhở các cơ quan thanh tra là mục tiêu của công tác thanh tra ngoài việc xác định cụ thể tội phạm trong đó có tội tham nhũng, nhưng công việc chính vẫn là hướng dẫn doanh nghiệp, các nhân thực hiện tốt pháp luật, ổn định sản xuất, xã hội. Không được hình sự hóa các quan hệ giao dịch dân sự.

Tuy nhiên với dự án này cần phải là rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực thi nhiệm vụ của mình gây khó khăn, vướng mắc và sách nhiễu doanh nghiệp; xử lý nghiêm những việc doanh nghiệp đã vi phạm theo quy định pháp luật đồng thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp mà chính các cơ quan hành chính Nhà nước gây ra

Tác giả: Duy Nguyên
Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok